Đà Nẵng:
“Ôm” nợ vì đua nhau xây nhà chờ giải tỏa
(Dân trí) - Nghe tin nhà mình nằm trong diện giải tỏa, nhiều dân nghèo đua nhau vay tiền cơi nới xây nhà, dựng tường rào, đào ao cá… chờ đền bù. Bất ngờ chính quyền chuyển địa điểm quy hoạch dự án, người dân ngập đầu trong món nợ lớn.
Đó là thảm cảnh của nhiều người dân nghèo ở các thôn Phước Thuận, Phước Hậu, Hòa Khương Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Đua nhau xây nhà chờ đền bù
Hòa Nhơn là một xã nghèo và hẻo lánh thuộc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và đi làm thuê. Nghe tin thành phố chuẩn bị quy hoạch trên địa bàn xã làm Khu công nghiệp - công nghệ thông tin (KCN-CNTT), nhiều người đã chạy đôn chạy đáo vay tiền “nóng”, tiền “nguội”, tấp nập cơi nới, xây mới nhà cửa, tường rào, đào ao cá, xây chuồng lợn, trồng thêm nhiều cây… với hy vọng kiếm được nhiều tiền đền bù giải tỏa.
Trường hợp một hộ sở hữu đến 3-4 căn nhà mới không hiếm, như nhà bà Nguyễn Thị Nghĩa ở thôn Phước Thuận. Bà Nghĩa cho biết: “Gia đình phải tốn khoảng gần 10 triệu/căn chi phí xây dựng, thuê thợ, rồi xây tường rào quanh vườn đến 3.000m2. Để có số tiền lớn đó, tôi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, bán trâu bò, hoa màu...”.
Căn nhà của anh Nguyễn Thôi (thôn Phước Thuận) được đầu tư trên 100 triệu đồng, giờ nghe tin nhà nước không giải tỏa nữa thì bỏ luôn, hiện vẫn trống hoác như thế này.
Những ngôi nhà xây không phải để ở, những bờ tường xi măng dài tít tắp kéo ra tận chân ruộng được xây tạm bợ, chóng vánh với số tiền lên đến cả trăm triệu, chỉ để chờ đền bù. Phần lớn những trường hợp “chạy” đền bù giải tỏa này đều phải vay tiền, người ít thì vài chục triệu, người nhiều thì vài trăm triệu. Lý lẽ của họ là cứ vay tiền làm nhà để đó, nhà nước sẽ trả tiền sau!
Khi đi thực tế tại các thôn này để viết bài, chúng tôi bất ngờ trước hàng chục ngôi nhà trong tình trạng “vườn không nhà trống” nhưng tường rào lại cao chót vót.
Sau “cuộc đua” cơi nới, xây mới nhà cửa, nhiều hộ rơi vào cảnh bế tắc vì nợ nần. Gia đình ông Đỗ Hữu Thí thuộc loại nghèo nhất của thôn Phước Hậu. Mặc dù không có tiền sửa lại căn nhà rách nát của mình nhưng hai vợ chồng ông cố vay mượn đầu tư xây tường rào bao quanh cùng một hòn non bộ trước nhà, giờ “ôm nợ” hàng chục triệu đồng .
Ở thôn Phước Thuận, bà Trần Thị Sáu (năm nay đã 73 tuổi) có 3 người con trai xây 3 căn bề thế. Bản thân bà cũng bỏ ra số tiền 20 triệu đồng dành dụm cả đời để “góp vốn” với con xây nhà. Hai người con lớn của bà không ở đây nhưng khi nghe giải tỏa cũng chạy về xây 2 căn trị giá trên 20 triệu mỗi căn, đang bỏ trống, cửa nẻo không có, hiện chỉ để chất củi, rơm…
Riêng anh con trai út tên Nguyễn Thôi là “máu” nhất vì dám “đầu tư” đến 103 triệu đồng để xây nhà. Thấy xung quanh người ta rủ nhau chở vật liệu về xây nhà ồ ạt, “nóng ruột” vợ chồng anh cũng hùa theo. Căn nhà rộng 100m2 với số tiền trên 100 triệu đồng bỏ ra thì có đến hơn phân nửa là vay mượn của bà con, họ hàng; còn lại là thế chấp sổ đỏ cộng với số tiền hai vợ chồng ki cóp, dành dụm từ bấy lâu nay. Anh cho biết: “Thấy họ làm quá mình cũng bắt chước làm theo, nếu nhà nước có đền bù thì kiếm thêm chút đỉnh sinh sống”. Khi nghe tin nhà nước không còn quy hoạch vùng này nữa, anh cũng dừng “dự án”, căn nhà đành bỏ dở, cửa nẻo không có, tường xây không trát hồ…
Anh Thôi hiện đang làm công nhân sản xuất gạch, vợ làm công nhân nhà máy đồ chơi trẻ em. Lương hai vợ chồng mỗi tháng gần 3 triệu, cũng tạm đủ sống. Khi chúng tôi hỏi tiền đâu trả nợ vay làm nhà, trong khi 2 vợ chồng có 1 cháu 5 tuổi, vợ đang mang bầu cháu thứ hai gần sinh, anh Thôi bảo: “Thì làm trả từ từ”.
Không riêng gì những trường hợp ở thôn Phước Thuận, Phước Hậu mà hàng chục hộ dân thôn Hòa Khương Đông cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Toàn thôn có khoảng 160 hộ, trong đó có 120 hộ nằm trong vùng quy hoạch, nhà có điều kiện thì xây mới thêm vài căn, nhà bình thường thì nới rộng, xây mới nhà vệ sinh, tường rào bao quanh…
Dù đất vườn hẹp nhưng gia đình ông Lê Văn Long và bà Đồng Thị Phi cũng làm thêm tường rào, hồ cá hết 6 triệu đồng; rồi còn nới rộng chái nhà sau, xây nhà cho con trai mong kiếm thêm chút đỉnh từ số tiền đền bù của nhà nước. Gần 50 triệu cả thảy bỏ ra tu sửa nhà cửa, nới rộng tường rào… giờ đây thành món nợ lớn khó trả.
Hỏi sao bà xây nhà, dựng tường rào ồ ạt thế, không sợ hậu quả nợ nần sao? Nguyễn Thị Tính (70 tuổi, thôn Phước Thuận) hồn nhiên: “Thì dân chúng tôi nghe nói giải tỏa là xây, rứa chứ đâu biết để làm gì. Khi nghe nhà nước không giải tỏa nữa thì thả tay”.
Vì xây chỉ để chờ giải tỏa đền bù nên hầu hết những căn nhà ở đây được xây qua quýt, chất lượng không đảm bảo, nhiều người không dám ở vì sợ nhà sập. Có đoạn tường rào sau khi xây xong, chỉ một cơn gió mạnh đã bị thổi ngã.
Theo thống kê của UBND xã Hòa Nhơn, hiện 3 thôn Phước Hậu, Hòa Khương Đông, Phước Thuận có 17 hộ xây dựng nhà mới trái phép, 50 căn cơi nới, còn tường rào, cổng ngõ, ao cá, cây... thì không đếm xuể.
“Nhà tui tui xây mắc mớ gì đến mấy ông”
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch xã Hòa Nhơn, ông Nguyễn Đăng Dự, cho biết: “Xã đã nhiều lần họp dân, làm công tác tư tưởng, đến từng nhà vận động nhưng bà con không nghe. Người này nhìn người kia, họ cứ im lặng xây nhà, làm ngày không đủ họ tranh thủ làm đêm, tường rào cao ngất… Chính quyền cũng đã không ít lần lập biên bản, đình chỉ các công trình đang xây dựng. Song người dân lấy đủ lý do, nào là sửa sang nhà cửa, con cái đông xây thêm nhà cho con ở…”.
Ông Dự cũng cho biết biên bản họp dân và xử lý hiện đang chất cả chồng trong tủ, xã đã xử phạt 17 trường hợp xây dựng trái phép. Nhiều lần cán bộ xuống xã tuyên truyền vận động nhưng lại bị người dân… chửi, vì “nhà tui tui xây mắc mớ gì đến mấy ông”.
Được biết, toàn bộ khu vực xã Hòa Nhơn trước đây có quy hoạch 130ha (thuộc địa phận 3 thôn trên) làm KCN-CNTT và 9 thôn khác có “dính” đến Khu công nghiệp - công nghệ cao. Nhưng đến thời điểm hiện tại không còn bất kỳ một dự án quy hoạch nào của thành phố. “Nói rồi mà dân họ không nghe, giờ thì tự họ phải gánh lấy hậu quả” - ông chủ tịch xã nói thêm.
Ông Dự cũng nói vui: Trước đây xã có kế hoạch xóa nhà tạm cho dân, nhưng nay đã… hoàn thành chỉ tiêu.
Công Bính - Đỗ Lan