1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên biển Việt Nam:

Không để một tấc biển của ông cha bị xâm lấn!

“Với lực lượng kiểm ngư đang hoạt động trên biển, đây là giai đoạn thử thách. Những vụ việc vừa rồi cho thấy anh em rất kiên cường, không để một “tấc biển” của ông cha ta để lại bị xâm lấn, xứng đáng với niềm tin của toàn dân trao cho”…

...Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) nói.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT).
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT).

Kiên quyết bám giữ

Trao đổi với Tiền Phong ngày 8/5, ông Trung cho biết: Sau khi có sự va chạm với tàu Trung Quốc, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục phối hợp với Cảnh sát biển bám trụ ở hiện trường, kiên quyết với các hành động trái phép của phía Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Tàu kiểm ngư Việt Nam bị đâm có bị hư hỏng nặng không, và tới đây chúng ta có bổ sung lực lượng này ra nơi Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép?

Vừa rồi, có 8 tàu kiểm ngư va chạm với phía Trung Quốc đã hư hỏng nhất định. Quá trình bị tàu Trung Quốc húc, đâm va, tàu kiểm ngư của ta chủ yếu bị méo móp lan can, thành vách, cửa kính vỡ, một số tàu bị rách phần tôn. Đây cũng chỉ là hỏng hóc nhẹ.

Tuy nhiên, phần tốn kém, khắc phục khó là trang thiết bị điện tử hiện đại trên tàu bị vòi rồng nước mặn của tàu Trung Quốc phun vào, gây hư hại. Số tàu kiểm ngư đang tham gia vụ việc trên là 12 chiếc. Tuy nhiên, tùy tình hình có thể tăng thêm tàu để bổ sung lực lượng.

Thưa ông, với cán bộ, kiểm ngư viên tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển, khi gặp những sự cố như vừa rồi mà bị thương, thậm chí có thể hy sinh, chúng ta có chính sách gì hỗ trợ?

Bà con ngư dân hãy yên tâm, vẫn ra khơi đánh bắt bình thường đối với các ngư trường, chứ không riêng ngư trường Hoàng Sa.

Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam Nguyễn Văn Trung

Với anh em kiểm ngư, hay thuyền viên đồng kiểm ngư hoạt động trên biển, nếu bị thương, hy sinh sẽ được hưởng các chế độ theo quy định theo Pháp lệnh ưu đãi cho người có công. Với lực lượng kiểm ngư đang hoạt động trên biển, đây là giai đoạn thử thách. Những vụ việc vừa rồi, cho thấy anh em cũng rất kiên cường, không để một tấc biển của ông cha ta để lại bị xâm lấn, xứng đáng với niềm tin của toàn dân trao cho.

 Thời gian tới, cần đề xuất thêm chính sách tốt hơn, để anh em kiểm ngư yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sự có mặt, công sức, hy sinh gian khổ của anh em cũng được cả nước ghi nhận, cũng như dư luận quốc tế ủng hộ. Vì vậy, lực lượng kiểm ngư cũng yên tâm, một mặt vì lợi ích chung của đất nước, mặt khác, phía sau chúng tôi, còn có cả toàn dân hỗ trợ, chứ chúng tôi không đơn độc.

Luôn sát cánh cùng ngư dân

Thưa ông, sau những va chạm với tàu Trung Quốc, nơi họ đặt giàn khoan trái phép, việc đi lại, đánh bắt của ngư dân ta gặp những khó khăn gì trên ngư trường của mình?

Bà con ngư dân hãy yên tâm, vẫn ra khơi đánh bắt bình thường đối với các ngư trường, chứ không riêng ngư trường Hoàng Sa. Chỉ có một trở ngại là, ngư dân ở khu vực đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa phải đi qua khu vực nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.

 Nếu ngư dân đi tiếp cận trực tiếp vào đó sẽ khó khăn, vì tàu ngư dân nhỏ, trong khi các tàu xuất hiện ở khu vực này đều công suất lớn cả. Tuy nhiên, ngư dân có thể mất một vài tiếng đi vòng qua, khiến chi phí tăng lên. Thời gian này, biển đang êm, thuận lợi về thời tiết, bà con cần đẩy mạnh đánh bắt.

Lực lượng kiểm ngư đang có kế hoạch gì để tiếp tục sát cánh, bảo vệ ngư dân những vùng trọng điểm?

Lực lượng kiểm ngư luôn hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển. Sự có mặt ngư dân cũng như lực lượng kiểm ngư trên các ngư trường khác, là điều cần thiết và chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để đủ số lượng tàu dàn hết các vùng biển là khó, nhưng sẽ bố trí lực lượng các vùng trọng điểm, ngư trường truyền thống của ngư dân.

Thực tế, chúng tôi cũng có kế hoạch, những ngư trường trọng điểm, nơi thường xảy tranh chấp, đều bố trí lực lượng ở đó để quan sát, cũng là chỗ dựa cho ngư dân yên tâm. Trong trường hợp sự cố, tàu hỏng hóc, ngư dân bị ốm đau, hay những lúc bị tàu nước ngoài cản phá, gây rối, lực lượng kiểm ngư sẵn sàng hỗ trợ.  

Ngoài ra, hiện Bộ NN&PTNT chuẩn bị trình Chính phủ nghị định về chính sách hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển, giúp ngư dân đẩy mạnh sản xuất, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền của ta trên biển.

Theo Phạm Anh

Tiền Phong