Làm gì cũng cần thực chất!
(Dân trí) - Rất nhiều chủ trương, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đã được thành phố Hà Nội khởi xướng và thực hiện trong thời gian qua. Nhưng làm sao để những việc này bớt đi tính hình thức, có thực chất hơn, là điều được các cử tri cũng như Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề cập tại <a href="http://www17.dantri.com.vn/Sukien/2006/12/156456.vip">phiên khai mạc</a> kì họp HĐND TP sáng nay, 7/12.
Bệnh hình thức ẩn chứa trên nhiều khía cạnh
Theo bản báo cáo thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 2006 của Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Hoàng Ân thì hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra trong năm đều cơ bản hoàn thành: Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tăng 11,5% (đạt kế hoạch đề ra). Trong đó, giá trị tăng thêm công nghiệp và xây dựng tăng 13%, dịch vụ tăng 11%, nông lâm thuỷ sản tăng 1,1%. Hoạt động ngoại thương phát triển sôi động. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn thành phố ước đạt sấp xỉ 3,6 triệu USD, tăng 25% so với năm 2005…
Tuy nhiên, chính Phó chủ tịch Đỗ Hoàng Ân cũng phải thừa nhận, tốc độ tăng trưởng GDP dù ở mức khá cao nhưng vẫn chưa đạt mức phấn đấu đề ra (12%). Các ngành dịch vụ quan trọng đóng góp tỷ trọng lớn như thương nghiệp, khách sạn nhà hàng, giáo dục đào tạo… tăng thấp. Các công trình trọng điểm của thủ đô vẫn triển khai chậm; công tác cải cách hành chính chuyển biến chậm, môi trường kinh doanh còn bức xúc, thủ tục còn phức tạp; quản lý xây dựng, quy hoạch, đất đai kém hiệu quả…
Trong kiến nghị của cử tri gửi tới kì họp này, ngoài các vấn đề dân sinh, cử tri Hà Nội cũng tham gia góp ý nhiều về những công việc lớn của thành phố như vấn đề xây dựng chính quyền. Các cử tri đề nghị tăng cường tiếp xúc cử tri, nhất là đối với các vị lãnh đạo thành phố. Thực tế là nhiều buổi tiếp xúc cử tri nhưng khâu tổ chức lại không thông báo đầy đủ đến người dân, khiến nhiều người chờ “cơ hội” được nêu ý kiến của mình mà nhiều lần lại “lỡ dịp”. Trong các buổi tiếp xúc, cử tri cũng có nguyện vọng được đối thoại với lãnh đạo, được giải đáp ngay những thắc mắc của mình.
Đề cập đến định hướng phát triển của Hà Nội thời hội nhập, nhiều cử tri cũng bức xúc vì vấn đề kinh tế vẫn chưa thể hiện được chủ trương đổi mới đột phá khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO trong khi nhiều địa phương khác đã thay đổi rất nhanh chóng, năng động.
Vấn đề chống tham nhũng của thành phố được rất nhiều cử tri quan tâm nhưng hầu hết đều chưa hài lòng vì vẫn chưa được đề cập đầy đủ trong báo cáo gửi phiên họp này. Theo đánh giá của người dân thủ đô, thành phố cũng chưa có biện pháp đấu tranh chống tham nhũng thực sự quyết liệt. Cụ thể, cử tri yêu cầu kỳ họp HĐND này phải giải trình, làm rõ vấn đề sử dụng tài sản công như nhà đất công, xe công…
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đề cập nhiều đến công tác cải cách hành chính, tiếp dân nhưng với mỗi người dân thì hiện tại việc này vẫn mới chỉ là hình thức, chưa phải thực chất. Dân đến làm việc ở các cơ quan chức năng vẫn bị gây khó dễ.
Từ bỏ nếp nghĩ không phù hợp với nền hành chính hiện đại
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, từ kết quả tích cực bước đầu, cần nhận thức rõ và quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thủ đô; đáp ứng đòi hỏi và mong đợi của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cũng như của nhân dân. Cùng đó, cải cách hành chính cũng cần được xem là một giải pháp quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm.
Để làm được điều này cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý, các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh, tăng cường tính công khai minh bạch. “Cải cách hành chính đòi hỏi mọi cán bộ, công chức, viên chức phải từ bỏ nếp nghĩ, cách làm không phù hợp với nền hành chính hiện đại, văn minh” - ông Nghị nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến dự và có bài phát biểu với HĐND. Chủ tịch cho rằng, thủ đô phải kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó những người lãnh đạo cần đi tiên phong gương mẫu. Kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ những cán bộ thái hoá biến chất, không xứng đáng ở cương vị của mình. Sắp tới sẽ thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp và Hà Nội cần chuẩn bị cho điều này.
Về việc gia nhập WTO, ông Trọng cũng nhấn mạnh, trong tất cả các cam kết của chúng ta trước đây, chưa bao giờ có sự thay đổi lớn như vậy về pháp lí, về tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, mở cửa hội nhập, đào tạo nguồn nhân lực. Ông kì vọng, Hà Nội nhất định phải đi đầu về hội nhập, cam kết mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài vào. Để đạt được điều này chắc chắn Hà Nội sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và điều cơ bản là phải tạo đồng thuận cao trong nhân dân, đưa Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Tân Phương