1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đà Nẵng:

Lại đua nhau xây nhà chờ tiền đền bù giải tỏa

(Dân trí) - Chuyện “vỡ mộng” vì xây nhà chờ giải tỏa không phải chưa từng xảy ra ở Đà Nẵng. Vậy mà nhiều hộ dân ở thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, mới đây lại đua nhau xây nhà “tạm” sau khi TP Đà Nẵng công bố quy hoạch một dự án trên địa bàn.

Ngày 24/6/2009, chính quyền địa phương công bố quy hoạch Dự án khu nghĩa trang thành phố giai đoạn 4 trên địa bàn thôn Hòa Khê. Vài ngày sau, nhiều người dân trong thôn tấp nập đi vay tiền, mua vật liệu về tập kết để cơi nới, xây nhà, chờ Nhà nước giải tỏa mong hưởng tiền đền bù.

 

Suốt 2 ngày 11-12/8, thực tế tại thôn Hòa Khê, chúng tôi đếm không hết từng đoàn xe tải chở vật liệu xây dựng về đổ dọc con đường bê tông dẫn vào thôn. Bên cạnh đó là nhiều căn nhà đang xây dở dang hoặc đang chuẩn bị hoàn thiện.

 

Theo những con đường nhánh rẽ vào thôn, chúng tôi bắt gặp không ít ánh mắt dò xét của người dân nơi đây. Ngay đầy thôn, khi chúng tôi hỏi một người dân con đường vào thôn thì ông này nhìn chúng tôi từ đầu xuống chân rồi hỏi: “Vào coi dân Hòa Khê xây nhà à?”.

 

Lại đua nhau xây nhà chờ tiền đền bù giải tỏa - 1

Dù trời đang mưa nhưng căn nhà này vẫn tranh thủ xây.

 

 

Theo thống kê của UBND xã Hòa Sơn, đến nay toàn thôn Hòa Khê có 111 trường hợp cơi nới, xây dựng trái phép, trong đó có 54 trường hợp xây dựng trước khi công bố quy hoạch, 57 trường hợp phát sinh sau công bố quy hoạch giai đoạn 4 Dự án nghĩa trang thành phố mở rộng.

 

Ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: “Ngày 24/6 khi công bố quy hoạch chúng tôi đã vào tận thôn mời người dân ra hướng dẫn, tuyên truyền cho dân biết để khỏi vi phạm nhưng người dân không nghe. Vài hôm sau vào đã thấy vật liệu xây dựng được tập kết, nhà cửa bắt đầu mọc lên”.

 

Cũng theo ông Xem, cán bộ xã đã nhiều lần vào vận động người dân nhưng không có kết quả. Hiện xã đã làm thủ tục hồ sơ để phối hợp với huyện cưỡng chế 70 trường hợp xây dựng trái phép.

 

Chúng tôi tiếp xúc với người dân, ai ai cũng tìm cho mình một lý do xây, sửa nhà cửa khá thuyết phục. Vợ chồng ông Lê Danh (57 tuổi) và bà Phan Thị Loan (53 tuổi) than thở: “Con cái lớn hết mà không có nhà ở nên tôi xây cho chúng”. Cán bộ xã hỏi sao trước không xây, giờ công bố quy hoạch dự án rồi mới xây, bà Loan nói: “Trước đây tôi đã xây phần móng nhưng chưa đủ tiền, bây giờ vay được tiền nên kêu thợ về làm tiếp”.

 

Bà Loan cho biết bà đã xây 2 căn cho con với chi phí trên 50 triệu đồng một căn, giờ phải chờ có thêm tiền mới hoàn thành được.

 

Lại đua nhau xây nhà chờ tiền đền bù giải tỏa - 2
Một trường hợp đã bị đình chỉ nhưng vẫn tiếp tục thi công.

 

 

Cùng lý do, bà Lê Thị Thân (62 tuổi) cho biết: “Nhà tôi có 7 đứa con nên tôi tách thửa cho mỗi đứa một lô”. Cán bộ xã hỏi: “Con cô đứa nào cũng có nhà rồi mà”. Bà Thân cãi: Có ở đâu chứ ở đây chưa có.

 

Với hy vọng kiếm được tiền đền bù của nhà nước, bà con tích cực xây nhà lắm. Xây ngày chưa đủ, có nhà còn tranh thủ xây đêm, sáng ra cán bộ xã đã thấy một ngôi nhà mọc chình ình trên khu đất trống.

 

Không những thế, nhiều người dân còn phá vườn cây lâu năm để lấy đất xây nhà. Nhà nhà người người đua nhau xây dựng biến một làng quê thanh bình thành công trường nhộn nhịp.

 

Còn nhớ, đầu tháng 2/2009, 61 trường hợp nhà cửa cơi nới, xây dựng trái phép nằm trong Dự án nâng cấp và mở rộng tuyến đường ĐT 602 (thuộc tại các thôn An Ngãi Đông, An Ngãi Tây - xã Hòa Sơn) đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế mà không được đền bù.

 

Hay trường hợp cả trăm hộ dân ở 3 thôn Phước Thuận, Phước Hậu và Hòa Khương Đông (xã Hòa Nhơn) phải ôm nợ hàng trăm triệu đồng mà không có khả năng trả vì đã lỡ vay tiền để cơi nới, xây dựng nhà cửa mong chờ giải tỏa đền bù, nhưng bất ngờ dự án lại chuyển đi nơi khác.

 

Chuyện dân nghèo đua nhau vay tiền xây nhà trái phép mong “lừa” tiền đền bù giải tỏa của nhà nước, không biết bao giờ mới thôi!

 

Công Bính

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm