1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Có thể thuê máy bay quân sự đưa lao động Việt Nam về nước

(Dân trí) - Còn gần 4.000 lao động VN vẫn đang bị kẹt ở Libya. Công tác sơ tán gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển, thủ tục. Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH dự kiến nếu cần sẽ thuê thêm máy bay quân sự để vận chuyển người lao động về nước.

Trong buổi họp khẩn cấp của liên Bộ nhằm bàn bạc và thống nhất công tác đón lao động Việt Nam từ Libya, diễn ra tại Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB & XH), chiều nay (28/2), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 5 đoàn công tác được thành lập với nhiệm vụ tới các nước gần biên giới Libya để đón lao động Việt Nam đã và đang di chuyển đến, chờ về nước.

“Ngay tối nay sẽ có đoàn công tác bay đi Tuynidi, Ai Cập và Hi Lạp… là những nước có biên giới với Libya và đang tạm tiếp nhận lao động Việt Nam”- bà Ngân cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) báo cáo nhanh: Tổng hợp đến trưa nay, đã có 8.161 lao động Việt Nam đã và đang di tản sang các các nước láng giềng. Cụ thể, đã có 991 lao động sang Ai Cập, 242 người đang nhập cảnh vào Hy Lạp, 1.378 người nhập cảnh Malta, 557 người đang ở  Thổ Nhĩ Kỳ; 292 đã  sang Tuynidi và 300 người nữa đang trung tại biên giới nước này… Theo tính toán của ông Quỳnh, từ nay đến 3/3 sẽ có hơn 1.000 lao động nữa sẽ về đến Việt Nam.
 
Có thể thuê máy bay quân sự đưa lao động Việt Nam về nước - 1
Bộ LĐ-TB&XH tính đến phương án thuê máy bay quân sự đến vùng "nóng" tại Lybia  đưa lao động ở về nước (Ảnh: TTX)
 
"Vẫn còn gần 4.000 lao động VN còn kẹt lại ở Libya, trong đó khoảng 2.000 người nằm trong kế hoạch sơ tán trong những ngày tới. Trong thời điểm hiện nay,  nhiều lao động của ta làm việc cho chủ thầu Libya  gặp khó khăn trong quá trình di tản, do bị chủ lao động bỏ hoặc do một số chủ khác không nắm thủ tục nên cũng chậm chạp trong việc giải quyết cho lao động của ta ra khỏi biến giới. Thêm vào đó, một số chủ lao động bắt đầu trốn tránh trách nhiệm khi thấy có cơ quan chức năng từ phía Việt Nam sang lo lắng, giải quyết tình hình. Trước thực trạng này, hiện Đại sứ quán nước ta tại Libya và Ban chỉ đạo đưa lao động từ Libya về nước đang tìm mọi cách liên lạc, tập hợp số lao động còn kẹt lại để lo thủ tục đưa về”- Ông Quỳnh nói.

Theo phản ánh của các đoàn công tác, hiện phương tiện vận tải tại Libya  rất thiếu nên việc đưa lao động nước ta sơ tán càng gặp khó khăn. Trong khi đó, số lao động đã di tản sang đến  sang Tuynidi đang bị giữ  lại, do nước ta không có cơ quan đại diện ở đây. Hơn 500 lao động ở  Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bị kẹt lại do chủ trốn tránh trách nhiệm. Tình hình lộn xộn do thiếu lương thực đã diễn ra.

Có thể thuê máy bay quân sự đưa lao động Việt Nam về nước - 2
Tính đến trưa 28/2,  930 lao động Việt đã về đến sân bay Nội Bài.
 
Để nhanh chóng đưa được số lao động ta còn đang kẹt lại Libya về nước an toàn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo các đoàn công tác huy động mọi phương tiện máy bay, tàu thủy thậm chí nếu được sẽ thuê trực thăng đến những điểm “nóng” ở Libya để đón lao động. “Cần nhờ hoặc thuê phương tiện của những nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia…cũng đang đón lao động của họ về nước”- Bà Ngân nói tiếp.

Cũng nhằm giải quyết sự việc lao động ta kẹt ở Tuynidi, ngay tối nay sẽ có chuyên cơ và đoàn công tác sang Tuynidi giải quyết thủ tục và đưa lao động về.  Số người còn đang chờ ở biên giới cũng phải nhanh chóng được đưa về. Khi đi, đoàn sẽ mang theo 8 tấn lương thực, nước uống giúp người lao động bớt khó khăn. Toàn bộ lương thực đoàn đem theo là thức ăn chín, bởi khu vực lao động ta đang tập kết rất lạnh và không có chỗ để nấu ăn.

Hiện Bộ Ngoại giao cũng đang tiến hành lo visa cho đoàn công tác đi Ai Cập đón lao động do thủ tục vào nước này tương đối khắt khe và kéo dài…

Bà Ngân cũng cho rằng, vấn đề nhờ đến sự trợ giúp mạnh mẽ hơn nữa từ phía Tổ chức di dân quốc tế (IOM) cũng được đặt ra, bởi IOM rất có kinh nghiệm và có kinh phí khá lớn để giải quyết những sự việc như hiện nay.

 P. Thanh