1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lâm Đồng nhận diện thủ phạm của ngập lụt và sạt trượt

Đặng Dương

(Dân trí) - Tại hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ do tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân có lỗi của con người.

Ngày 22/9, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ và sạt, trượt đất. Đặc biệt, trong tháng 7 và 8, xảy ra 2 sự cố sạt trượt nghiêm trọng tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc, khiến 6 người tử vong.

Thiên tai và nhân tai

Tham dự hội thảo, tỉnh Lâm Đồng cùng các chuyên gia phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ và sạt, trượt đất, trong đó chỉ rõ, ngoài thiên tai thì còn có lỗi của con người.

Các đại biểu thống nhất ngập lụt và sạt trượt là hậu quả của mưa lớn và kéo dài. Những biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu đã tác động đáng kể đến sự biến đổi của các yếu tố khí tượng, đặc biệt là lượng mưa.

Lâm Đồng nhận diện thủ phạm của ngập lụt và sạt trượt - 1

Mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến đường (Ảnh: Khánh Duy).

 Qua phân tích, đánh giá chuỗi số liệu mưa từ năm 1980 đến nay, tại các trạm khí tượng Đà Lạt, Liên Khương và Bảo Lộc, xu thế biến đổi chung về tổng lượng mưa hàng năm tỉnh Lâm Đồng có chiều hướng gia tăng và biến đổi khá phức tạp.

Lượng mưa kết hợp với nền đất bị yếu, gây sạt lở. Trong khi đó, hoạt động san gạt, đào đắp tạo mặt bằng để xây dựng công trình tại các vị trí, khu vực sườn dốc dẫn đến việc xuất hiện hàng loạt các sự cố sạt trượt thời gian qua.

Lâm Đồng nhận diện thủ phạm của ngập lụt và sạt trượt - 2

Vụ sạt lở tại TP Đà Lạt khiến 2 người tử vong và thiệt hại lớn về tài sản (Ảnh: Đặng Dương).

 Tuy nhiên, ngoài tác nhân tự nhiên, các đại biểu tham dự hội thảo còn cho rằng công tác quản lý chưa đảm bảo.

Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh kéo theo mật độ xây dựng công trình ngày càng dày đặc. Các khu vực được phép xây dựng bị bê tông hóa; các khu vực đất nông nghiệp, thậm chí đất rừng, bị che phủ bởi nhà lưới, nhà kính.

Theo số liệu thống kê, Lâm Đồng hiện có 4.500ha nhà kính, nhà lưới. Mật độ nhà kính, nhà lưới cao làm cho không gian dành cho nước và đất bị thu hẹp, giảm khả năng thấm nước và xuất hiện nhiều dòng chảy mới có cường độ lớn nhưng thiếu kiểm soát. Việc tụ đọng nước ngoài gây ngập lụt còn rất dễ phát sinh các khối sạt trượt gây nguy hiểm cho người và tài sản.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch và quản lý phát triển đô thị vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ; tình trạng xây dựng công trình sai phép, trái phép, xâm lấn hành lang bảo vệ hệ thống thoát nước… cũng là những nguyên nhân gây phức tạp hơn trong giải quyết vấn đề ngập lụt, sạt trượt.

Lâm Đồng nhận diện thủ phạm của ngập lụt và sạt trượt - 3

Nhà kính tại TP Đà Lạt (Ảnh: Trung Thi).

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nêu quan điểm, trách nhiệm xảy ra sạt, trượt là từ nhiều đối tượng khác nhau; nhưng quan trọng hàng đầu chính là các quy định quản lý, cách quản lý không nghiêm khắc, kết hợp xử phạt không nghiêm, không đủ răn đe, thậm chí là bao che, thỏa hiệp.

Theo ông Hiệp, cũng như sạt, trượt, nếu quản lý không tốt, vấn nạn ngập cục bộ sẽ không chỉ là của 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, mà còn có thể xảy ra ở huyện Đức Trọng. Đó là hệ quả của nhân tai, chứ không phải thiên tai.

Hiến kế xử lý hiệu quả ngập lụt và sạt lở

Còn PGS.TS Trần Nguyễn Hoàng Hùng, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, lưu ý một số giải pháp xử lý sạt lở đã được tỉnh Lâm Đồng áp dụng, nhưng vẫn chưa đạt được sự bền vững hoặc chưa xử lý triệt để, lâu dài.

Đóng góp tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Nguyễn Hoàng Hùng giới thiệu 6 công nghệ tiên tiến để xử lý sạt lở bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh Lâm Đồng gồm: vật liệu nhẹ Geofoam, tường soilcrete kết hợp tường trọng lực, tường chắn địa kỹ thuật MSE, neo đất, neo đất căng sau và hệ thống cảnh báo sạt lở sớm.

Lâm Đồng nhận diện thủ phạm của ngập lụt và sạt trượt - 4

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nghiên cứu, đề xuất giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt là rất cần thiết (Ảnh: Trung Thi).

 Trong khi đó, ông Takami Kanno, Công ty Kawasaki Geological Engineering (Nhật Bản), cho rằng việc lập bản đồ sạt trượt đất ở Đà Lạt và Lâm Đồng là vấn đề quan trọng.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, vị chuyên gia này phân tích, trên cơ sở dữ liệu hình ảnh vệ tinh, sẽ dễ dàng phát hiện khu vực có khả năng sạt lở. Sau đó, lực lượng chức năng tới hiện trường xác nhận tình trạng, cần thiết sẽ khoan thăm dò địa chất, quan trắc liên tục. Nếu là khu vực có nguy cơ sạt lở thì áp dụng các quy định quản lý xây dựng phù hợp.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trước tình trạng ngập cục bộ và sạt trượt, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ là rất cần thiết.

Các ý kiến nghiên cứu, tham gia, góp ý của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong buổi hội thảo sẽ được các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng tiếp thu để vận dụng hợp lý vào địa phương.