1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Việt Nam cần cứng rắn nếu Trung Quốc lấn tới"

(Dân trí) - Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng khẳng định: "Việt Nam đủ sức mạnh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Với dân tộc Việt Nam, chủ quyền quốc gia là tối thượng, không ai có quyền xâm phạm"

"Sự kiện HD981 đã được Trung Quốc chuẩn bị lâu dài"

Ông nhận định như thế nào về hành động Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD – 981 vào vùng thềm lục địa Việt Nam và dùng hàng chục máy bay, tàu của nước này uy hiếp lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam?

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt tại tọa độ 15'29 độ vĩ bắc 111'12 độ kinh đông là nằm hoàn toàn trong vùng biển Hoàng Sa, trong phạm vi quản lý của chính quyền huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng. Hành vi này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng DOC, UNCLOS 1982 và thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước về giải quyết các vấn đề trên biển.

Rõ ràng, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có những hành động gây hấn, khiêu khích chúng ta. Nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tiến hành khoan dầu tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Hành động này theo tôi không chỉ nhằm mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên mà mang tính thăm dò nhiều hơn. Một khi Trung Quốc đã cắm giàn khoan xuống biển, thì sẽ có bước tiếp theo, tịnh tiến dần và hợp thức hóa việc chiếm đóng như một cột mốc mới của Trung Quốc.

Sự việc lần này thể hiện sự tính toán, chuẩn bị lâu dài của phía Trung Quốc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Việt Nam cần cứng rắn nếu Trung Quốc lấn tới
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: "Với dân tộc Việt Nam, chủ quyền quốc gia là tối thượng"

Nhiều chuyên gia nhận định, HD 981 đang được Trung Quốc sử dụng như một lãnh thổ quốc gia di động để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó siết chặt gọng kìm khống chế tại Biển Đông, ông nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, đó là một khả năng mà chúng ta không thể loại trừ. Với hành động này, rõ ràng Trung Quốc muốn thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông, tranh giành lợi ích sống còn của các nước trong khu vực về kinh tế, dầu khí. Đặc biệt, đây là một bước mới trong việc hiện thực hóa yêu sách vô lý đường lưỡi bò của Trung Quốc, trong tiến trình tham vọng trở thành bá chủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua hành động này, Trung Quốc một lần nữa muốn ngầm khẳng định chủ quyền biển đảo mà nước này gọi là Tây Sa.

Theo tôi, hành động của Trung Quốc còn tiến triển và không chỉ dừng lại ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa mà mở rộng ra cả khu vực đường lưỡi bò mà phía Trung Quốc tự nhận là của mình. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.

Hành động gây hấn liên tục tái diễn...

Trong thời gian ông còn giữ cương vị là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, những hành động khiêu khích, gây hấn của phía Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông diễn ra như thế nào và ứng xử của chúng ta ra sao, thưa ông?

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có những hành động khiêu khích, gây hấn với phía Việt Nam mà nó đã diễn ra cả một quá trình, trong một thời gian dài. Trong thời gian tôi giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng từ năm 1998 đến khi hết nhiệm kỳ, Trung Quốc liên tục có những hành động như: cắt cáp thăm dò của tàu ta trên Biển Đông, bắt tàu cá, xua đuổi thậm chí bắn cháy tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam...

Tuy nhiên, về phía ta, chúng ta luôn kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đàm phán hòa bình mà không dùng đến quân sự để giải quyết mâu thuẫn. Sử dụng các con đường ngoại giao, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, thực hiện đúng các cam kết, công ước, luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, những hành động gây hấn này chỉ yên lặng được một thời gian và sau đó lại tiếp tục tái diễn.

Vậy theo ông, hành động khiêu khích này của Trung Quốc có ảnh hưởng và đe dọa như thế nào đến việc duy trì hòa bình cũng như ổn định trong khu vực?

Việc đưa giàn khoan Hd 981 ra Biển Đông theo tôi chính là hành động thăm dò để từ đó thực hiện ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Động thái này chắc chắn sẽ gây ra sự bất ổn trong khu vực, ảnh hưởng và đe dọa xấu đến nhiều nước, nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ gây ra làn sóng phẫn nộ, lên án mạnh mẽ của dư luận thế giới. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì thực hiện tham vọng bá chủ biển Đông của mình.

Việt Nam đủ sức mạnh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

Xét về chính sách đối ngoại, cái giá mà Trung Quốc sẽ phải trả cho những hành động khiêu khích ở Biển Đông này là gì, thưa ông?

Hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn về cách ứng xử các các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã đặt bút ký, điều này cũng trái với tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà chính Trung Quốc đã tham gia.

Việc làm này làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc cũng thể hiện sự bất chấp, ngang ngược và coi thường luật pháp quốc tế. Dư luận cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam còn là một sự thách thức đối với “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” mà tất cả các nước thành viên đã cam kết hồi cuối năm 2012.

Chắc chắn với cách hành xử này, Trung Quốc sẽ khó có được sự tin cậy trong vấn đề ngoại giao giữa các nước láng giềng và trong khu vực. Hình ảnh về một quốc gia thân thiện, yêu chuộng hòa bình mà Trung Quốc vẫn tự khẳng định cũng sẽ vì đó mà lung lay.

Trước những hành động ngang nhiên và thách thức của Trung Quốc tại Biển Đông, theo ông Việt Nam cần có những động thái như thế nào để giữ vững biên cương Tổ quốc?

Từ trước đến nay, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. Tuy nhiên, sự việc tới lúc này là cực kỳ nghiêm trọng, không những Trung Quốc đã đặt giàn khoan mà còn đưa cả lực lượng hải quân áp sát bờ biển của chúng ta, nếu Việt Nam không có những hành động quyết liệt hơn nữa thì không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới.

Nếu Trung Quốc vẫn cố tình vi phạm các công ước quốc tế, xâm phạm lãnh thổ trái phép, Việt Nam cần phải thể hiện thái độ cứng rắn, kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc, tòa án quốc tế. Đồng thời Việt Nam cần có những động thái ở cấp cao hơn, tương đương với Trung Quốc, đó là Chính phủ Việt Nam. Các hành động này có thể qua nhiều kênh khác nhau như đường dây nóng, công hàm trực tiếp đến Bắc Kinh.

Đặc biệt, chúng ta cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Phải làm sao để nhân dân thế giới hiểu rõ quan điểm của Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình, tôn trọng vấn đề chủ quyền, thực hiện đúng các công ước quốc tế. Dù Việt Nam có yếu hơn các nước trong khu vực và Trung Quốc nhưng bất cứ quốc gia nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, chúng ta đều sẵn sàng huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Mà cụ thể theo tôi ở đây, là huy động sức mạnh trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, quốc phòng, an ninh, kinh tế, ngoại giao…

Trước mắt, chúng ta cần tăng cường sức mạnh biển đảo, hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên biển bằng các lực lượng của Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển; tăng cường hoạt động của dân quân tự vệ trên biển và tăng cường sức mạnh chiến đấu của các đảo trên biển. Với dân tộc Việt Nam, chủ quyền quốc gia là tối thượng. Không ai có quyền xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng, Việt Nam chúng ta đủ sức để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Hà Trang