An Giang:
Khu du lịch đầy rùa “độc” do du khách phóng sinh
(Dân trí) - Nhiều ngày nay, tại hồ Thủy Liêm thuộc Khu du lịch núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) xuất hiện rất nhiều rùa tai đỏ, một loại rùa có hại mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Du khách thả thức ăn xuống hồ Thủy Liêm cho cá và rùa ăn.
Theo anh Vương, số rùa tai đỏ này do nhiều du khách đi hành hương ở núi Cấm mang theo để thả xuống hồ cầu may rủi. Cũng chính vì sự xuất hiện của rùa tai đỏ nên dịch vụ buôn bán thức ăn cho rùa và cá cũng hình thành khá nhiều quanh hồ Thủy Liêm.
Còn anh Hóa làm ở chốt bảo vệ đường lên núi Cấm cho biết, nhiều ngày qua thấy du khách lên núi Cấm hành hương đều có mang theo một bọc nilon trong đựng những con rùa. Theo anh Hóa thì việc mang động vật lên núi phóng sinh là chuyện bình thường, còn việc mang rùa tai đỏ thì mới xuất hiện gần đây.
Nhiều ngày qua, khi du khách mua thức ăn thả xuống hồ cho cá thì rùa tai đỏ cũng xuất hiện lẫn trong các đàn cá tranh thức ăn. “Sau khi ăn xong, rùa tai đỏ thường bò lên các mỏm đá ở giữa hồ để nằm phơi nắng; nhiều du khách xem đó như một điềm lành nên cũng chắp tay vái cầu nguyện”- một du khách khách ở hồ Thủy Liêm kể cho chúng tôi biết.
Theo một người bảo vệ ở hồ Thủy Liêm, ở đây không ai biết rõ nguồn gốc của loài rùa này. Anh Nguyễn Minh Vương hoàn toàn bất ngờ khi biết thông tin rùa tai đỏ là loài động vật có hại cho môi trường.
Sau khi biết thông tin có sự xuất hiện của rùa tai đỏ ở khu du lịch núi Cấm, anh Nguyễn Văn Thân - Tổ bảo vệ, quản lý tại hồ Thủy Liêm - cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang và huyện Tịnh Bên đang tiến hành xử lý để bảo đảm an toàn cho nguồn sinh thái trong hồ Thủy Liêm và cho du khách.
Rùa tai đỏ có xuất xứ từ Bắc Mỹ, có 2 vạch đỏ sau 2 mắt. Khi thoát ra tự nhiên, rùa tai đỏ sẽ tranh giành thức ăn và có thể giao phối với rùa bản địa, dẫn đến việc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái. Ngoài ra, rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại vi khuẩn này có thể gây bệnh thương hàn đối với người. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp loài rùa này trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. |
Huỳnh Hải