Nhiều cơ quan ở Vĩnh Phúc lúng túng xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập
(Dân trí) - Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi xử lý tài sản công là các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, chuyển địa điểm mới, khiến nhiều nhà đất bị bỏ hoang.
Thông tin đó được nêu trong Chỉ thị số 04/2024 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vừa được ông Vũ Việt Văn , Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký ban hành.
Theo chỉ thị, cuối năm 2023 Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quản lý của tỉnh.
Trong đó, tỉnh giữ lại tiếp tục sử dụng đối với 1.395 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; sắp xếp, xử lý đối với 69 cơ sở nhà đất dôi dư và sắp xếp, xử lý đối với 10 cơ sở nhà đất do Trung ương chuyển giao về tỉnh quản lý, xử lý.
Tuy nhiên, hiện vẫn có tình trạng các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi xử lý tài sản công là các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, chuyển địa điểm mới. Điều này, theo lãnh đạo Vĩnh Phúc, dẫn đến tình trạng lãng phí, bỏ hoang nhiều cơ sở nhà, đất.
Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo bộ phận chức năng rà soát lại việc quản lý, sử dụng tài sản công, không để tình trạng tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm đưa và sử dụng nhưng không theo dõi trên sổ kế toán, sử dụng sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí.
"Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản và người đứng đầu cơ quan, địa phương chủ quản chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công", chỉ thị nêu rõ.
Đối với tài sản công được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, Vĩnh Phúc chỉ đạo thực hiện đầy đủ theo Nghị định số 151/2017 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó phải thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết, quy định về tổ chức đấu giá khi cho thuê tài sản công, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Lãnh đạo Vĩnh Phúc yêu cầu kiểm tra, rà soát ngay các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc.
Các cơ sở nhà, đất thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu, rà soát nguồn gốc, hồ sơ pháp lý, "không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong mới cấp giấy chứng nhận".
Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương rà soát, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại theo Nghị quyết số 595/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Việc đó phải đảm bảo đúng quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.
Lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập 28 xã, thị trấn
Như Dân trí thông tin, tỉnh Vĩnh Phúc đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đề xuất sắp xếp, sáp nhập 28 xã trên địa bàn. Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri được đăng tải trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã và niêm yết tại trụ sở UBND xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập…
Trong giai đoạn 2023-2025 không có huyện nào thuộc diện sáp nhập nhưng Vĩnh Phúc đề xuất sắp xếp 28 xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Nếu sắp xếp theo phương án này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ còn 121 đơn vị hành chính cấp xã (88 xã, 15 phường và 18 thị trấn), giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.236km2 (niên giám thống kê năm 2021), hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên).