1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bấm nút cho điều luật chưa có hiệu lực đã phải sửa, tôi thấy có lỗi và xấu hổ”!

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội của TPHCM (địa bàn nhiều công nhân ngừng việc tập thể để phản ứng điều luật hạn chế quyền nhận bảo hiểm một lần dù luật vẫn chưa có hiệu lực thi hành) cùng đồng thanh nhận lỗi vì đã nể nang, biểu quyết thông qua quy định chưa thực tế, khả thi…

Tổ thảo luận của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM. 
Tổ thảo luận của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM. 

Phiên thảo luận về việc sửa Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tại đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM “căng” về thời lượng và “nặng” vì tâm tư. Các đại biểu TPHCM có hướng nhìn nhận, đánh giá khác nhiều so với không khí chung – nhấn mạnh tính đúng đắn, nhân văn của điều luật, đồng ý sửa vì tôn trọng nguyện vọng của nhiều người lao động chứ không phải vì việc làm luật chưa thấu đáo, sửa nhưng phải gắn với lộ trình tiến tới thực hiện quy định.

Đại biểu Trần Thanh Hải (Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) bác bỏ hướng phân tích cho rằng quy định mới gặp phản ứng vì tuyên truyền chưa tốt nên người lao động không hiểu được ý nghĩa của việc thụ hưởng lâu dài khi đóng bảo hiểm đủ 20 năm để được nhận lương hưu khi hết tuổi làm việc.

Theo ông Hải, báo cáo đề xuất sửa điều luật chưa có hiệu lực thi hành của Chính phủ chưa nêu đủ hết các lý do khiến người lao động phản ứng. Thực tế là có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động ngắn hạn nên rất đông người lao động mong muốn làm việc lâu dài nhưng rất khó. Chính sách tiền lương hưu cho người lao động hiện cũng quá thấp, chưa trở thành động lực để cố đóng bảo hiểm để mấy chục năm sau cũng chỉ nhận được khoản tiền không đủ sống mỗi tháng.

Đồng ý với phân tích này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND thành phố) thông tin, khi tiếp xúc cử tri, cử tri đặt vấn đề vì sao một số điều luật và luật tính khả thi không cao, dễ gặp phản ứng. Theo bà Tâm, đó là ý kiến rất đáng nghe.

Theo bà Tâm, nói lý do người lao động phản ứng do công tác tuyên truyền chưa tốt, công đoàn chưa vận động công nhân kịp thời… chỉ là một phần nhỏ. Cơ bản là làm sao tuyên truyền được khi người lao động không thể sống với đồng lương hưu nhận được khi nghỉ làm.

“Sao mà thuyết phục được khi cơ chế chính sách không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nếu nói do tuyên truyền vận động thì người công nhân nghe thấy họ càng buồn hơn, thể hiện đánh giá hiểu biết của công nhân chưa đúng. Điều luật không khả thi là do chưa hiểu đời sống công nhân quá khó khan” – bà Tâm nhấn mạnh, bản chất vấn đề là chính sách không tốt, không nên “đổ lỗi” cho tuyên truyền.

Nữ Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị xem lại cách làm luật hiện nay. Bà Tâm cho rằng cần xem lại cách lấy ý kiến trong xây dựng luật xem tính phổ quát và thực chất của việc lắng nghe dân đã tốt chưa, cách lấy ý kiến, đưa ra để lắng nghe người bị tác động có sâu sát, có thực sự muốn nghe hay không, nghe rồi, ghi nhận ý kiến nhưng tiếp thu cầu thị đã tốt chưa.

Đại biểu Võ Thị Dung tâm tư: “Khi công nhân phản ứng về điều luật này, bản thân tôi là một đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua điều luật cũng cảm thấy có lỗi và xấu hổ. Bên cạnh việc sửa đổi thì Quốc hội cũng cần có một lời xin lỗi với người dân để thể hiện sự cầu thị, thực tâm trong việc sửa đổi, chứ không phải chỉ sửa là xong”.

Cũng thẳng thắn nhận lỗi, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ: “Làm luật như vậy tôi thấy buồn, với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng”.

P.Thảo