1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả thải trộm ra môi trường"

Thế Kha

(Dân trí) - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị từ nay tới cuối năm, tỉnh Hải Dương phải có kế hoạch bảo vệ môi trường quyết liệt, rành mạch. Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả thải trộm ra môi trường.

Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả thải trộm ra môi trường - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TCMT).

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn 2006 - 2020 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân yêu cầu phải quyết liệt triển khai các biện pháp cụ thể, đổi mới phương thức quản lý để bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, từ nay tới cuối năm, tỉnh Hải Dương phải có kế hoạch bảo vệ môi trường chu đáo, quyết liệt, rành mạch. Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả thải trộm ra môi trường.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương, đến nay về cơ bản các khu công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Tỉnh đã đầu tư 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung: Nhà máy xử lý rác thải Seraphin Hải Dương của Công ty cổ phần môi trường APT - Seraphin Hải Dương với công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng của Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương có công suất thiết kế 248 tấn/ngày đêm.

100% chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98,5% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý. 72,7% tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nghiêm trọng đã được xử lý triệt để…

Tuy nhiên do Hải Dương là hạ nguồn của sông Bắc Hưng Hải nên phải tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt của khu dân cư dọc hai bờ sông. Đặc biệt là chất lượng nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm từ thành phố Hà Nội chảy qua tỉnh Hưng Yên về tỉnh Hải Dương.

Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất nếu xả thải trộm ra môi trường - 2

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng, chất lượng nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống 2 bên bờ sông.

Hiện nay Hải Dương có 33 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và thu hút trên 300 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 62%. Tuy nhiên, mới có 3 cụm công nghiệp được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 11 cụm công nghiệp được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hầu hết chưa có chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng nên chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Trong khi đó, tại các làng nghề, phần lớn nước thải, chất thải rắn, lỏng và chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy định mà đổ thải ngay tại các ao, hồ, kênh mương và các khoảng đất trống trong làng, ngoài đồng gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Tổng cục Môi trường cho biết, một số làng nghề tiếp tục bị ô nhiễm kéo dài như: Làng nghề Tống Buồng - Kinh Môn, làng nghề Đông Giao - Cẩm Giàng, mộc Cổ Dũng - Kim Thành,...

Bày tỏ trở trăn về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện hữu, nhất là trên hệ thống Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Hải Dương chỉ đạo sát sao việc sớm đưa các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp tỉnh vào hoạt động. Rà soát, đóng cửa các bãi chôn lấp, lò đốt rác thải sinh hoạt cấp xã không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, địa phương này cần có biện pháp thu gom, xử lý triệt để toàn bộ lượng rác thải tồn đọng, chôn lấp không đúng quy định về bảo vệ môi trường. Tiến hành thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm