"Lãnh đạo địa phương sắp nghỉ hưu, chưa kịp ăn mừng đã dính vòng lao lý"

Hoa Lê Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng không nên hợp thức hóa sai sót nhưng cũng không hình sự hóa vấn đề; đảm bảo thượng tôn pháp luật mà vẫn giữ được tinh thần nhân văn của nhà nước pháp quyền.

Nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý

Thảo luận tại Quốc hội chiều 28/10, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng không nên hợp thức hóa sai sót nhưng cũng không hình sự hóa vấn đề.

Đại biểu cho biết, vừa qua, 9 dự án chuyển sang diện điều tra, trong đó có dự án ở Bình Dương, Hà Nội, TPHCM khiến cử tri băn khoăn.

Theo ông Huân, bản chất người dân đi khiếu kiện là đòi lại quyền lợi về nhà ở vì đã bỏ tiền đầu tư rất nhiều năm mà chưa có.

"Thực tế, người dân không muốn đưa vụ việc lên, dẫn đến chủ đầu tư bị khởi tố hay các đồng chí lãnh đạo địa phương có những người đã cống hiến chỉ còn 1-2 tháng nữa về hưu, chưa kịp ăn mừng mà lại dính vào lao lý vì chữ ký cách đây 10 năm", đại biểu Bình Dương cho hay.

Lãnh đạo địa phương sắp nghỉ hưu, chưa kịp ăn mừng đã dính vòng lao lý - 1

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ảnh: QH).

Theo đại biểu, như trong báo cáo giám sát có nhắc đến chính sách pháp luật khi đó chưa rõ ràng. Bây giờ nhìn lại 10 năm trước, vấn đề đó rất dễ, nhưng vào thời điểm đó là khó khăn.

Đại biểu đề nghị đưa ra cơ chế để một mặt thượng tôn pháp luật, giữ được sự nghiêm minh của luật pháp, mặt khác cũng đảm bảo được tinh thần nhân văn của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Người thu nhập thấp sẽ mua được nhà giá rẻ

Đại biểu Đoàn Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị bổ sung toàn cảnh về thị trường bất động sản hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã cấp 750.000ha đất ở nhưng mới chỉ sử dụng 250.000ha. Đại biểu đặt câu hỏi 500.000ha đất đang ở đâu, nằm ở phân khúc thị trường nào?

Đại biểu đề nghị phân tích đánh giá rõ để có những chính sách hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Minh cho biết, rõ ràng phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp đang thiếu. Báo cáo cho thấy những chung cư mini, nhà trọ cho người lao động chỉ 10m2/hộ.

Về giải pháp, đại biểu đề nghị giao Chính phủ có chính sách thật cụ thể cho đối tượng là công nhân, người thu nhập thấp. Mục tiêu của chính sách này là làm sao giảm thủ tục hành chính. 

Lãnh đạo địa phương sắp nghỉ hưu, chưa kịp ăn mừng đã dính vòng lao lý - 2

Đại biểu Đoàn Ngọc Minh (Ảnh: QH).

"Chúng tôi đã tham vấn một số công ty thì thấy giá xây dựng loại nhà thu nhập thấp tối đa chỉ 7 triệu đồng/m2. Nhà nước hỗ trợ về đất.

Nếu chúng ta làm nhà cho công nhân, người thu nhập thấp từ 25m2 đến 30m2 giống như Singapore đã từng thực hiện cách đây 30 năm, người có tiền muốn tham cũng không tham được và người thu nhập thấp sẽ mua được nhà với khoảng 250-300 triệu đồng/căn", đại biểu nêu.

Vị đại biểu này nhấn mạnh thủ tục hành chính là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Tình trạng giá nhà ở lên cao thời gian qua chủ yếu do thủ tục hành chính phức tạp, gây chi phí đầu vào cao.

Đại biểu cho biết cần phải có các giải pháp nhằm giảm tối đa các thủ tục hành chính, thậm chí bỏ một số thủ tục không cần thiết trong giai đoạn triển khai chính sách nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) cho rằng, hiện nay giá nhà ở Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn đang lên rất cao, ngày càng vượt xa tầm tay với nhu cầu ở thực của người dân; tình trạng này cũng có phần do các chiêu trò thổi giá của các giới đầu tư.

Tuy nhiên theo đại biểu, rất khó xử lý những giao dịch dân sự thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Để giải quyết tình trạng này, ông An đề nghị có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà.

Liên quan đến quy định 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, nếu xây nhà ở xã hội chất lượng thấp sẽ làm xấu khu thương mại. Nếu dự án này xây theo tiêu chuẩn như nhà ở thương mại lại đắt tiền. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định nếu 20% đất cho nhà ở xã hội thì chủ dự án nộp cho nhà nước bằng tiền. Nhà nước dùng tiền này để lập thành quỹ hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Điều này sẽ tốt hơn là việc phân chia nhà ở xã hội chất lượng thấp bên cạnh nhà ở thương mại không hợp lý về mặt mỹ quan và giá cả.