Lao động Việt Nam mắc kẹt ở Libya kể chuyện
(Dân trí) - Bằng những cố gắng liên lạc qua email và điện thoại với hàng chục lao động Việt Nam hiện đang bị mắc kẹt tại thành phố Sirt (Libya), PV Dân trí đã ghi nhận được những khó khăn, thử thách mà họ đang phải đương đầu trong bối cảnh căng thẳng tại Libya.
Tình hình bất ổn đang diễn ra rất nghiêm trọng tại đất nước Libya khiến cho hàng ngàn lao động Việt Nam đang còn bị mắc kẹt tại đất nước này phải gánh chịu, đương đầu với hàng loạt những khó khăn, gian khổ với sự lo lắng đến tột cùng. Tất cả họ đều đang mong chờ từng phút giây để có thể tiếp cận phi cơ và nhanh chóng được về quê hương đoàn tụ với gia đình.
Hiện nhiều khu vực, vùng dân cư trên đất nước Libya đang bị chia cắt, người lao động Việt Nam đang cố gắng đoàn kết chung lòng cầm cự, bao bọc nhau để vượt qua những cơn sóng gió của bom đạn không đến biết lúc nào mới kết thúc.
Tiếng súng nổ xé đêm
Anh Nguyễn Văn Duy, số hộ chiếu B3337869 và số điện thoại 00218918511646, 00218918511646 cho biết: “Tại lán trại chúng tôi đang bị kẹt lại có tất cả 19 người Việt Nam, 1 người Thái Lan và một số người Sudan. Trong 19 lao động Việt Nam có 18 lao động do công ty CP Nhân lực & Thương mại Vinaconex và 1 lao động do công ty Việt Thắng tuyển dụng đưa sang lao động tại Libya. Hiện đời sống sinh hoạt của chúng tôi hết sức khó khăn, đặc biệt trong 3 ngày gần đây thức ăn đã hết, nước không có để uống mà phải uống nước mưa còn đọng lại trong những thùng hồ trên công trường. Riêng thức ăn, mỗi ngày những người Libya canh trại chỉ mở kho cho mỗi người 2 hộp bơ mà không còn bánh mỳ. Chúng tôi cũng không biết ăn như thế nào để còn tồn tại…”.
Tình trạng sức khỏe hiện tại của tất cả các lao động vẫn bình thường, vẫn còn có thể cố gượng, san sẻ nhường nhau được, nhưng tình trạng đói và khát đã bắt đầu hiện hữu trước mắt. Một vài người đã có hiện tượng mệt mỏi.
Cho biết về tình hình chiến sự đang diễn ra tại Libya, anh Duy và những người bạn ở cùng lán trại cho biết: “ Đến nay, trong lán vẫn chưa gặp phải tình trạng lộn xộn hay bất ổn. Thế nhưng tình hình ngoài phố thì thật kinh hoàng. Chúng tôi không được ra khỏi lán do trước cửa trại luôn luôn có 2 người Libya cầm súng canh gác ban ngày, 3 người Libya cầm súng canh gác ban đêm không cho bất cứ ai ra ngoài. Những người Libya này trước là lái xe cho công ty nhưng sau khi người Thổ về hết, họ thuê 3 người Libya ở lại trông nom trại”.
Hàng chục con tim thổn thức đợi chờ…
Vừa kể về tình hình chiến sự cho chúng tôi nghe, anh Nguyễn Văn Duy vừa đọc tên những người lao động - những người cùng anh hiện còn mắc kẹt tại thành phố Sirt trong niềm hy vọng tột cùng - đó là: Đinh Văn Trung - quê Bắc Giang, Phạm Văn Nhì - quê Hưng Yên, Nguyễn Văn Quán - quê Hà tĩnh, Lê Quyết Thắng - Hà Nội, Trịnh Kế Lương - Hưng Yên…
Mọi nỗ lực của gần 20 lao động trong ngôi lán trại được phát đi khắp mọi nơi kể từ ngày bất ổn xảy ra và họ bị mắc kẹt lại. Là người đại diện cho các đồng nghiệp trong lán để liên lạc, anh Nguyễn Văn Duy buồn rầu cho biết, Lao động của các nước khác có hộ chiếu, họ đã tìm được cách thoát khỏi nơi đây. Chúng tôi đều đã bị thất lạc hộ chiếu nên không thể đi đâu được, chỉ nghe những người Thổ trước khi rời đi cho biết tất cả hộ chiếu của chúng tôi đã được lên thủ đô Tripoli. Các lao động Việt Nam ở công ty khác trước ở cùng chúng tôi lại nói rằng hộ chiếu của chúng tôi đã được chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam.
“Chúng tôi cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Tripoli và được biết hiện nay tại Đại sứ quán cũng rất khó khăn, họ đang cố gắng tìm đến giải thoát cho chúng tôi. Chặng đường từ Tripoli đến thành phố Sirt cũng rất xa, phải đi ô tô đến khoảng 8 giờ đồng hồ mới đến nơi mà tình hình chiến sự đang rất khốc liệt. Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện công ty tuyển dụng đưa chúng tôi sang lao động tại thành phố Sirt để cho biết về tình hình mong muốn được giúp đỡ giải thoát nhanh nhất.” - anh Duy bày tỏ.
Tuy nhiên, nếu như cứ mắc kẹt tại thành phố Sirt - quê hương thổng thống Libya và những người ủng hộ tổng thống trong tình trạng đói khát cùng những tràng súng nổ xé đêm, không biết số phận của chúng tôi sẽ như thế nào, hiện chúng tôi đang cố gắng cùng nhau “nhường cơm sẻ áo” để cầm cự và chờ đợi…
Trao đổi với PV Dân trí về giải quyết tình hình lao động tại Libya vào đêm 28/2, ông Nguyễn Văn Hiệp - Tổng Giám đốc Vinaconex Mec cho biết: "Tình hình xung đột hiện tại ở Lybia rất khôn lường, tôi cũng có nghe lao động tại thành phố Sirt cho biết là họ đang phải cầm cố trong sinh hoạt và phải uống nước mưa chờ đợi cứu tế đến giải thoát. Đến thời điểm hiện tại, công ty chúng tôi đã phối hợp đưa được hơn 200 lao động về nước an toàn, còn lại hơn 2.000 lao động hiện đang ở những khu vực nguy hiểm tại Libya cũng đang được chúng tôi triển khai tiếp cận để sớm đưa về nước. Việc ứng cứu lao động là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của chúng tôi, mọi cách tổ chức họp bàn cùng với đại diện công ty, Đại sứ quán tại Libya và cơ quan chức năng lên các phương án hiệu quả nhất, nhanh nhất để đáp ứng sự chờ đợi đoàn tụ của lao động nước sở tại cũng như thân nhân lao động trong nước". |
Quốc Đô - Anh Thế