Không tán thành quy định buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can

(Dân trí) - Cho ý kiến về Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi, Ủy ban Tư pháp Quốc hội không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”.

Sáng 21/5, Quốc hội tiếp tục nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện báo cáo thẩm tra Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi. Đề cập đến điều 174, ông Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”.

Theo Ủy ban Tư pháp thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì.

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Còn việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can (khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ) hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau.

Vì vậy, để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.

Về thời hạn tạm giam, ông Hiện cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc dự thảo quy định rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc để quy định hợp lý thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp (như giết người, cướp tài sản; ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn) mà không thể cho bị can, bị cáo ở ngoài xã hội khi chưa kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, có ý kiến cho rằng phải sửa đổi quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam để hạn chế tạm giam, tránh lạm dụng trong thực tiễn. Theo đó đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo về các loại tội phạm.

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo về việc mở rộng chủ thể thu thập chứng cứ. Theo đó, người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật như quy định hiện hành.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị quy định rõ hơn cách thức thu thập chứng cứ của người bào chữa, trong đó lưu ý luật sư không được tiến hành các biện pháp điều tra như cơ quan điều tra vì trách nhiệm chứng minh của hai chủ thể này trong hoạt động tố tụng hình sự là khác nhau, cơ quan điều tra thực hiện quyền lực Nhà nước tiến hành các biện pháp điều tra khám phá vụ án còn luật sư thực hiện sự ủy quyền của người bị buộc tội thực hiện chức năng gỡ tội.

Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với việc dự thảo quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến”, nhưng không tán thành với việc quy định những người này không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” vì tạo ra nhận thức khác nhau và chưa nêu bật được mục đích, yêu cầu chống bức cung, dùng nhục hình.

Để tạo điều kiện cho người bị buộc tội tự bào chữa, bảo vệ chính mình và tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội.

Quang Phong