“Không biết bao giờ mới kê khai được tài sản của người có chức quyền”
(Dân trí) - TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) băn khoăn: “Nếu thời điểm này chúng ta không thực hiện kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn thì không biết bao giờ chúng ta mới làm được việc này ?”.
Tâm tư trên được TS. Nguyễn Tuấn Khanh đưa ra tại buổi tập huấn kỹ năng viết tin bài về pháp luật phòng chống tham nhũng do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức sáng ngày 20/8.
“Tài sản của ông bà, cha mẹ để lại, thừa kế cho con cháu ở Việt Nam rất khác so với các nước trên thế giới. Chính vì văn hóa khác nhau như thế nên việc chúng ta quản lý tài sản kê khai cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu bây giờ chúng ta không kê khai tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn thì sẽ không biết tới bao giờ chúng ta mới làm được điều này. Tôi vừa đi công tác ở Lào về, toàn bộ cán bộ công chức ở bên đó bất kể cấp cao hay cấp thấp đều phải kê khai hết”- TS. Nguyễn Tuấn Khanh bày tỏ.
TS. Khanh cho biết các quy định của pháp luật về kê khai tài sản đã có sự thay đổi nhanh chóng từ khi Luật phòng chống tham nhũng năm 2005. Kê khai tài sản được xác định là một trong những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng có hiệu quả. Tuy nhiên tham nhũng ở Việt Nam hiện nay xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.
“Bạn bè quốc tế nói hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng của Việt Nam khá đầy đủ, rõ ràng rồi và chỉ cần bổ sung thêm một chút nữa thì sẽ hay hơn. Và hiện nay chúng tôi đang xây dựng quy định bổ sung “chút nữa” đó”- ông Khanh nói.
Một vấn đề khác trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, theo ông Khanh, dư luận đang khá nhức nhối là việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp. “Đây là chuyện không hề dễ dàng với nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Vừa rồi có vụ tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài nổi đình nổi đám lên mà báo chí đã viết chi tiết rồi (vụ Giang Kim Đạt, nguyên Quyền trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinlines - PV), tới đây thu hồi cũng không hề dễ dàng đâu”- ông Khanh nói.
Ông Khanh đưa ra một ví dụ: “Tôi tham nhũng, rồi cho cô bồ tiền xây một cái nhà. Tiền xây cái nhà đó thì có khi cô bồ dùng cả tiền của tôi, cả tiền bố mẹ, người thân cô ấy cho thì sẽ thu hồi cái nhà ấy thế nào cho đúng? Đó là những vấn đề lớn về thu hồi tài sản tham nhũng đang được đặt ra và phải giải quyết”.
Trước đó, Dân trí phản ánh, báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2015 của Thanh tra Chính phủ cho biết đến ngày 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ; kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai; 317.167 (đạt 32,4%) bản đã được công khai theo hình thức niêm yết; 662.129 (đạt 67,6%) bản đã công khai theo hình thức công bố.
Tuy nhiên trong tổng số 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập thì các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Thanh tra Chính phủ cho biết trong 6 tháng qua có 3 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 3 người: cách chức 1 người, cảnh cáo 1 người và khiển trách 1 người.
Thế Kha