Bí thư Hà Nội “phá bức tường di sản” vây làng Đường Lâm

(Dân trí) - “Vì sự chậm trễ ở làng cổ Đường Lâm, tôi thay mặt cơ quan quản lý xin lỗi và chia sẻ những bức xúc với người dân. Những vướng mắc ở Đường Lâm cần áp dụng chính sách linh hoạt để xử lý”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.

Trước những bức xúc của người dân tới mức phải làm đơn xin trả lại di tích, ngày 21/5, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã dẫn đoàn công tác về làng cổ Đường Lâm để lắng nghe ý kiến người dân và cùng bàn biện pháp tháo gỡ.

Dân chạy theo Bí thư gửi đơn khiếu nại

Biết Bí thư Thành ủy về tìm hiểu ngọn ngành nên ngay từ sáng sớm, hàng chục người dân đứng ngồi với vẻ mặt hồi hộp cộng với chút âu lo ở đầu làng cổ Đường Lâm. Người dân làng di sản thuần nông vốn ít nói nên cả tâm tư, nguyện vọng của họ được gửi gắm trong lá đơn muốn gửi đến tận tay Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, muốn nhà nước tìm ra cơ chế phù hợp với cuộc sống của họ và phát huy được giá trị văn hóa của ngôi làng cổ.

Bí thư Hà Nội “phá bức tường di sản” vây làng Đường Lâm
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ những khó khăn vướng mắc người dân Đường Lâm gặp phải

Nắng gắt, nhiệt độ ngoài trời lên đến 37 độ C, nhưng đoàn công tác vẫn đi khắp làng cổ Đường Lâm, để tìm hiểu thực trạng từng ngôi nhà cổ và tìm đến những ngôi nhà cơi nới, sửa chữa, xây mới bị lập biên bản sai phạm. Thấy chúng tôi đi qua, nhiều người dân sẵn sàng mời vào nhà để trình bày những khó khăn mà họ phải chịu đựng gần chục năm qua. Nhiều người còn cầm lá đơn khiếu nại trên tay chạy theo, muốn đưa tận tay Bí thư Hà Nội trình bày nguyện vọng.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, làng cổ Đường Lâm là một quần thể di tích có mật độ dày đặc với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại từ 200-400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại 1.

Tuy nhiên, theo ông Thăng, trong làng cổ Đường Lâm tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép. Thị xã đã lập biên bản xử lý 89 hộ xây dựng nhà ở vi phạm, đình chỉ 71 hộ, tuyên truyền vận động 24 hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, cưỡng chế dỡ bỏ tầng hai 1 hộ thuộc khu vực I của di tích. Riêng trong quý I/2013, trong khu vực di tích làng cổ có 22 hộ dân xây dựng, trong đó có 3 hộ xây dựng, sửa chữa nhà sai quy định (tập trung ở thôn Mông Phụ) thuộc khu vực I của di tích.

Trước Bí thư Thành ủy Hà Nội, bà Giang Tú Oanh cho biết, người dân làng Đường Lâm rất tự hào khi đón nhận di tích làng cổ đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó cái từ "làng cổ" luôn đè lên đôi vai nhiều hộ dân nơi đây. “Toàn dân bức xúc lâu lắm rồi, do không chịu được nữa mới bùng ra. Vì quy chế làng cổ nhiều người dân không được sống trong điều kiện sinh hoạt tối thiểu; không được sống tự do trên mảnh đất ông cha để lại”, bà Oanh trình bày.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết, những bức xúc của người dân là hoàn toàn chính đáng. Theo ông Thành ở Đường Lâm có rất nhiều gia đình 4 thế hệ phải sống chung trong một căn nhà chật hẹp. Nhiều căn nhà đã xuống cấp, nhưng không được sửa chữa, xây mới. “Tôi đề nghị các cấp ngành thiết kế mẫu nhà phù hợp để nhân dân căn cứ vào đó để sửa sang những ngôi nhà xuống cấp. Nhanh chóng thực hiện khu đất giãn dân để những gia đình trẻ chuyển đến sinh sống”, ông Thành trình bày nguyện vọng của người dân xã Đường Lâm.

Không nên áp luật cho từng ngôi nhà ở Đường Lâm

PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, việc người dân phản ứng với di tích như làng cổ Đường Lâm không phải là cá biệt. Ngay ở Hội An lúc đầu cũng có những vướng mắc nhưng nhờ có chính sách phù hợp nên đã xử lý hài hòa giữa lợi ích của người dân và việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Theo ông Bài, chính quyền phải gần dân hơn để cảm thông, chia sẻ khó khăn vướng mắc với họ.

Cách nhà khoa học bàn cách giải quyết những khó khăn bức xúc của người dân Đường Lâm
Cách nhà khoa học bàn cách giải quyết những khó khăn bức xúc của người dân Đường Lâm

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long, TS. Lưu Minh Trị ví, làng cổ Đường Lâm là một viên ngọc quý, đang phục hồi có sức sống. Việc này được thể hiên qua việc rất nhiều du khách đến tham quan, du lịch đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho những gia đình ở đây. Tuy nhiên, điều ông Trị cảm thấy “nhức mắt” đó là xen giữa những ngôi nhà di sản ở Đường Lâm vẫn còn những khối nhà bê tông rất nặng nề.

Theo TS. Lưu Minh Trị, nhà nước cần phải có những cơ chế đặc biệt để bảo vệ những ngôi nhà di sản ở Đường Lâm. Cùng với đó phải có quy chế thông thoáng tạo điều kiện cho dân sống được với di sản. “Theo tôi, những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Những ngôi nhà bình thường cần tạo điều kiện cho người dân cơi nới lên tầng 2 nhưng buộc phải có mái ngói và xây dựng theo tiêu chuẩn nhất định”, TS. Lưu Minh Trị nêu giải pháp.

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, không phải xếp hạng di tích để rồi làm khó cho dân. Đã là di tích thì cấp tỉnh, quốc gia hay thế giới thì đều phải tôn trọng như trong Luật Di sản quy định. “Tôi chia sẻ những bức xúc của người dân. Nhưng trong di tích ai cũng xây nhà cao, cửa rộng liệu du khách có tìm đến nữa không. Để giải quyết vấn đề này cách tốt nhất là gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với di tích…”, GS. Tiêu nói.

Chia sẻ những khó khăn của người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: “Vì sự chậm trễ đối với sự việc ở làng cổ Đường Lâm, tôi xin thay mặt cơ quan quản lý xin lỗi và chia sẻ những bức xúc với người dân. Vì phải làm trách nhiệm với di sản mà người dân phải chịu đựng nhiều khó khăn”.

Theo ông Nghị trước thực trạng làng cổ Đường Lâm, chính quyền không giúp được dân thì dân tự làm, thế nhưng có người làm đúng, có người làm sai. Nếu chính quyền kiên quyết xử lý thì động vào tài sản của dân. Để giải quyết vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thời gian tới các cấp các ngành phải có sự vận dụng linh hoạt các chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

“Quản lý làng cổ Đường Lâm chúng ta không cầu toàn. Không thể áp dụng hoàn toàn những quy chế, chính sách… cho từng ngôi nhà, từng công trình. Theo tôi, trong phạm vi không gian bảo tồn, những gì có giá trị cao cần cố gắng giữ cho được tối đa yếu tố nguyên gốc. Đối với 1000 nhà dân có giá trị bình thường cần sớm cho ra một số mô hình, kiến trúc, vật liệu phù hợp để người dân làm theo”, ông Nghị nói.

Đối với hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng trong làng cổ Đường Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc nhở cơ quan chức năng cần phải trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng đưa ra những đánh giá cụ thể. Công trình nào do người dân tự làm thì phải tự chịu trách nhiệm. Công trình nào có lỗi do chính quyền thì phải cùng nhân dân giải quyết.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, tháng 4/2011, thị xã Sơn Tây đã lập dự án quy hoạch xây dựng khu đất tái định cư để giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ. Dự kiến quy mô dự án khoảng 10,5ha, địa điểm tại thôn Phụ Khang (xã Đường Lâm, nằm ngoài khu vực khoanh vùng di tích) với tổng dự toán ước khoảng 184 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, dự án bị chậm tiến độ do vị trí địa điểm liên quan đến quy hoạch chung của thị xã Sơn Tây chưa được phê duyệt và quy mô hướng tuyến đường Vành đai V.

Quang Phong