Lãnh đạo ngành Y nói về nạn “phong bì lót tay” bác sĩ
(Dân trí) - “Tôi không phủ nhận chuyện biếu bác sĩ “phong bì” vẫn đang diễn ra ở rất nhiều bệnh viện. Tuy nhiên, nên phân biệt giữa tiêu cực và phong tục tập quán văn hoá đẹp”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói về <a href="http://www11.dantri.com.vn/News/Event.aspx?EventID=1002">nạn “phong bì lót tay”</a> đang được dư luận xã hội rất quan tâm.
Ngoài quan điểm của Bộ trưởng, lãnh đạo của hai bệnh viện Nhi Trung ương và Việt Đức cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này.
Phải quyết liệt lên án và xử lý nghiêm! - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên quản lý đặt vấn đề y đức bằng cả cơ chế và giáo dục đạo đức trong nghề nghiệp.
Trước đây, đã có lúc nhà nước áp dụng chính sách lao động kiểu hợp tác xã, người nông dân làm việc theo kiểu cứ có kẻng là ra đồng làm và làm rất chiếu lệ, ít hiệu quả. Cho đến khi cơ chế Khoán 10 ra đời, vứt cái kẻng đi, thì người nông dân lại rất tự giác.
Hiện nay, ngàng y tế cũng vậy, đã đến lúc từng bước phải thay đổi lại cơ chế quản lý trong bệnh viện. Ngoài nghĩa vụ thực hiện những chính sách y tế do Nhà nước đề ra đối với toàn xã hội. Các bệnh viện cũng nên đẩy mạnh vấn đề cung cầu dịch vụ.
Như vậy, những bệnh viện nào làm tốt về chuyên môn lại kèm theo dịch vụ tốt ắt hẳn sẽ có nhiều bệnh nhân tìm đến, theo đó thu nhập của bác sĩ sẽ xứng đáng với sức và trí tuệ của mỗi người (giống như ngành thương nghiệp vậy, bán được nhiều hàng thì lương càng cao). Khi vấn đề thu nhập được nâng cao, cuộc sống của cán bộ y tế được cải thiện và vấn đề y đức của người bác sĩ lúc đó cũng sẽ nâng cao.
Còn về vấn đề “phong bì” trong bệnh viện hiện nay. Tôi công nhận là hiện tượng này hiện nay vẫn đang diễn ra ở một số bệnh viện. Bản thân tôi đã từng nghe một số phản ánh xung quanh chuyện phong bì “lót tay” bác sĩ. Có một bệnh nhân kể rằng, anh ta bị bí tiểu khá nặng, phải vào bệnh viện để “xông”. Đến nhập viện trong hoàn cảnh như vậy mà bệnh nhân này vẫn bị bác sĩ hạch sách bắt chạy đi khắp nơi để làm thủ tục. Chỉ đến khi người nhà nhét vào túi áo vị bác sĩ nọ cái “phong bì” thì bệnh nhân ấy mới được nhập viện!
Nếu chuyện đó là có thật thì quả là một điều đau lòng và không nên có. Nó thể hiện, đạo đức xã hội của một số bộ phận bác sĩ đã xuống cấp bởi ảnh hưởng của kinh tế thị trường và làm xấu hình ảnh người thầy thuốc, nhưng không phải tất cả mọi thầy thuốc đều xấu như vậy.
Còn chuyện phong bì văn hoá thì lại khác. Người Việt Nam chúng ta vẫn có câu: “Mùng một là tết cha mùng hai tết bạn mùng ba tết thầy”. Thầy thuốc cũng là thầy, vậy quà tết thầy hay biếu xén thầy là thể hiện sự biết ơn và một phong tục truyền thống cực kỳ tốt đẹp từ nghìn xưa, đừng để nó bị méo mó là được. Văn hoá phong bì cũng nên được tôn trọng.
Tôi cũng đồng ý với chính sách chống tiêu cực mà Bệnh viện Xanh-pôn đang áp dụng hiện nay: Viện này chỉ cấm đưa, nhận phong bì khi đang trong thời gian điều trị, còn ngoài ra đó là quan hệ xã hội, dân sự. Khi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện rồi, muốn quay lại cảm ơn bác sĩ thì đó là chuyện không ai cấm cản.
BS Quyết (ngoài cùng bên phải) cùng Bộ trưởng Triệu thăm hỏi một bệnh nhân ở BV Việt Đức. |
“Điều trị xong, bệnh nhân xây nhà tặng bác sĩ cũng được”! - TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức
Tôi xin khẳng định, không đâu làm mạnh vấn đề y đức bằng Việt Đức. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện có chế độ quản lý rất nghiêm ngặt, yêu cầu cán bộ y tế làm việc tại bệnh viện giám sát lẫn nhau, nếu thấy hiện tượng nhận hối lộ từ đồng nghiệp phải báo cáo trực tiếp lên Ban giám đốc. Nếu cán bộ bác sĩ đó bị bắt quả tang nhận hối lộ khi đang điều trị cho bệnh nhân sẽ bị đuổi việc!
Ban giám đốc chủ trương rõ ràng với tất cả bác sĩ trong bệnh viện, là sẽ có rất nhiều người mang tiền, mang gạo đến biếu họ nhưng phải là trong điều kiện đó là hành động xuất phát từ sự… biết ơn của người bệnh sau khi đã đươc chữa trị.
Tôi cũng đã cũng nói với các bác sĩ rằng: Ban giám đốc hay Bệnh viện có thể không được nhận được tiền nhưng từng bác sĩ cứ làm tốt đi, sau đó người ta sẽ mang tiền đến cảm ơn, xây nhà ở nhà cho bác sĩ nào đó thì chúng tôi cũng đồng ý!
Cái chính là lương tâm của người thầy thuốc! - TS Trần Phan Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương
Có có người hỏi tôi: Theo dự thảo mới do Bộ Y tế ban hành, mức viện phí và phí khám dịch vụ theo yêu cầu sẽ tăng 10% là tối đa. Việc tính viện phí và phí khám dịch vụ tăng lên như vậy phải chăng để tăng cường thu nhập và để nâng cao y đức chỉ của bác sỹ?
Theo tôi, đó việc tăng cường thu nhập của bác sĩ là một khía cạnh trong vấn đề nâng cao y đức của người thầy thuốc. Nói thật, dù có tăng thế chứ tăng nữa mà chính người thầy thuốc đó không có cái tâm thì họ vẫn dính vào tiêu cực thôi!
P. Thanh (ghi)