1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kẻ tham nhũng không khắc phục hậu quả, chỉ tìm cách tẩu tán tài sản!

(Dân trí) - “Tôi vẫn giữ quan điểm không bỏ từ hình đối với tội tham ô, hối lộ, ngay cả người trên 75 tuổi. Và cũng đừng hi vọng những người tham nhũng khắc phục hậu quả, mà họ chỉ tìm cách tẩu tán tài sản thôi”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Ngày 28/10, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích những bất cập liên quan đến công tác kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng trong thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra con số hơn 1 triệu người kê khai tài sản, chỉ xác minh được 1.200 trường hợp, phát hiện 5 trường hợp có vi phạm và xử lý 2 trường hợp. Ông đánh giá thế nào về con số trường hợp vi phạm quá khiêm tốn này?

Theo tôi kiểm soát kê khai tài sản chỉ là một phương diện, quan trọng là phải kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ cao. Còn cán bộ, công chức bình thường, kê khai chỉ mang tính hình thức. Những người có thu nhập đơn thuần bằng tiền lương, không có chức vụ quyền hạn để quyết định vấn đề gì thì việc kê khai tài sản cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng người có quyền quyết định cấp dự án, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ.


Đại biểu Đỗ Văn Đương trả lời báo chí về vấn đề phòng chống tham nhũng

Đại biểu Đỗ Văn Đương trả lời báo chí về vấn đề phòng chống tham nhũng

Trong khi có nhiều vụ án kinh tế, gây thất thoát khối tài sản được điều tra, xét xử người vi phạm, thu hồi tài sản về cho nhà nước. Vậy theo ông làm cách nào để việc kê khai tài sản, ngăn ngừa tham nhũng đạt hiệu quả?

Pháp luật không loại trừ ai, còn vấn đề ở đây là phải thực hiện thế nào, phát hiện ra làm sao. Theo tôi trước hết phải đề ra văn bản, trong quá trình thực hiện thấy cái gì chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung. Quan trọng hơn nữa là phải làm thế nào để đi vào thực tế được thì phải có biện pháp tổ chức thực hiện và phải có những con người biết cách chống tham nhũng, được độc lập và được trao quyền mạnh mẽ hơn.

Người ta đi điều tra thì không vào cơ quan nhà nước để nghỉ ngơi mà ra bên ngoài để tránh vướng mắc thì mới độc lập. Pháp luật nếu có mà không được thực hiện thì sẽ lưu động trong không khí thôi.

Điều đó có nghĩa là cần phải trao quyền mạnh hơn cho cơ quan phòng, chống tham nhũng?

Đúng vậy. Cơ quan chống tham nhũng phải độc lập thật cao. Tôi đã nhiều lần kiến nghị phải thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập. Ví dụ, cơ quan điều tra phòng, chống tham nhũng phải độc lập với cơ quan điều tra cấp tỉnh.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “sâu mọt” biển thủ công quỹ, theo ông thời gian tới việc sửa Luật phòng, chống tham nhũng nên đi theo hướng nào?

Tôi vẫn giữ quan điểm không bỏ từ hình đối với tội tham ô, hối lộ. Kể cả 75 tuổi trở lên vẫn bị tử hình, không loại trừ. Anh về hưu, phát hiện ra khối tài sản tham ô hàng trăm tỷ thì phải tử hình chứ. Đừng hi vọng những người tham nhũng khắc phục hậu quả, mà họ chỉ tìm cách tẩu tán tài sản.

Như ông nói là không nên hi vọng những người tham nhũng tự khắc phục hậu quả, mà họ chỉ tìm cách tầu tán tài sản. Vậy làm cách nào để ngăn chặn tình trạng này?

Tôi đề nghị phải tính đến chứng cứ điện tử, chứ không phải vật chất bình thường. Để thu hồi tài sản, rất coi trọng phong tỏa tài khoản của người bị nghi tham nhũng ngay từ đầu, áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt để xem dòng tiền đó đi đâu.

Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị các biện pháp đặc biệt như khám xét bí mật, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài sản, kê biên tài sản ngay từ khâu điều tra. Việc này để bảo đảm bồi thường, thi hành án. Còn nếu không khi ra tòa, hỏi tiền đi đâu thì họ bảo mất hết rồi.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm