1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Lạ lùng một vụ chia tiền hỗ trợ người nghèo

(Dân trí) - Nhận 51 triệu đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ cho 55 hộ nghèo trong xã ăn Tết, ông trưởng thôn Võ Văn Thắng cùng các cán bộ thôn Thống Nhất đã tự ý cắt xén 20 triệu với lý do... “chia Tết” cho các hộ cận nghèo khác.

Ký thật nhiều, nhận… chẳng bao nhiêu!

Với chủ trương không để người nghèo không có Tết, Chính phủ đã hỗ trợ mỗi khẩu trong các hộ nghèo 200.000 đồng. Trong khi người dân ở nhiều nơi trong cả nước đã nhận số tiền này để mua sắm Tết thì ở thôn Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) lại xảy ra một việc lạ lùng: cán bộ thôn tự ý cắt xén số tiền này của người nghèo với lý do để chia cho các hộ cận nghèo trong thôn (?).

Cụ thể, đáng ra phải chia cho 319 khẩu trong 55 hộ nghèo 200.000 đồng/người (hộ nào quá 5 khẩu thì nhận 1 triệu đồng/hộ) thì ông Thắng cùng các chức sắc trong thôn lại cho dân ký nhận số tiền này trên giấy, rồi sau đó chỉ giao tiền thực bằng một phần nhỏ. 
 
Chị Nguyễn Thị Tô một mình nuôi 3 con và có chồng bị bệnh thần kinh, thuộc diện hộ nghèo, ngơ ngác nói: “Tui nghe nói mỗi người trong nhà nhận được 200.000 đồng, như nhà tui đáng ra nhận được 1 triệu đồng nhưng chẳng hiểu sao trước Tết thôn kêu lên cho nhận 150.000”. Trước đó, chị Tô nhận được 8kg gạo hỗ trợ, nhưng sau đó số gạo này được cán bộ thôn quy ra tiền là 50.000 đồng và trừ luôn vào phần tiền hỗ trợ 200.000 cho cả hộ nhà chị.
 
Tương tự, anh Nguyễn Đại Thập cùng vợ và 2 con nhỏ ở trong căn nhà gỗ xiêu vẹo chờ sập nhưng không hiểu vì sao lại bị gạt ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2009. Mặc dù vậy, anh cũng được hỗ trợ 100.000 tiền Tết nhưng sau khi trừ đi 50.000 tiền “mua” gạo Nhà nước hỗ trợ (miễn phí), anh nhận được 50.000. Theo anh Thập, do cán bộ thôn giải thích hộ anh chỉ là hộ cận nghèo nên anh từ chối nhận, nhường số tiền này cho người nghèo hơn.
 
Lạ lùng một vụ chia tiền hỗ trợ người nghèo - 1

Anh Thập cùng vợ và 3 con sống trong căn nhà xiêu vẹo nhưng được thôn hỗ trợ 50.000đ.
Vợ chồng anh Thập từ chối nhận.

Theo tìm hiểu của PV, chị Tô và anh Thập không phải là những trường hợp cá biệt trong thôn Thống Nhất, mà cả 55 hộ nghèo đều bị cắt xén tiền hỗ trợ tết và cả 94 hộ trước đó đã nhận gạo cứu trợ sau đó đều bị thôn “truy thu” 50.000 đồng cho 8kg gạo đã nhận.

Trao đổi với Dân trí sáng 4/2, ông Hồ Văn Miến - Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: “Toàn xã nhận được 231 triệu đồng để hỗ trợ cho đồng bào nghèo ăn Tết, phân về cho các thôn nhưng việc phân bổ của thôn Thống Nhất là sai nguyên tắc”. Theo ước tính của ông Miến, số tiền bị chi sai lên tới trên 20 triệu đồng.

Có thể con số ước tính của ông Miến căn cứ trên báo cáo của thôn, bởi ngay sau khi vụ việc được phát giác, đầu giờ chiều nay, ông Võ Văn Thắng đã khẩn trương thu vén từ nguồn tiền túi của ông và một số cán bộ khác trong thôn lên nộp lại cho UBND xã An Ninh số tiền 20,8 triệu đồng gọi là khắc phục hậu quả. Ông Miến xác nhận thông tin này, đồng thời khẳng định sẽ tạm gửi vào quỹ tín dụng chờ xử lý.
 
Lạ lùng một vụ chia tiền hỗ trợ người nghèo - 2

Ông Thắng với cọc tiền khắc phục hậu quả 20,8 triệu đồng gói trong giấy báo.
 
Ép dân nghèo ký ủng hộ khống?

Sáng nay, trong khi ông trưởng thôn Võ Văn Thắng được ông Nguyễn Viết Ánh - Phó bí thư huyện ủy Quảng Ninh và ông Hồ Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện mời lên UBND xã An Ninh làm việc liên quan đến vấn đề này thì các cán bộ thôn khác là ông Nguyễn Đại Sơn, Trần Văn Chọ vội vã đến nhà các hộ nghèo, đề nghị người dân ký vào một danh sách cái gọi là “danh sách hộ nghèo tự nguyện ủng hộ tiền hộ nghèo cho các hộ cận nghèo ăn Tết”.

Chị Tô khi được hỏi về số tiền này tỏ ra ngạc nhiên lẫn lo lắng: “Tôi không biết khoản 400.000 đồng mà hai bác trên thôn xuống bảo tôi ký là tiền gì nên ban đầu tôi hỏi lại: “Tôi chỉ nhận 150.000, răng chừ bắt ký thêm 400.000 nữa?”. Nhưng thấy các bác ấy bực mình bảo “không ký thì thôi” nên tôi nghĩ lại, đành ký bừa vào”. Theo chị Tô, sau đó nghe bà con lối xóm và con cái dọa rằng “không nhận tiền mà ký coi chừng bị bỏ tù” chị mới thấy mình dại.
 
Lạ lùng một vụ chia tiền hỗ trợ người nghèo - 3

Chị Tô lo lắng vì đã ký vào khoản 400.000đ mà chị không biết là tiền gì.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan cũng lo thon thót vì đã trót ký vào một tờ giấy có ghi số 500.000 nữa dù trước đó cả gia đình bà chỉ được nhận 250.000 đồng. Theo một cán bộ đoàn thể xã, từ sáng nay sau khi hai chức sắc của thôn đến nhà dân nghèo đề nghị ký vào tờ giấy “tự nguyện ủng hộ” nói trên thì nhiều gia đình trong thôn Thống Nhất hoang mang, vợ chồng cãi nhau vì lo sợ.

Trao đổi về vụ việc, ông Võ Văn Thắng giải thích: “Trước mắt, do chưa thu lại được từ các hộ cận nghèo nên tôi và các anh em trong Mặt trận thôn đã phải huy động tiền túi nộp lại”. Theo ông Thắng, sau đó sẽ xin lại của dân để bù đắp lại số tiền này.
 
Lạ lùng một vụ chia tiền hỗ trợ người nghèo - 4

Danh sách cái được gọi là "hộ nghèo tự nguyện ủng hộ tiền cho hộ cận nghèo".

Ông Thắng cho rằng nguyên nhân nằm ở việc bình xét hộ nghèo chưa hợp lý, khi mời các hộ nghèo lên nhận tiền thì các hộ cận nghèo cũng lên theo. Theo ông, trong bối cảnh đó thôn đã đề nghị người nghèo chia lại một ít cho những hộ cận nghèo và đã được dân nghèo đồng tình.

Tuy nhiên, giải thích cho việc tại sao không cho người dân nghèo ký nhận số tiền thực lĩnh và số tiền tự nguyện ủng hộ tại thời điểm nhận tiền mà khi sự việc phát lộ mới vội vã đi thúc dân ký “tự nguyện”, ông Thắng cho rằng trước đó nhiều hộ dân chưa ký nên bây giờ phải... ký bổ sung.

Chẳng hiểu người dân tự nguyện hay không, nhưng hầu hết những người được hỏi đều tỏ ra ngạc nhiên và lo lắng không hiểu con số mà mình vừa ký sáng nay là khoản tiền gì. Chưa hết, theo ông Hồ Văn Miến xác nhận một vụ việc: Anh Nguyễn Đại Thơ, một người dân nghèo không có nhà phải ở nhờ trạm bơm của xã chạy đến UBND xã trình báo việc anh bị dọa đánh và đề nghị được bảo vệ. Ông Miến dẫn lời anh Thơ cho biết, anh bị con trai của ông Phó Chủ nhiệm HTX dọa đánh do không chịu ký nhận đã “tự nguyện ủng hộ 500.000 đồng” cho các hộ không nghèo!

(Còn nữa)

 Hồng Kỹ