Làng Việt cổ Đường Lâm: Khi người dân muốn trả lại danh hiệu
(Dân trí) - Họ không được xây dựng nhà cửa vì phá vỡ không gian. Đất ít, con cháu sinh sôi, không có chỗ ở… Người dân Đường Lâm đang phải hy sinh cho du lịch làng cổ và chờ đợi cái quy chế nào đó chưa biết bao giờ được chính thức thông qua.
Làng cổ - khổ dân!
Làng cổ Đường Lâm bây giờ tràn ngập các kiến trúc tân kỳ, nhà cao tầng phản cảm… đến xót xa
Vì vậy, khi báo Tuổi trẻ TPHCM đăng bài “Làng cổ Đường Lâm… lâm nạn” (số ra ngày 5/1/2011), bà con ở đây rất tâm đắc. Họ phô tô bài báo với hy vọng nhờ thế mà cơ quan chức năng xem lại các quyết định quản lý đã gây quá nhiều khó khăn cho dân làng. Nhất là vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử nghìn năm của ngôi làng “báu vật” này, chính quyền cơ sở đã rầm rộ mấy ngày trời phá rỡ nhiều hạng mục của công trình nhà ở khang trang của dân mà nhà bà Hà Thị Khanh, một người tàn tật, ở góa là một điển hình.
Quản không ra quản
Việc thu vé của khách với giá 15.000 đồng/ người, 20.000 đồng/ xe ô tô, khiến cho bà con và du khách bất bình. Thế nhưng số tiền thu được, theo giải trình với báo chí thì chỉ đủ để nuôi bộ máy… thu tiền. Họ chợt nhận ra rằng làng chỉ có 8 ngôi nhà cổ, với 8 chủ hộ được phụ cấp vài ba trăm nghìn đồng/tháng để trà nước đón tiếp du khách, còn lại 400 gia đình khác thật sự không được một cái gì ngoài sự phiền toái.
Trong khi đó, cái giá mà đông đảo bà con nơi đây phải trả lại quá lớn. Họ không được xây dựng nhà cửa (sợ phá vỡ không gian làng cổ), đất ít, chính quyền không giãn dân như cần phải có, con cháu sinh sôi, không có chỗ ở… Không chỉ không hỗ trợ, người ta còn đòi bà con phải hy sinh cho du lịch làng cổ và chờ đợi cái quy chế nào đó chưa biết bao giờ được chính thức thông qua.
Tuy được công nhận là Di tích Quốc gia đã hơn 5 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, các nhà quản lý vẫn chưa có quy chế chính thức về việc xây dựng ở làng Việt cổ. Bà con xin xây, sửa bất cứ cái gì cũng chỉ nhận được một câu trả lời là phải chờ đợi. Nếu xây dựng, thì cũng chỉ được xây nhà cấp bốn, làm bằng vật liệu truyền thống (như tre, gỗ). Thế nhưng làm nhà gỗ thời nay thì chỉ người có tiền chứ bà con nông dân nghèo, lấy đâu ra mà làm theo như mẫu sẵn.
Thế là người dân “phá rào”, xây nhà gạch, mái bê tông. Một làng cổ có gần ba chục cái nhà cao tầng. Giờ đây, du khách rất khó để chụp được một tấm ảnh làng cổ mà không bị che lấp bởi lô xô nhà ống, nhà chóp củ tỏi củ hành. Bi hài đến mức, như một bài báo đã viết, nhiều người đi xuyên qua làng Mông Phụ, nơi trung tâm - trọng điểm nhất của làng cổ mà hỏi… đã đến làng cổ Đường Lâm chưa.
Trong quá trình bà con nô nức xây như thế, cơ quan quản lý chỉ nhắc nhở rồi… mặc kệ bà con xây. Họ muốn xây thế nào thì xây, dường như cơ quan quản lý chỉ lập biên bản, nhắc nhở cho “cấp trên” biết là họ có nhắc nhở! Riêng làng Mông Phụ, gần đây đã có hơn 20 ngôi nhà hai ba tầng nguy nga mọc lên.
Cấm không ra cấm
Nhà của bà Khanh là cái lò thuốc lá từ thời bao cấp, bà dỡ ra và xây mới, xin phép thì chính quyền “ậm ừ”, bà xây suốt bao tháng trời, cứ tưởng thêm một ngôi nhà cao như mấy chục ngôi nhà cao đã mọc lên kia. Ai ngờ bà Khanh vừa xây xong thì bị phá dỡ, khoan, phá, đập suốt mấy ngày.
Nghe nói hiện nay có hơn 20 ngôi nhà nữa cũng đang có “danh sách” bị yêu cầu, cưỡng chế phá dỡ vì “vi phạm”. Nếu cán bộ cơ sở cương quyết phá dỡ tất các ngôi nhà được coi là “vi phạm” kia, thì đó là một việc làm không được bà con tâm phục khẩu phục bởi mấy lý do. Thứ nhất, khi họ tiến hành xây dựng, cán bộ quản lý di tích cũng chỉ nhắc nhở rồi bỏ đi, hoặc lập biên bản một cách chiếu lệ, chưa bao giờ có ai nặng lời hay đe dọa “cưỡng chế phá dỡ” cả. Thứ hai, đã năm năm trôi quan, dân số trong làng tăng lên một cách đáng kể, nhiều đôi lứa đã kết hôn và điều đó đồng nghĩa với việc nhiều hộ mới đã hình thành. Thế nhưng cho đến nay, những kiến nghị giãn dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân thứ ba, đó là việc thiếu kịp thời ban hành quy chế xây dựng chính thức. Đã 5 năm trôi qua, người dân đã phải chờ đợi và không biết phải chờ đợi dến bao giờ? 10 năm, 20 năm nữa hay cứ phải chen chúc cả đời trong các ngôi nhà chật chội, lụp xụp dù không phải diện nhà cổ cần được bảo tồn?
Cần nói thêm là cái cách bỏ mặc bị xâm hại rồi “bất ngờ” hạ lệnh phá dỡ nhà dân như vừa qua ở Đường Lâm là đơn phương thực hiện ý muốn của mình. Cách làm này khiến người dân đòi trả lại danh hiệu làng cổ không phải là điều khó hiểu. Cái hậu quả “tan hoang” như hôm nay đã thể hiện sự lúng túng, thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch của cán bộ quản lý di tích.
Tôn trọng nguyện vọng chính đáng của dân làng
Bảo vệ di tích làng cổ là một việc khẩn thiết. Việc xử lý nghiêm khắc các vi phạm là cần thiết. Cũng không ai ủng hộ việc quá khích, đòi trả lại danh hiệu làng cổ để xây dựng bừa bãi. Tuy nhiên, cái mà người dân ở đây cần là một lối ứng xử có văn hóa, tôn trọng bà con mình, một sự thẳng thắn minh bạch và hơn cả là một thái độ có trách nhiệm với kho báu di sản ở Đường Lâm.
Vì thế, theo chúng tôi lãnh đạo Sở Văn hoa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cần phải có cuộc gặp gỡ, trao đổi để bà con được bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình. Chỉ có những chính sách có tình, có lý cộng với sự ủng hộ của quần chúng nhân dân thì mới có thể bảo tồn, gìn giữ và phát triển được di sản nói chunbg và Di sản làng cổ Đường Lâm nói riêng.
Hoài Minh - Diệu Tâm