TPHCM:
Làm cáp treo vào sân bay, ai dám di chuyển bên dưới?
(Dân trí) - TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng đề xuất xây cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất là giải pháp mới, nhưng khi làm sẽ ảnh hưởng đến giao thông bên dưới, tiềm ẩn sự nguy hiểm. TS Phạm Sanh cũng đặt vấn đề, nếu có cáp đung đưa trên đầu tại một đô thị đông dân, ai dám di chuyển ở bên dưới?
Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2017 tại Cảng vụ Hàng không miền Nam, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho biết có người đề xuất ý tưởng làm cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Công viên Gia Định chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất hơn 1km. Theo quy hoạch, công viên Gia Định sẽ có 5 bãi đậu xe, trong đó có 1 bãi đậu xe ngầm. Cục Hàng không cũng có chủ trương mở bãi đậu xe kết hợp thương mại dịch vụ và có làm dịch vụ check-in cho hành khách tại đây. Giải pháp làm cáp treo nối từ khu vực chek-in này đến sân bay được cho là góp phần giảm kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vốn rất nóng.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm: “Làm cáp treo vào sân bay nghe có vẻ mới nhưng không thực tế. Cảnh quan khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không thể làm cáp treo. Không gian nào để làm cáp treo? Nếu làm thì chỉ có thể đi trên đường giao thông hiện hữu. Nhưng như thế sẽ ảnh hưởng đến giao thông bên dưới”.
Theo TS Tống, cáp treo đi qua khu vực nào thì bên dưới không thể xây dựng. Với không gian khu vực sân bay thì rất khó tìm được vị trí làm cáp treo. Chỉ có thể làm trên đường hiện hữu nhưng sẽ ảnh hưởng đến giao thông bên dưới. Hơn nữa, mật độ giao thông cao như khu vực sân bay mà có cáp treo bên trên thì cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm.
Ông Tống nhận định, giả thiết có cáp treo thì chưa chắc đã khai thác hiệu quả. Vì không phải ai cũng đi vào sân bay từ hướng có cáp treo. Thậm chí, người ta đi từ hướng công viên Gia Định thì cũng không nhất thiết phải sử dụng cáp treo. Họ sẽ chọn cách đi thuận tiện nhất.
Đánh giá về đề xuất làm cáp treo, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho biết: “Xây cáp treo là ý tưởng táo bạo nhưng không tưởng, không khả thi. Nếu tốt, có hiệu quả và an toàn thì các nước phát triển đã làm chứ không phải chờ đến lúc chúng ta có ý tưởng này”.
Theo TS Phạm Sanh, di chuyển bằng cáp treo chỉ có thể áp dụng trong các địa hình hiểm trở, ít hoặc không có người bên dưới, tránh làm đường nhằm bảo tồn các di tích văn hóa, phục vụ du lịch và phục vụ số người hạn chế. Không ai làm cáp để giải quyết kẹt xe cả.
“Làm cáp treo kinh phí cũng không hề thấp, đó là chưa kể công tác bảo trì, bảo dưỡng. Đặc biệt, nếu dùng cáp treo như tuyến giao thông, mật độ sử dụng dày hơn rất nhiều. Dù làm bằng công nghệ hiện đại nhưng ai dám bảo đảm nó an toàn tuyệt đối. Thậm chí, nếu có cáp đung đưa trên đầu tại một đô thị đông dân, ai dám di chuyển ở bên dưới?”, TS Sanh phân tích.
Chuyên gia Phạm Sanh cũng cho rằng, kẹt xe tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất không phải do lượng khách vào sân bay lớn mà chính là lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này quá lớn. Cần phải khảo sát, tính toán lại lưu lượng giao thông qua khu vực sân bay để đưa ra giải pháp phù hợp. Thủ tục trong sân bay cũng cần nhanh hơn để hạn chế việc ùn ứ khách.
"Để kết nối công viên với sân bay thì có thể có giải pháp khác rẻ hơn, nhanh hơn mà an toàn. Chẳng hạn như làm tuyến xe buýt kết nối công viên Gia Định với sân bay. Còn đi cáp treo, thủ tục mua vé, vừa mất thời gian mà không hiệu quả. Trong tương lai có đường trên cao, đường ngầm... Làm cáp treo ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà không thực tế", ông Sanh nói.
Theo TS Nguyễn Thiện Tống, để giảm kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì cần giải pháp căn cơ hơn. Cần phải sử dụng đất khu vực sân golf hiện nay để mở thêm nhà ga phía Bắc để phục vụ hành khách, bên trong có đường nội bộ để nối các nhà ga với nhau. Lúc này, Trường Sơn không còn là con đường độc đạo vào sân bay nữa thì chắc chắn sẽ giảm áp lực giao thông khu vực này.
TS Tống cho rằng, đừng nghĩ rằng việc mở đường, mở thêm nhà ga chỉ phục vụ cho hành khách vào sân bay mà phục vụ cho giao thông thành phố. Tùy theo vị trí mà người dân có thể lựa chọn lối vào sân bay thuận tiện nhất. Đường Trường Sơn sẽ được “chia lửa” và không bị quá tải như hiện nay.
Ông Tống phân tích: “Mình có thể tính toán được một ngày có bao nhiêu người ra vào sân bay. Thực tế vào giờ cao điểm, số lượng con người, phương tiện vào sân bay chỉ chiếm chưa tới 20% năng lực lưu thông của đường Trường Sơn. Người đi vào sân bay bị kẹt do người không đi vào sân bay. Hiện nay, lượng phương tiện sử dụng tuyến đường qua khu vực sân bay quá lớn”.
Quốc Anh