Xà xẻo tiền, gạo hỗ trợ người nghèo:
Kiểm tra đến đâu, sai đến đó!
(Dân trí) - “Hầu như rà soát đến đâu là phát hiện sai đến đó, không sai tiền thì sai gạo. Xuất phát từ chỗ bình xét hộ nghèo chưa chuẩn xác, các khoản hỗ trợ của chính phủ sẽ về không đúng đối tượng”, ông Trần Đình Vân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình khẳng định.
Ông Trần Đình Vân: "Hầu như rà soát đến đâu
là phát hiện sai đến đó, không sai tiền thì sai gạo"
Trước khi các sự việc bị phát giác, ông có tiên liệu khả năng có tiêu cực xảy ra?
Khi nắm được chủ trương của chính phủ, tôi đã nghĩ ngay đến những tiêu cực có thể xảy ra và có công văn gửi đến các huyện, thành phố trong tỉnh hướng dẫn cụ thể. Trong đó, sở đã nhấn mạnh việc cấp phát phải đúng đối tượng, mục đích, tránh tình trạng bình quân, dàn trải.
Về tiền hỗ trợ, tỉnh đã cấp ứng kinh phí cho các huyện, số kinh phí còn thiếu các huyện phải ứng từ ngân sách để cấp phát cho các hộ nghèo trước Tết. Trong các công văn chỉ đạo, chúng tôi đã ghi rõ địa phương nào thực hiện không đúng quy định thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Riêng về gạo cứu trợ, Sở cũng yêu cầu cấm tình trạng bán gạo để đắp vào chi phí vận chuyển.
Qua điều tra của phóng viên, mỗi địa phương có một kiểu sai khác nhau. Khi có chủ trương hỗ trợ của chính phủ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh có hướng dẫn, quán triệt quy trình cấp phát đến tay người dân?
Trước đó, Sở đã có công văn gửi đến UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đề nghị chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND xã, phường điều tra, rà soát hộ nghèo 2009 một cách công khai, minh bạch theo thông tư của Bộ LĐ-TB&XH. Sau khi nhận được báo cáo của các địa phương, nhận thấy ở nhiều nơi số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo quá lớn, Sở đã yêu cầu các địa phương phúc tra lại kết quả này để đánh giá đúng hơn thực trạng hộ nghèo và giải trình về nguyên nhân tái nghèo, phát sinh nghèo.
Về quy trình cấp phát, Sở đã có hướng dẫn cụ thể. UBND các xã phải là cấp được giao phát đến tận tay người dân, bởi các xã là nơi xác nhận danh sách hộ nghèo ở địa phương. Việc các xã giao cho thôn cấp phát là sai, xã phải chịu trách nhiệm.
Tiền được chuyển về địa phương vào ngày 26 -27 /12 ÂL và phải cấp phát đến dân trước Tết. Trong quỹ thời gian ngắn như vậy, phải chăng công tác kiểm tra, giám sát đã không được thực hiện chặt chẽ?
Sở không thể kiểm tra tổng thể từng địa phương được được, mà chỉ kiểm tra một số nơi. Hơn nữa, do tiền hỗ trợ về quá cận Tết nên không thể giám sát tận nơi được. Việc giám sát chính vẫn là trách nhiệm của các xã.
Thực trạng ở nhiều địa phương cho thấy, những sai phạm trong cấp phát có nguồn gốc từ việc bình xét hộ nghèo ở cơ sở chưa chuẩn xác. Trước nay, việc bình xét này được kiểm tra, giám sát như thế nào?
Ở các vùng nông thôn, do kinh tế nhiều hộ gia đình “sàn sàn” như nhau, nên việc xác định hộ nghèo theo chuẩn gặp khó khăn, dễ gây thắc mắc trong dân. Thực tế, việc bình xét hộ nghèo ở nhiều địa phương đang có vấn đề, một phần xuất phát từ tâm lý cả nể.
Xuất phát từ chỗ bình xét hộ nghèo chưa chuẩn xác, các khoản hỗ trợ của chính phủ sẽ về không đúng đối tượng.
Trước đó qua kiểm tra, rà soát chúng tôi có phát hiện tình trạng tách hộ để được hưởng hộ nghèo hoặc ngược lại ghép khẩu này qua hộ khác. Một tình trạng khác là các hộ chính sách, bị nhiễm chất độc màu da cam lại được cho vào hộ nghèo. Tất cả các việc làm này đều sai chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Từ trước đến nay, các huyện cũng đã có kiểm tra, phúc tra nhưng có thể nói mức độ kiên quyết chưa cao.
Được biết năm nào Sở LĐ-TB&XH cũng rà soát danh sách hộ nghèo từ các huyện đưa lên, nhưng những tồn tại bất công vẫn còn nhiều. Sắp tới, Sở có biện pháp gì để làm triệt để hơn nhằm tránh lặp lại tình trạng này khi người dân nhận được tiền hỗ trợ và cho vay ưu đãi của Chính phủ để xây nhà ở?
Theo tôi việc rà soát chính xác nhất vẫn là trách nhiệm của địa phương. Sau khi kiểm tra lại công tác cấp phát trên toàn tỉnh, Sở sẽ cho rà soát lại tổng thể các hộ nghèo. Tin chắc rằng sau sự việc này, danh sách, tỷ lệ hộ nghèo sẽ chắc chắn hơn và hạn chế được những vụ việc như vừa qua. Nói thật là chỉ hạn chế, chứ nói chấm dứt thì tôi chưa dám khẳng định. Hiện trên toàn tỉnh có 4.195 hộ thuộc diện được hỗ trợ xây nhà ở, nhưng sau khi rà soát lại, con số này có thể sẽ giảm.
Ngày 5/2, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra việc cấp phát tiền, hàng cứu trợ của Chính phủ cho dân nghèo. Đoàn đã phát hiện được thêm sai phạm nào ngoài những địa phương mà báo chí đã nêu?
Nhìn chung, hầu như rà soát đến đâu là phát hiện sai đến đó, không sai tiền thì sai gạo. Đây cũng là một thực trạng để các ngành, trong đó có ngành LĐ-TB&XH có sự tham mưu chính xác hơn. Hiện đoàn vẫn đang tiến hành kiểm tra ở các huyện và sẽ có kết quả trước ngày 15/2/2009.
Quan điểm của ông trong việc xử lý các đơn vị, cá nhân sai phạm?
Nghệ An: Sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xén tiền Tết của dân
Trao đổi với Dân trí sáng 9/2, ông Thái Văn Hằng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện thành lập đoàn thanh tra đến tại các phường, xã, thôn bị cắt xén để làm việc cụ thể.
Theo đó, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu giám đốc các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện đã phát hiện sai phạm là Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn… phải kiểm tra thật kỹ càng, có biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm.
Đồng thời chỉ đạo khắc phục các sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra. Rút bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện quản lý, cấp phát các khoản hỗ trợ đối với nhân dân. Chỉ đạo chấn chỉnh công tác bình xét, phân loại, chứng nhận hộ nghèo, xác nhận hộ đói trên địa bàn, đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định. Kết quả kiểm tra, xử lý phải báo cáo UBND tỉnh, tỉnh Uỷ trước ngày 20/2/2009.
Ông Hằng cũng cho biết thêm, “quan điểm của tỉnh là thu hồi tiền và tài sản thất thoát (nếu có) theo quy định của pháp luật đã chi sai và cấp phát lại cho đúng đối tượng. Sau đó phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên có sai phạm”.
Một nguồn thông tin mới nhất của người dân cung cấp cho chúng tôi ngày 9/2, tại xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương (Nghệ An) như sau: Dịp tết vừa qua, một số hộ nghèo sau khi nhận tiền hỗ trợ ngoài phong bì ghi 500.000 đồng, nhưng khi xé phong bì ra xem thì chỉ có 400.000 đồng. Đem chuyện này lên “cấp trên” hỏi, thì mới hay biết số tiền được “trích lại” một ít để làm quỹ khuyến học cho xã (!?).
Nguyễn Duy |