1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

“Làng hến sông Hoài chừ cực lắm”

(Dân trí) - “Hồi trước, hễ mưa gió quá mình nghỉ thì thôi chớ bữa mô đi cào dọc sông Hoài cũng được đầy ghe hến. Cả làng, cả cái cồn hến ni sống nhờ con hến. Chừ thì nghề cào hến lênh đênh lắm, chẳng kiếm ra tiền…”.

Đó là lời tự sự của ông Lê Bông - một trong những chủ lò nấu hến lớn nhất ở Cẩm Nam (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

 

Một thời cả làng “chồng cào, vợ  nấu”

 

“Làng hến sông Hoài chừ cực lắm” - 1

Hến cào được về được đãi sàng cát lần cuối ngay ở bến sông.
 
Người làng hến Cẩm Nam có bài hò nằm lòng “Nghề hến không đói mà lo/ cái ruột, cái vỏ, cái tro cũng tiền/ ăn rồi cào rác liên miên/ chẻ tre, đan sọt liền liền hai tay/ cào xưa cho đến cào dày/ chồng cào, vợ nấu, con cầm cây đưa lò…”. Cho thấy nghề hến bận rộn nhọc nhằn, cũng cho thấy một thời đêm ngày rộn ràng  “chồng cào, vợ nấu, con cầm cây đun lò” của cả làng hến Cẩm Nam.

 

Ông Nguyễn Văn Hỷ (59 tuổi) nói: “Chẳng biết từ đời mô làng đã có nghề hến. Sinh ra đã thấy làng có nghề từ đời ông cố. Việc chộn rộn cả ngày. Cánh đàn ông thì cào hến. Cánh đàn bà ở nhà đợi ghe về đãi hến rồi cho vô lò nấu. Bữa tối đi ngủ vài ba giờ. Tới khuya 12 giờ thì dậy nấu hến tới 4-5 giờ sáng là bạn hàng họ tới kín nhà. Bỏ cho bạn hàng hết xong còn bao nhiêu thì mình chở đi bán dạo. Ruột hến thì bán người ta ăn, vỏ hến bán người ta nấu làm vôi, tro thì làm nguyên liệu làm bánh ú tro, cũng là đặc sản của đất Hội An”.

 

Bà Có, vợ ông Hỷ nói dặm: “Nước sông Hoài chạy qua cồn hến Cẩm Nam ni thường là nước xà hai (nơi dòng nước giao thoa giữa hai dòng nước mặn và nước ngọt- PV) nên hến nhiều, thịt ngon, vị đậm đà, được người tứ xứ ưa chuộng. Cũng cái tiếng đó mà ai về Hội An cũng muốn thử đĩa đặc sản hến xào Cẩm Nam cho biết, riết rồi đâm ghiền. Tờ mờ sáng đã í ới bán buôn cả làng. Rồi thì khách về làng tìm ăn món hến xào cả ngày. Cực thì có cực mà vui. Đủ tiền đổi gạo nuôi bầy con.

 
“Làng hến sông Hoài chừ cực lắm” - 2
Cồn hến bây giờ không còn cảnh nhộn nhịp cả làng "chồng cào, vợ nấu, con cầm cây đun lò" nữa
 

Cỡ mấy tháng cận Tết ni hồi xưa cào hến được nhiều mà bỏ hàng cũng được nhiều, dư dả sắm sửa ba ngày Tết. Chừ thì nghề còn đó, làng ni vẫn nổi danh là làng hến nhưng chẳng như hồi xưa…”.

 

Nghề hến chừ lênh đênh lắm

 

Nhiều người lâu năm bám làng bám sông Hoài theo nghề hến ở Cẩm Nam như bà Có nói “Nghề hến chừ lênh đênh lắm”. Ông Lê Bông, một trong những chủ nhà có lò nấu hến lớn trước đây ở Cẩm Nam, tắc lưỡi: “Ngày xưa đi cào hến là tự mình xuống nước, kéo cái nhủi (dụng cụ thủ công của những những người đi cào hến - PV) đi thụt lùi. Đáy nhủi có khe vừa cho cát lọt xuống sông, chỉ giữ lại con hến. Cứ rứa mà cào thưa cho đến cào dày, chỉ cào hến lớn, hến bé thì lọt sàng qua khe xuống sông trở lại tiếp tục sinh sôi nảy nở.

 

Ngâm chân trong nước kéo nhủi cực òm. Chẳng có ông nào mà không bị nước ăn chân nhưng ngày mô cũng cào được hến. Còn chừ thì đi cào hến sướng hơn nhiều, cứ chạy ghe máy rà rà dọc sông, rồi chống cái cào hến cũng bằng máy xuống nước mà cào, hến lớn hến bé chi cào hết một lượt. Về sang ra thấy hến lớn thì để nấu bán. Hến nhỏ cũng để làm thức ăn cho gà vịt, rồi đổ đó. Khoẻ thì khoẻ hơn nhiều thiệt đó là cứ cào kiểu nớ nên hến dưới sông cứ ít dần. Thêm một phần nguồn nước sông bây giờ cũng đục hơn hồi xưa nhiều nên hến lặn biệt dạng dưới đáy sông. Có mô nữa mà cào”.
 
“Làng hến sông Hoài chừ cực lắm” - 3
Ở Cẩm Nam bây giờ còn rất ít nhà còn giữ lò nấu hến như nhà vợ chồng ông Hỷ, bà Có

 

Nghề  hến lênh đênh vì những lẽ đó. Ở làng hến Cẩm Nam bây giờ không còn cảnh người người cào hến, nhà nhà nấu hến. Dẫu con hến Cẩm Nam vẫn giữ tiếng là ngon nhất vùng. Con hến bán  được giá hơn ngày trước nhưng hến ven sông Hoài không còn là “mỏ hến nhiều vô cùng tận” nữa.

 

Nhiều nhà trong làng chuyển sang đi ghe xuống biển lấy ốc về bán những bữa không có hến, kiếm kế sinh nhai. Hay như ông Nguyễn Cho, “tháng mô nhắm nước không cào được hến thì hai cha con kéo nhau đi làm phụ hồ… Mấy nhà khác thì người làm cái ni, người làm cái khác, không bám riết con hến mà sống mỗi ngày được nữa”.

 

Khánh Hiền