Kỳ lạ hang Cát Đùn báo hiệu điều may rủi trong năm
(Dân trí) - Theo một số người dân, năm nào cát đùn ra trước cửa hang giống hình "đống lúa" thì năm đó mùa màng sẽ bội thu, nếu cát đùn hình "đê vỡ" thì năm đó mưa to, lũ lụt...
Hang động hiếm có ở Việt Nam
Từ trung tâm xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), men theo con đường rừng núi lầy lội và rậm rạp cây cối gần chục cây số mới đến được đền Cát Đùn (hay hang Cát Đùn). Đây là điểm giáp ranh giữa xã Gia Hưng và xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình).
Hang Cát Đùn nằm ngay chân núi đá vôi, ẩn mình trong rừng cây xanh tốt. Phía trước cửa hang là dòng suối cạn, suối chỉ có nước vào mùa mưa. Người dân địa phương không ai biết, hang có từ bao giờ. Còn cái tên Cát Đùn được gọi vì hàng năm cát trong hang đùn ra, thu vào rất kỳ lạ.
Hang có 2 cửa, cửa hướng Tây Nam nằm sát chân núi rộng từ 4-5m. Đây chính là cửa cát trong hang đùn ra, thu vào. Cửa thứ 2 quay hướng Tây, cách cửa thứ nhất khoảng 30m về phía Tây Bắc, nằm cao hơn chân núi khoảng 8m.
Hang có chiều dài khoảng 250m, chiều rộng từ 3-15m với vòm cao từ 2-20m. Nhìn bên trong, lòng hang như một dòng suối, xuôi thoai thoải theo hướng Đông. Trong hang chia thành nhiều khoang khác nhau, có nhiều nhũ đá, măng đá rất đẹp.
Tại các khoang trong hang đều có những hồ nước nhỏ. Trong đó, một khoang có hồ nước sâu và rộng không nhìn thấy đáy. Đây cũng chính là miệng của mạch nước ngầm từ lòng hang dâng lên, nước không bao giờ cạn.
Cát trong hang đùn ra rất nhiều nhưng không năm nào giống năm nào, tạo thành nhiều gò đống lớn với kích thước khác nhau trước cửa hang. Hình thù của đống cát đùn không bao giờ vượt quá 25m chiều dài và 15m chiều rộng.
Khối lượng cát lớn như vậy nhưng sau đó lại thu hết vào trong hang sạch sẽ. Đây là một hiện tượng tự nhiên rất đặc biệt, hiếm có tại các hang, động ở Việt Nam.
Cát đùn báo hiệu điều may rủi
Lãnh đạo UBND xã Gia Hưng cho biết, theo truyền thuyết lịch sử kể lại rằng từ thuở xưa tại chốn Sơn Động này có một điều kỳ thú hiếm thấy, cứ vào tháng 8 âm lịch hằng năm cát trong hang núi đùn ra ngoài cửa hang, có năm như hình đống lúa, có năm như hình con đê. Tương truyền, hình dáng đống cát dự báo sự việc có thể xảy ra trong năm.
"Nếu cát đùn ra có hình đống lúa, thì năm đó mưa thuận gió hòa, sản xuất nông nghiệp được mùa, nhân dân ấm no. Nếu cát có hình con đê, dự báo hiện tượng có mưa to, lũ lụt. Đến tháng 3 năm sau lại hút hết cát vào trong hang động nên mới gọi là "Tháng 8 xây ra, tháng 3 xây vào" (hay "Tháng 8 đùn ra, tháng 3 đùn vào".
Nhân dân thấy đây là điềm lạ, hiếm thấy nên đã lập đền thờ Chúa Sơn Lâm và Đức Cao sơn Thành hoàng. Đền thờ được lập trên một hốc đá phía dưới là một hang sâu, đến nay vẫn còn hiện hữu", lãnh đạo xã Gia Hưng cho hay.
Vị lãnh đạo xã chia sẻ thêm, hiện tượng cát đùn ra, đùn vào trong hang xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn là một bí ẩn. Địa phương mong muốn có được sự nghiên cứu của các nhà khoa học và chuyên gia để tìm ra lời giải.
"Ngược dòng thời gian của lịch sử, đền Cát Đùn còn gọi là đền Thượng xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng, là biểu tượng cao đẹp nhất về giá trị lịch sử và văn hóa, nơi đây đều gắn liền với lịch sử của dân tộc, gắn liền với các bậc tiên đế, thánh nhân.
Với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, trong những năm qua chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình hết sức quan tâm bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng khu di tích. Những năm tiếp đây đền Cát Đùn sẽ được đầu tư tôn tạo khang trang và lễ hội đền Cát Đùn, sẽ trở thành một lễ hội lịch sử văn hóa, ngày càng được tổ chức trang trọng, ấn tượng hơn", vị lãnh đạo nói.
Tháng 3/2024