Bộ trưởng Công thương: Dưa hấu “thua trận” - cần trách cơ quan quản lý
(Dân trí) - “Việc ế thừa dưa hấu không thể trách người nông dân được. Có trách là trách các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó ngành công thương cũng có trách nhiệm” - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn đáp lại những “truy vấn” của báo giới bên hành lang Quốc hội.
Kinh tế quý I/2015 đã về đích với kết quả khả quan vượt cả mong đợi nhưng cũng chỉ mấy tháng đầu năm liên tiếp diễn ra cảnh nhiều loại nông sản lao đao vì tình trạng sản xuất cung vượt quá cầu, sản phẩm ế thừa, rớt giá. Những “trận thua” nối dài của dưa hấu, hành tím, thanh long… khiến Quốc hội, cử tri và cả xã hội đều bất an, phấp phỏng lo, ngay cả động thái hỗ trợ nông dân bán dưa tại Bộ Công thương cũng không thể là một giải pháp ổn thoả?
Tình trạng ùn ứ một số sản phẩm nông sản trên cửa khẩu như thời gian qua thực tế không phải bây giờ việc này mới xảy ra mà hiện tượng đó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, có thể khẳng định, tình trạng ế thừa, ách tắc tiêu thụ như vậy chỉ xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc quản lý quy hoạch rất lỏng lẻo.
Cụ thể với dưa hấu, theo tôi được biết, hiện chưa có quy hoạch về diện tích trồng dưa hấu trên cả nước. Mặt khác, dưa hấu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày nên ở khá nhiều địa phương, người dân tận dụng vụ màu giữa 2 mùa lúa để tranh thủ trồng dưa hấu nhằm tăng gia thêm. Việc sản xuất tự phát này không ai kiểm tra, không ai quy định, tính toán đưa vào đó vào quy hoạch được nên dẫn đến việc sản lượng dưa hấu tăng đột biến.
Như Bộ trưởng nói, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu đã tồn tại nhiều năm nay. Thực tế những hình ảnh, băng hình tư liệu ghi lại về những vụ dưa hấu cách đây cả chục năm cũng giống hệt cảnh tượng vừa diễn ra năm nay. Có thể nói là biết Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa mà chúng ta vẫn không tiết chế được việc trồng dưa?
Trước hết, cần phải nói rằng, chúng ta trồng dưa hấu vẫn nhằm tiêu thụ trong nước là chủ yếu. Theo thống kê, năm 2014, chúng ta có khoảng hơn 1 triệu tấn dưa hấu thì 700.000 tấn là tiêu thụ trong nước, còn lại mới bán sang Trung Quốc, chủ yếu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn (nhiều nhất là tại Tân Thanh). Tại cửa khẩu này, chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần và thấy không phải Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dưa hấu mà việc nhập dưa phải có các điều kiện khác.
Điều kiện đầu tiên là chất lượng, mẫu mã, kích cỡ sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn. Không ít trường hợp thương lái của ta thu mua dưa hấu trong dân mang lên đây không có hợp đồng trước, không chọn lọc kỹ càng, buộc phía nước bạn phải lọc bỏ khắt khe hơn. Sau nữa, khu vực tập kết xe tải chở hàng hóa làm các thủ tục thông quan ở cửa khẩu phía Trung Quốc có diện tích rất chật chội, chỉ chứa được khoảng 350-400 xe/ ngày. Song có những lúc có đến 1.000 xe tải chở dưa hấu kéo nhau đưa hàng lên, phía họ không có cách nào để giải quyết hết được nên dẫn đến ùn tắc bên phía Việt Nam.
Vấn đề này tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo lên Bộ Công thương từ vài năm trước rồi. Bộ chúng tôi cùng Bộ NN&PTNT đã có khuyến cáo đối với các địa phương trồng nhiều dưa hấu, nhất là các tỉnh miền Trung, đề nghị khi đưa dưa hấu lên biên giới cần liên hệ với Lạng Sơn và các cơ quan liên quan để có giải pháp điều tiết, kéo dài thời gian thông quan tránh tình trạng ách tắc ở khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng biết được thông tin đó.
Một lần nữa, dư luận lại đặt vấn đề vai trò của ngành thương mại, thị trường để tránh cho người nông dân những "trận thua", thiệt lại như này, thưa Bộ trưởng?
Thiệt hại chính khi nông sản ùn ứ tại cửa khẩu theo lý là thương lái phải chịu. Tuy nhiên, đúng là khi thương lái không tiêu thụ được hàng thì họ sẽ quay lại ép giá với bà con nông dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt. Đấy là một bài học kinh nghiệm.
Tôi nghĩ rằng với vấn đề này chỉ có một cách. Đầu tiên, chính quyền địa phương và các Bộ ngành liên quan phải làm tốt công tác thông tin cho người nông dân; phải vận động kết nối giữa người nông dân với thương lái, với các doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thương mại, siêu thị… Vì chúng ta hiện vẫn tiêu thụ dưa hấu trong nước là chính, nếu thị trường trong nước làm tốt thì chắc chắn đã không xảy ra vấn đề này.
Chung quy, dù là lo thị trường trong nước hay thị trường xuất khẩu, đó vẫn là trách nhiệm của Bộ Công thương?
Rất nhiều cơ quan tham gia trong quy trình này chứ không chỉ có ngành thương mại. Tuy nhiên, rõ ràng trong thời gian vừa qua, việc tiêu thụ sản phẩm đúng là còn khá nhiều vấn đề. Vấn đề hết sức quan trọng là phối hợp, hợp tác đồng bộ chặt chẽ giữa các khâu về quy hoạch, về định hướng sản xuất với người nông dân, tìm kiếm thị trường…
Chúng ta không thể trách người nông dân được vì người dân vốn dĩ phải bươn chải vì cuộc sống của mình, thấy việc gì có lợi theo ý nghĩ, phán đoán chủ quan là người ta làm thôi. Có trách là trách các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó ngành công thương cũng có trách nhiệm.
Mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị cần xem xét xem mình đã làm gì, tham mưu cho Chính phủ, cho Nhà nước thế nào, hướng dẫn cho người dân ra sao để càng ngày các biện pháp cơ quan quản lý đề ra càng có hiệu quả hơn.
Nhưng ở mặt khác, với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cũng rất mong người nông dân cần chủ động hơn, coi trọng những hướng dẫn, tư vấn của các cơ quan chức năng, đừng quá chạy theo mong muốn chủ quan của mình, chưa đảm bảo thành công.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
P.Thảo (ghi)