1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Không thể truy trách nhiệm hình sự điều tra viên vụ án oan Huỳnh Văn Nén?

(Dân trí) - Sau khi ông Huỳnh Văn Nén được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai, gần đây có những phân tích cho rằng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ làm oan cho ông Nén trong vụ án sát hại bà Lê Thị Bông đã hết và không thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người như cựu điều tra viên Cao Văn Hùng - đang hành nghề luật sư tại Hà Nội?

Theo phân tích này, quy định của Bộ luật Hình sự từ tội thiếu trách nhiệm… đến các tội xâm phạm hoạt động tư pháp có khung hình phạt cao nhất chỉ đến 15 năm tù (tội rất nghiêm trọng). Mà theo quy định tại Điều 23 Bộ luât Hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội rất nghiêm trọng là 15 năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội.

Chính vì thế nếu lấy mốc ngày TAND tỉnh Bình Thuận kết tội chung thân ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết bà Bông (tháng 8/2000) thì đến nay đã quá 15 năm, nghĩa là không còn thời hiệu truy cứu hình sự những cán bộ điều tra như ông Cao Văn Hùng - nguyên điều tra Công an tỉnh Bình Thuận (hiện đang hành nghề luật sư tại Hà Nội).

 

Ông Cao Văn Hùng được triệu tập trong một phiên tòa xét xử “kỳ án Vườn Điều” (Ảnh: Tiền Phong).
Ông Cao Văn Hùng được triệu tập trong một phiên tòa xét xử “kỳ án Vườn Điều” (Ảnh: Tiền Phong).

 

Trao đổi với PV Dân trí sáng 8/12, một lãnh đạo Cục Điều tra Hình sự VKSND Tối cao cho biết chưa nhận được đơn đề nghị xử lý hình sự những người cán bộ đã gây ra án oan cho ông Huỳnh Văn Nén suốt hơn 17 năm qua.

Từ chối đưa ra đánh giá, phân tích về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ có trách nhiệm trong việc gây ra oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén nhưng vị lãnh đạo Cục Điều tra Hình sự VKSND Tối cao khẳng định khi nhận được đơn của ông Nén sẽ tiến hành thụ lý, phân loại, xác minh dấu hiệu vi phạm họa động tư pháp trong vụ án này. Từ đó mới có căn cứ để xử lý cụ thể.

Theo vị lãnh đạo Cục Điều tra Hình sự, Công an tỉnh Bình Thuận đang điều tra, xử lý vụ án sát hại bà Lê Thị Bông và VKSND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm kiểm sát điều tra. Từ kết quả điều tra, VKSND Tối cao sẽ có căn cứ để xem xét xử lý những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp.

Với sự am hiểu tường tận vụ án, luật sư Trần Vũ Hải - một trong những luật sư đã tham gia bào chữa miễn phí, minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén trong cả hai vụ án là “kỳ án vườn điều” và vụ sát hại bà Lê Thị Bông - cho biết từ tháng 8/2004 các luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường đã có đơn tố giác ông Cao Văn Hùng về những hành vi làm sai lệch hồ sơ và cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

Đến năm 2006, những người bị oan sai trong “kỳ án vườn điều” (đã được bồi thường oan sai 1,4 tỷ đồng, không tính ông Huỳnh Văn Nén và chị vợ đã mất trước đó) tiếp tục gửi đơn tố giác điều tra viên Cao Văn Hùng và những người tiến hành tố tụng khác có những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp khi điều tra, truy tố xét xử vụ án này. Tuy vậy các đơn tố giác này đều chưa được giải quyết.

“Nay ông Huỳnh Văn Nén và những người bị oan trong gia đình vợ ông Nén (kỳ án vườn điều) tiếp tục yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm những người gây oan sai cho họ trong cả hai vụ án trên, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo tôi có rất nhiều tội danh có thể áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự những người gây ra oan sai cho gia đình ông Nén”- luât sự Hải nhận định.

Đánh giá hậu quả của việc gây ra oan sai trong cả hai vụ án là đặc biệt nghiêm trọng (gây oan cho rất nhiều người và nhà nước phải bồi thường số tiền rất lớn cho những người bị oan), luật sư Trần Vũ Hải cho rằng VKSND Tối cao có thể xem xét truy cứu những cán bộ làm sai theo rất nhiều tội được quy định trong Bộ luật Hình sự như: Điều 293 Bộ luật hình sự về tội truy cứu trách nhiệm hình sự; tội ra bản án trái pháp luật theo Điều 295; tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296; tội dùng nhục hình theo Điều 298; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 282.

 

Rơi nước mắt khi nói về khoảng thời gian ngồi tù oan hơn 17 năm cay đắng, ông Huỳnh Văn Nén nói: “Có ai trên đất nước ngày khổ như tôi không ?. Chắc không có, và tôi cũng không muốn có” (Ảnh: Trung Kiên).
Rơi nước mắt khi nói về khoảng thời gian ngồi tù oan hơn 17 năm cay đắng, ông Huỳnh Văn Nén nói: “Có ai trên đất nước ngày khổ như tôi không ?. Chắc không có, và tôi cũng không muốn có” (Ảnh: Trung Kiên).

 

Đối với thông tin vụ án bà Lê Thị Bông diễn ra hơn 15 năm trước nên không thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng khoản 3 của Điều 23 Bộ luật Hình sự quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Vậy đối với những tội phạm có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng định khung thì thời hiệu tính từ khi người phạm tội có hành vi vi phạm hay tính từ khi có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ?.

“Chúng tôi cho rằng, phải tính từ khi xác định có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ từ khi nhà nước phải đền bù tiền oan sai hoặc khi những người này được minh oan. Như trong vụ án vườn điều, những người bị oan được minh oan từ cuối năm 2005 và được đền bù từ 2006. Vậy thời điểm có tình tiết hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tính từ năm 2006. Riêng đối với Huỳnh Văn Nén, được minh oan từ 28/11/2015 nhưng đến nay chưa được bồi thường, mức bồi thường dự kiến sẽ lên hàng chục tỷ đồng. Như vậy đối với những hành vi phạm tội của những người gây oan cho Huỳnh Văn Nén cũng chưa phải tính thời hiệu, nói cách khác họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh trên, thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”- luật sư Trần Vũ Hải phân tích.

Thừa nhận việc có thể có quan điểm khác chỉ tính thời hiệu khi có hành vi vi phạm xảy ra, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng trong trường hợp theo quan điểm này vẫn có thể áp dụng tội danh lạm quyền khi thi hành công vụ theo Điều 282 Bộ luật Hình sự đối với ông Cao Văn Hùng và ông Đinh Kỳ Đáp (Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận tại thời điểm năm 2000).

Lý giải điều này, luật sư Hải dẫn chứng: Ông Hùng và ông Đáp đã hai lần xác minh đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành nhưng đã làm trái công vụ khi thực hiện xác minh vì vụ án này đã có bản án có hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Tối cao và VKSND Tối cao. “Lẽ ra các ông này phải báo cáo các cơ quan này hoặc cấp trên là Bộ Công an để có hướng giải quyết. Hơn nữa, theo như trình bày của Nguyễn Phúc Thành, ông Hùng đã đe dọa Thành ép rút đơn, không có động thái nào để xác minh những chi tiết trong đơn tố cáo của Thành như lái xe ôm tên Nghĩa và cửa hành mà kẻ gây án bán nhẫn và cướp của của bà Bông, tự ý kết luận đơn tố cáo của Thành là không có cơ sở”- ông Hải nêu quan điểm.

Luật sư Trần Vũ Hải khẳng định chính hành vi đó đã khiến việc giải oan những người bị oan chậm trễ, mà lẽ ra đã được làm rõ ngay từ năm 2000.

“Do việc gây oan sai cho nhiều người gây bức xúc trong nhân dân, làm mất uy tín cho các cơ quan pháp luật, có thể đền bù oan sai hàng chục tỷ đồng, tất yếu các cơ quan pháp luật có thẩm quyền phải xử lý nghiêm những kẻ đã gây oan sai. Nhân dân đang mong chờ cơ quan điều tra của VKSND Tối cao sớm khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ đã gây ra hai đại án oan sai tại Bình Thuận”- luật sư Hải mong mỏi.

 

Gia đình ông Nén đề nghị truy tố điều tra viên Cao Văn Hùng

Như Dân trí đã phản ánh, gia đình “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàn Tân, tỉnh Bình Thuận) đã có đơn gửi Cục Điều tra Hình sự VKSND Tối cao, VKSND, TAND và Công an tỉnh Bình Thuận để yêu cầu khởi tố (cũng là đơn tố giác tội phạm) đối với những người tiến hành tố tụng trong “vụ án vườn điều” và vụ án giết bà Lê Thị Bông.

Theo đó, sau khi được minh oan trong vụ án vườn điều, những người này đã có đơn yêu cầu các cơ quan pháp luật ở Trung ương và tỉnh Bình Thuận xử lý theo pháp luật những cán bộ đã gây oan sai nhưng đến nay chưa được giải quyết. Trong khi đó, mới đây, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nén và gia đình về hai vụ án oan sai trên nhưng vẫn chưa công bố những cán bộ đã tiến hành tố tụng hai vụ án này để xử lý về trách nhiệm.

“Chúng tôi rất bức xúc trước việc chưa xử lý nghiêm những cán bộ gây oan sai và gây ra hậu quả nặng nề về nhiều mặt…Những người này chưa từng trực tiếp xin lỗi chúng tôi và không nhận ra trách nhiệm gây oan sai. Những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án đã sử dụng biện pháp bất minh để buộc tội, kết án dựa trên những lời khai giả mạo, gian dối hoặc có được từ bức cung, dùng nhục hình đối với gia đình tôi” - nội dung đơn nêu rõ.

Cũng theo lá đơn này, các thành viên yêu cầu khởi tố hình sự các nhân vật: Điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo VKSND ký cáo trạng, thẩm phán xét xử sơ thẩm theo những tội danh: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; Ra bản án trái pháp luật; Làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đặc biệt phải truy cứu trách nhiệm hình sự ông Cao Văn Hùng (nguyên điều tra viên Công an tỉnh Bình Thuận) và ông Đinh Kỳ Đáp (nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận) là những người điều tra trong vụ án vườn điều và vụ án bà Lê Thị Bông.

 

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm