Lãnh đạo “tạo điều kiện” cho con em theo phương thức… phi giáo dục!

(Dân trí) - “Vụ tiêu cực thi cử cho thấy việc cán bộ, lãnh đạo “tạo điều kiện” cho con em mình theo một cách thức phi giáo dục. Nhiều gia đình hiện vẫn "khoán trắng" việc giáo dục cho nhà trường và do đó, sẽ rất bất công nếu đổ hết lỗi về các hành vi xấu, thiếu chuẩn mực của học sinh cho nhà trường” – đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân nhận xét.

Lỗi hẹn với… triết lý giáo dục?

Lãnh đạo “tạo điều kiện” cho con em theo phương thức… phi giáo dục! - 1

Đại biểu Phạm Trí Thức kêu gọi đề cao tính nhân văn của nền giáo dục

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận xét, dù ban soạn thảo đã giải trình triết lý giáo dục thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự luật là tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại nhưng vẫn cần làm rõ và đúc rút trong một điều khoản riêng, làm rõ tinh thần một nền giáo dục hiện đại. Theo đại biểu, nội dung này dự thảo luật mới thể hiện một cách mờ nhạt.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng, GS. Trần Ngọc Thêm từng phân tích về triết lý giáo dục với 5 thành tố trung tâm, trong đó tinh thần chủ đạo, tư tưởng là cốt lõi, là cái gốc. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo luật thì các điều khoản quy định thì sự cụ thể hoá những thành tố này chưa rõ, chỉ thể hiện ở những mục tiêu được liệt kê ra.

“Nói triết lý giáo dục thể hiện như vậy thì có phải là một sự gượng ép?  Việc liệt kê dàn trải ko làm nên triết lý giáo dục của quốc gia. Như vậy, một lần nữa, triết lý lại lỗi hẹn trong dòng chảy lịch sử?” – đại biểu cảm thán.

Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá) nhận xét, khi đọc các điều luật được viết ra thì thấy triết lý giáo dục chưa được thể hiện một cách toàn diện, khoa học. Cơ quan soạn thảo nêu mục tiêu nền giáo dục đề cao tính nhân văn, nhân dân, dân tộc nhưng vì xác định mục tiêu chính là sự thể hiện của triết lý giáo dục nên soi vào các điều khoản lại thấy những… nghịch lý.

Ông Thức dẫn chứng, lâu nay ông cha quan niệm đơn giản “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” thì cơ quan soạn thảo luật thể hiện mục tiêu giáo dục cần đạt được với trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi những tiêu chí “trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ”.

“Tôi xin thưa, với các em độ tuổi đó, nếu có đặt Hoa hậu hoàn vũ bên cạnh mẹ các em thì các em cũng sẽ bỏ phiếu, bầu chọn cho mẹ mình là đẹp chứ không phải hoa hậu. Đó mới chính là thể hiện của tính nhân văn. Vậy thì nó sẽ mâu thuẫn gì với mục tiêu xây dựng tố chất “thẩm mỹ” cho trẻ” – đại biểu Thức nhận xét.

Ngược lại, đại biểu Đinh Duy Vượt  (Gia Lai) kêu gọi: “Đừng chẻ triết lý giáo dục ra nữa, chỉ thêm đẻ ra những thí điểm, tập huấn, thực nghiệm… gây lãng phí, tốn kém, tạo gánh nặng thêm cho thầy cô, học sinh, người dân, xã hội”.

Học sinh lệch chuẩn, không thể đổ lỗi hết cho nhà trường!

Lãnh đạo “tạo điều kiện” cho con em theo phương thức… phi giáo dục! - 2

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu tại phiên thảo luận

Về vấn đề chương trình, sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, đây là nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Ông đồng ý quan điểm xã hội hoá sách giáo khoa, một chương trình nhiều bộ sách nhưng đề nghị quy định rõ sách giáo khoa phải sử dụng ổn định lâu dài, chứ không thể dùng một năm rồi bỏ.

“Hội đồng thẩm định sách giáo khoa nên giao cho Thủ tướng thành lập, không nên giao cho Bộ trưởng, bởi Thủ tướng thành lập thì hội đồng này sẽ có thành phần đa dạng, uy tín” - đại biểu Hoà nói.

Tán thành, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ rõ, Bộ trưởng GD-ĐT là người chỉ đạo thống nhất việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa rồi Chủ tịch Hội đồng Thẩm định sách cũng là Bộ trưởng thì “không thuận lắm”.

“Tôi không nói Bộ trưởng không làm được chừng đó việc nhưng không nên giao hết cho Bộ trưởng làm vì sẽ không khách quan. Đề nghị Thủ tướng cho lập Hội đồng thẩm định độc lập” – ông Tuấn đề nghị.

Về quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Hòa đồng tình với việc vẫn tổ chức thi THPT, nhưng đề nghị bổ sung quy định giao cho Chính phủ nghiên cứu tiến tới xét công nhận tốt nghiệp THPT để đỡ gây tốn kém ngân sách, lãng phí thời gian của xã hội bởi hiện nay tổ chức thi thì hơn 99% đỗ.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, những tiêu cực trong thi cử bị phát hiện trong thời gian qua đã đặt giáo dục trong tâm điểm của dư luận. Ông cho rằng vai trò của gia đình phải được đặt trong gốc rễ vấn đề này.

“Vụ tiêu cực thi cử cho thấy việc cán bộ, lãnh đạo “tạo điều kiện” cho con em mình theo một cách thức phi giáo dục. Nhiều gia đình hiện vẫn "khoán trắng" việc giáo dục cho nhà trường và do đó, sẽ rất bất công nếu đổ hết lỗi về các hành vi xấu, thiếu chuẩn mực của học sinh cho nhà trường” - ông Nhân lập luận.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Vì sao sự nảy nở ngày càng nhiều gia đình văn hoá nhưng các hành vi lệch chuẩn lại ngày càng bén rễ trong cuộc sống? Bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa đủ để các em hình thành nhân cách thì không thể trông đợi hết vào nhà trường”.

P.Thảo