1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quốc hội góp ý xây dựng Bộ luật Thi hành án:

Không nên xã hội hoá công tác thi hành án

(Dân trí) - Hôm qua 9/11, Dự luật Thi hành án được các đại biếu “mổ xẻ” trước Quốc hội. Cụm từ “xã hội hóa công tác thi hành án” đã khiến không ít đại biểu lúng túng. Đa số các đại biểu đề nghị cần phải tổng kết công tác thi hành án để có cái nhìn thực tiễn, toàn cảnh, từ đó những đóng góp xây dựng Bộ luật mới mang tính khả thi cao.

Cần có tổng kết công tác thi hành án

 

Do có quá nhiều ý kiến khác nhau đóng góp cho dự án Luật Thi hành án (THA), nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ phải có tổng kết một cách toàn diện công tác thi hành án trong thời gian qua, qua đó, để các đại biểu có thông tin, đóng góp ý kiến được tốt hơn:

 

“Dự án được xây dựng chưa dựa trên sự tổng kết công tác thi hành án. Chính vì vậy, nhiều qui định trong dự án thấy khó có tính khả thi. Tôi đề nghị nên tiếp tục xây dựng luật nhưng đồng thời phải có tổng kết một cách khách quan công tác thi hành án”, đại biểu Trương Hòa Bình (TPHCM) đề xuất. Ông cũng nhấn mạnh: “Tổng kết nhưng phải tổng kết khách quan, tổng kết sâu sắc sau đó rồi mới tính”.

 

Hầu như đồng loạt các ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu ngày hôm qua đều đề nghị phải có sự tổng kết công tác thi hành án, tìm ra những điều đã làm được và chưa làm được. Đại biểu Lê Xuân Thân, tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Phải có tổng kết công tác THA, trong dự án hiện nay, về lý lẽ chưa rõ ràng, chưa thuyết phục. Để xây dựng một bộ luật lớn như luật thi hành án, tôi quan tâm đến kết quả  thi hành án trong thời gian vừa qua như thế nào, để từ đó thấy được cái yếu, cái chưa được”.

 

Theo báo cáo của Ban soạn thảo mới chỉ có thi hành án dân sự được Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết từ năm 1993 đến nay. Thi hành án phạt tù thì Bộ Công an tổ chức tổng kết, còn các công tác thi hành án khác về án treo, cải tạo không giam giữ, về quản chế, phạt tiền v.v... vẫn chưa được tổng kết vì rất khó khăn và vì… không có cơ quan nào tổng kết…

 

Việc có nên ra một Bộ luật quy định chung về tất cả các loại hình thi hành án như dân sự, hình sự, hành chính hay ra 3 luật đơn hành về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và thi hành án hành chính cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Lê Văn Thành - Tỉnh Hưng Yên phân tích: “Việc này không quan trọng, vấn đề là chúng ta thực hiện quét ngang hay quét dọc mà thôi. Nếu như thực hiện quét ngang thì làm một Bộ luật thi hành án chung nhưng trong đó cũng phải rành mạch ra từng luật. Còn nếu bổ dọc ra thì có Luật hình sự, Luật dân sự, hành chính, có gì khác nhau đâu. Chẳng qua chúng ta muốn mở một quyển sách hay 3 quyển sách mà thôi”.

 

Cảnh sát tư pháp, có nên câu nệ là lực lượng vũ trang?

 

Đại biểu Phan Anh Minh, TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi như vậy khi có nhiều ý kiến băn khoăn vể tổ chức bộ máy của lực lượng cảnh sát tư pháp. Ông Minh cho rằng, ở nhiều nước, có những cơ quan được trang bị vũ khí nhưng không phải là lực lượng vũ trang.

 

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Phan Trung Lý, tỉnh Nghệ An cho rằng nên để lực lượng Cảnh sát Tư pháp không phải là lực lượng vũ trang. Tuy nhiên chế độ và trang thiết bị có thể hiện đại, tinh nhuệ. “Chúng tôi thấy đây là hướng đúng, tức là chúng ta dân sự hoá dần dần các hoạt động trong lực lượng vũ trang”, đại biểu Lý phân tích.

 

Vấn đề cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của lực lượng cảnh sát tư pháp được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Đại biểu Trần Thế Vượng - Tỉnh Hải Dương cho rằng bản chất của cảnh sát tư pháp là gì vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và kỹ lưỡng. Ông nói: “Hiện nay chúng ta mới chỉ sơ bộ nói cảnh sát tư pháp là để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, hỗ trợ tư pháp v.v..... nên trên thực tế chúng ta chưa có cảnh sát tư pháp, ở Bộ Công an mới có Cục cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp chứ thực tiễn vẫn chưa có”.

 

Xã hội hóa công tác thi hành án là cụm từ khá mới mẻ được đưa vào bộ luật thi hành án. Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan, TP Đà Nẵng đề nghị: “Đây là vấn đề mới cần phải thận trọng, chỉ nên xã hội hoá hình thức hình phạt tù không giam giữ, nhằm huy động sức mạnh cả cộng đồng, tổ chức chính trị, xã hội nhằm giúp đỡ động viên giáo dục đối tượng chấp hành tốt bản án, tránh tái phạm”.

 

Còn đại biểu Phan Anh Minh, TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, hình như chúng ta đang lẫn lộn về khẩu hiệu xã hội hóa. Ông đề nghị: “Không nên xã hội hóa THA mà chỉ nên dừng lại ở mức xã hội hóa việc hỗ trợ thi hành án”, ông lập luận: “Tòa án nhân danh Nhà nước tuyên án, nhưng lại xã hội hóa việc THA. Việc dùng từ xã hội hóa ở đây là không ổn”.

 

Dự án Luật Thi hành án tiếp tục được bàn luận vào sáng nay (10/11), tại hội trường Ba Đình.

                                                                                               

Đức Hoà - Hồng Hạnh