Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:
Không thể bỏ thủy điện nhưng phải "quản" tốt việc xả lũ
(Dân trí) - Ngày 20/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ về thăm, kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, Quảng Nam.
Thị sát tại thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong, huyện Đại Lộc), nơi bị sạt lở nặng trong đợt lũ vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải động viên bà con tìm cách sống chung với lũ vì ở đây lũ năm nào cũng có. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Sau khi thị sát khu vực bị sạt lở nặng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc. Ông Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch huyện Đại Lộc cho rằng từ khi các thủy điện trên đầu nguồn đưa vào vận hành thì người dân trên địa bàn huyện chịu nhiều tổn thất do các thủy điện này xả lũ cùng lúc làm nước lên quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp.
Ông Nguyễn Văn Trúc cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2013 lũ lụt đã gây thiệt hại cho địa phương khoảng 274 tỷ đồng. Thủy điện xả làm lũ làm làng mạc bị bồi lấp, sạt lở nghiêm trọng, nhiều người dân mất nhà cửa và cả tài sản.
Ông Trúc đề nghị các thủy điện phải thông báo trước khi xả lũ từ 5-6 tiếng đồng hồ chứ thông báo trước 2 tiếng như hiện nay là quá gấp làm địa phương không thể trở tay kịp. Ông cũng yêu cầu các thủy điện xả cạn hồ trước mùa mưa để đón lũ và thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4A phải xây dựng hệ thống cảnh báo lũ.
“Các trường trên địa bàn do nước lên quá nhanh nên phải dẫn học sinh qua các đoạn ngập để về nhà. Trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà nước từ báo động 1 lên báo động 3 nên không trở tay kịp. Vì thế, đề nghị thông báo xả lũ sớm hơn”, ông Trúc nói.
Lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng đề nghị các thủy điện phải có nghĩa vụ, chính sách… đối với vùng hạ du bị thiệt hại nặng do thủy điện xả lũ gây ra. Đề nghị Chính phủ không cho xây dựng thêm thủy điện vì hiện nay đã quá phức tạp vì thủy điện xả lũ.
Còn ông Nguyễn Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam đề nghị điều chỉnh quy trình xả lũ hồ thủy điện vì hiện nay còn nhiều tồn tại, các hồ thủy điện vẫn còn do dự trong việc xả nước để dành dung tích phòng lũ nên dung tích phòng lũ nhỏ, gây khó khăn trong việc điều tiết lũ; thủy điện Đắk Mi 4 cắt lũ nhưng không dáng kể. Theo ông nên đầu tư thêm các trạm quan trắc, cảnh báo lũ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Trần Tuấn Anh - lại cho rằng, các thủy điện đã xả lũ đúng quy trình và đã có thông báo cụ thể. Quy trình vận hành hồ chứa đã được thực hiện nghiêm túc. Vấn đề nằm ở chỗ thông tin đến với người dân trước khi xả lũ chưa kịp thời. Vì vậy, các địa phương và chủ đầu tư cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nhằm giảm lũ.
Tỉnh đã huy động tổng lực cả hệ thống chính trị vào cuộc để đối phó với mưa lũ với tinh thần khẩn trương, kiên quyết, kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tuy nhiên do mưa lũ quá lớn, mực nước các sông lên nhanh và đột ngột nên đã gây thiệt hại nặng. Toàn tỉnh có 6 người chết và mất tích, hơn 77 ngàn ngôi nhà bị ngập lũ, nhiều công trình về giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 112 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 90 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh, sửa chữa trường học, trạm y tế bị hư hỏng do mưa lũ gây ra và hỗ trợ giống cây trồng các loại cho vụ sản xuất sắp tới; hỗ trợ tỉnh 2 tấn CloraminB xử lý giếng nước vùng ngập lũ để đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân và phòng ngừa dịch bệnh sau lụt bão.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng hồ thủy lợi, thủy điện khi đã đầy rồi thì phải xả nên phải coi vấn đề xả lũ là chuyện bình thường. Chỉ không bình thường ở chỗ đã có quy trình rồi nhưng các thủy điện xả sai quy trình.
“Nếu sai quy trình thì phải xử lý, còn nếu đã làm đúng quy trình rồi mà vẫn thiệt hại thì cần phải ngồi xem xét lại quy trình đó. Miền Trung mà không có hồ chứa thủy lợi, thủy điện thì không được đâu. Vấn đề là chúng ta phải quản lý có khoa học, giảm thiệt hại cho dân. Phải nghĩ cách nào đó tốt nhất để cắt được lũ nhiều hơn, nếu mình điều hành thủy điện tốt thì lợi nhiều, điều hành kém thì hại nhiều”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Nam cần quản lý chặt chẽ và bảo đảm an toàn các hồ chứa. Các chủ đầu tư phải tiếp tục rút kinh nghiệm trong việc vận hành hồ chứa.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những kiến nghị về nhà tránh lũ ở Quảng Nam. Sắp đến Chính phủ mở rộng chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ cho dân với 800 tỷ đồng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá lại công tác cảnh báo lũ và phải hoàn thiện hệ thống báo động lũ, thông tin thế nào phải nhanh, phải đầu tư nhà tránh lũ, đường cứu hộ cứu nạn… Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến việc đưa thông tin thế nào để đến người dân sớm, kịp thời mới hạn chế được những thiệt hại.
Công Bính