1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lập Ủy ban Điều tra chống tham nhũng, toàn quyền điều tra cán bộ cấp cao?

(Dân trí) - “Tôi đề nghị thành lập Ủy ban Điều tra chống tham nhũng độc lập, chứ không chỉ là Ban chỉ đạo. Trao cho cơ quan này toàn quyền trong việc điều tra cán bộ cấp cao? có dấu hiệu vi phạm”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá, công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, đã kéo dài nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Trong kỳ báo cáo, Cơ quan điều tra đã khởi tố 178 vụ án với 317 bị can về các tội danh tham nhũng, giảm 61 vụ với 242 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 310 vụ/697 bị can, giảm 19 vụ với 54 bị can. Thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất.

Vẫn còn một số vụ án xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng, việc xem xét, xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý kỷ luật hành chính. Việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp. Cụ thể, trong các vụ án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng điều tra thì tài sản thiệt hại khoảng 268,2 tỷ đồng, thu hồi được 43,9 tỷ đồng, đạt 16,3%. Trên phạm vi cả nước, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8% giá trị về tiền và 29,2% giá trị về đất.

Thảo luận tại hội trường công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đề xuất, thành lập Ủy ban Điều tra chống tham nhũng độc lập, chứ không chỉ là Ban chỉ đạo. Theo ông Thuyền, chỉ lập cơ quan này ở trung ương, tham gia vào những vụ án lớn.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề xuất thành lập Ủy ban Điều tra chống tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề xuất thành lập Ủy ban Điều tra chống tham nhũng

“Sau khi thành lập, trao cho cơ quan này toàn quyền trong việc điều tra cán bộ cao cấp có dấu hiệu vi phạm. Còn những cán bộ khác vẫn thuộc thẩm quyền của ngành công an”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không thể coi thường tham nhũng vặt vì ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Ông Nghĩa nhận thấy từ cảnh sát giao thông, cán bộ chính quyền cấp cơ sở, tổ dân phố, xin gì cũng phải chung chi. Một khi đã chung chi rồi thì vi phạm thoải mái, thể hiện ở tình trạng chiếm lòng, hè đường diễn ra hàng ngày.

Ông Nghĩa cũng đề cập trách nhiệm của người đứng đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Theo đại biểu, chỉ cần người đứng đầu, cấp trên, người nắm quyền lực ở mỗi vị trí, mỗi cấp gương mẫu, kiên quyết, nghiêm khắc, mọi việc đã tốt hơn rất nhiều. Người lãnh đạo phải trọng dụng, gần gũi, lắng nghe trung thần, xa lánh, cảnh giác trước nịnh thần, nghiêm trị gian thần.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có hiện tượng ngược lại, người lãnh đạo "xa lánh, nghiêm trị trung thần, lắng nghe, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần". Đại biểu TPHCM cảnh báo, mỗi hành vi tiêu cực của người lãnh đạo kiểu gì cũng.... lộ và cho dù không bị xử lý, vẫn có tác động xấu lan truyền, cấp dưới tốt sẽ mất niềm tin vào lãnh đạo mà nếu người dưới xấu thì họ lợi dụng “té nước theo mưa”.

Ông Nghĩa chốt lại, cử tri kỳ vọng Đại hội Đảng tới đây là cơ hội để kiên quyết loại trừ những người lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái về đạo đức vì nhân sự là khâu quyết định của mọi vấn đề.

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) đánh giá, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, báo cáo Chính phủ là đúng mức. “Qua những số liệu cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiến triển, nhưng tiếp xúc cử tri, nhân dân chưa công nhận, tình hình vẫn đang rất bức xúc, phức tạp. Chính phủ có đánh giá  là nghiêm trọng, nhũng nhiễu lót tay phổ phiến, lợi ích nhóm nguy hiểm... đó là biến thái, phát triển của tham nhũng”, đại biểu Nam thẳng thắn chỉ rõ.

Theo Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên), những loại tội phạm giảm đó là thành tích của các cơ quan chức năng, cần được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng giảm trong khi tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, còn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành là trách nhiệm của các cơ quan phòng chống tham nhũng.

“Tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, tinh vi nhưng không được đẩy lùi là thách thức lớn đối với sự tồn vong của chế độ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhân dân. Cử tri đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, có nhiều cách, nhiều nội dung để trả lời những câu hỏi trên và điều quan trọng nhất là cần phải quyết tâm, quyết liệt, có được sự đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống tham nhũng.

Quang Phong