1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lá phiếu và cái ghế

Những người cầm lá phiếu bỏ phiếu tín nhiệm vì lợi ích cá nhân hay vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong - Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã khẳng định như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri TPHCM ngày 26/11 vừa qua.

Bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhân sự cao cấp của Nhà nước, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương là việc rất hợp lòng dân. Chủ trương, quyết sách quá đúng, nhưng thực hiện hiệu quả hay không là mối băn khoăn. Nếu như những người đại diện cho dân làm đúng trọng trách với lá phiếu của mình thì hồng phúc cho dân, cho nước biết mấy.

 

Nhưng thực tế có muôn vàn chữ “nếu” ngược lại. Người có quyền bỏ phiếu không vì dân, vì nước mà vì cái  ghế của mình thì chủ trương dù sáng suốt cũng vô ích.

 

Đã có quá nhiều chuyện liên quan đến bỏ phiếu, nhưng lá phiếu có trung thực, có chất lượng, có công tâm hay không lại là chuyện khác. Hãy thử quan sát một vài trường hợp sẽ rõ, Phạm Thanh Bình phải có đủ phiếu mới giành được cái ghế Chủ tịch Tập đoàn Vinashin, Dương Chí Dũng cũng phải có đủ phiếu mới được đề bạt chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Hậu quả  tai hại của các lá phiếu đó để lại xin khỏi phải bàn.

 

Ai dám đảm bảo các lá phiếu “đụng” đến nhân sự cao cấp lại không có bóng dáng của tiêu cực, mua chuộc, vận động như cử tri Phạm Thị Nga đặt ra. Đó là chưa kể có sự áp đặt của quyền lực, phải “chọn chủ mà phò” như một thói quen tồn tại lâu nay. Sự tính toán đó là vì cái ghế của mình, không phải là vì dân, vì nước.

 

Ai dám đảm bảo rằng trong những lá phiếu tín nhiệm nhân sự cao cấp không có sự bắt tay của các nhóm lợi ích. Sự tồn tại của người này là sự tồn tại của người khác, lợi ích của người này là lợi ích của người kia. Mối ràng buộc quyền lực, quyền lợi của các cá nhân có thể sẽ làm cho lá phiếu mất đi sự trung thực, khách quan, trách nhiệm, những yếu tố mang tính bản chất của một lá phiếu.

 

Bỏ một lá phiếu tín nhiệm trung thực, công tâm và có trách nhiệm với đất nước là chém một nhát dao vào chiếc vòi của con bạch tuộc tham nhũng. Nhưng chiếc vòi đó có thể đã vươn tới người cầm lá phiếu trên tay, chẳng lẽ ai đó lại tự chặt “vòi” mình.

 

Cho nên, để lá phiếu tín nhiệm có chất lượng thì phải hạn chế tối đa đại biểu Quốc hội là người nắm giữ  chức vụ trong hệ thống chính quyền. Phần lớn ĐBQH phải là những nghị sĩ chuyên nghiệp, không liên quan đến chiếc ghế quyền lực và quyền lợi. Một khi lá phiếu còn chịu ảnh hưởng bởi cái ghế đang ngồi thì khó đảm bảo sự khách quan và công tâm.

 

Theo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm