1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khẩn cấp đối phó với bão số 5

(Dân trí) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ, trưa nay bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền thuộc khu vực từ Quảng Bình - Hà Tĩnh, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền.

Hàng nghìn tàu cá đã về nơi trú ẩn an toàn

Nguồn tin từ Bộ Thuỷ sản cho biết: Qua hệ thống máy thông tin tìm kiếm cứu nạn của đơn vị và phối hợp với các gia đình, các chủ tàu liên tục thông báo đã gọi được 15.016 phương tiện (77.941 ngư dân), phối hợp với chính quyền các địa phương bố trí sắp xếp cho 10.126 phương tiện neo đậu tại các bến an toàn. 

Hiện tại, các đơn vị từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ, cấm không cho các phương tiện ra biển hoạt động. Riêng biên phòng Thanh Hoá đã ngăn chặn không cho 859 phương tiện (1.459 người) ra biển hoạt động; bắn pháo hiệu tại 17 điểm thuộc các đồn, trạm kiểm soát biên phòng ven biển, trên đảo từ Thanh Hoá đến Bình Định.

Tình hình tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các địa phương như sau: 

Theo thông báo của Biên phòng Việt Nam, Trung Quốc vừa có công điện đề nghị Việt Nam cho phép 10 tàu thuyền đánh cá của ngư dân nước này đi đánh cá ngoài khơi không về kịp do bão số 5 vào trú ẩn ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).

Đà Nẵng, tổng số tàu thuyền đã về neo đậu an toàn là 944 chiếc; hiện còn 94 tàu (1.454 người) chưa vào bờ, các tàu này đã di chuyển vào các điểm trú ẩn đảo Bông Bay (Hoàng Sa), đảo Song Tử (Trường Sa), Quy Nhơn, Khánh Hoà.

Quảng Trị hiện còn 4 chiếc tàu loại 45CV với 20 người do sóng biển Cồn Cỏ lớn lên tàu không vào bờ được, đang neo buộc để chống bão trong an tàu; 3 tàu cá đang trú bão tại cảng cá Bạch Long Vĩ. Bên cạnh đó còn có các tàu cá của tỉnh khác trú tại Quảng Trị: 58 cái, trong đó trú tại Cửa Tùng và Cửa Việt 51 cái (419 người), trú tại Cồn Cỏ 7 chiếc (35người).

Hà Tĩnh có 720 tàu thuyền và 4.352 người đã vào nơi trú ẩn. Hiện còn 2 tàu (15 lao động) làm nghề câu đang hoạt động ở khu vực biển Bạch Long Vĩ (đã nhận được thông tin về cơn bão số 5 và về nơi trú ẩn).

Nghệ An: 3.763 chiếc tàu thuyền đã về bến còn 237 chiếc chưa về bến, trong đó có 215 chiếc đã nhận được thông tin và trên đường về bến; 22 chiếc chưa nắm được thông tin. Sở Thuỷ sản Nghệ An đang tiếp tục phối hợp với lực lượng biên phòng để thông tin và đưa về nơi trú đậu an toàn.

Còn tại Quảng Bình Thừa Thiên Huế, cho đến thời điểm này, toàn bộ số tàu thuyền của hai địa phương đã các nơi trú đậu an toàn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 5, sáng 9h30 sáng nay, Ban chỉ đạo PCLB TW đã có Công điện khẩn số 47 CĐ/PCLBTW gửi các ban ngành liên quan đề nghị theo dõi chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi cần thiết; Tổ chức lực lượng canh gác tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua sông, suối và những nơi nước chảy xiết, vùng cửa sông có sóng lớn để hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; Sẵn sàng di dời dân tại các nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét và các vùng trũng, thấp và ngập úng; Có biện pháp bảo vệ diện tích lúa mùa và cây vụ đông vừa xuống giống… 

Hà Tĩnh gấp rút đối phó với bão

Do ảnh hưởng của bão số 5 nên lượng mưa ở Hà Tĩnh đã tăng đột biến trong chiều qua. Thực hiện công điện khẩn của Chính phủ, sáng nay, 11 huyện, thị ở Hà Tĩnh đã triển khai nhanh các biện pháp đối phó với bão.

Tại cuộc họp khẩn sáng nay, ông Lê Văn Chất - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh đã yêu cầu các địa phương triển khai ngay các phương án để kịp thời hộ đê; di dời những hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của lũ quét sạt lở đất...

Theo ông Chất, tỉnh cũng đã triển khai các phương án bảo vệ hồ đập, đặc biệt là các hồ chứa nước như Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn; phương án hộ đê La Giang. Chỉ đạo chung của tỉnh là không để xảy ra thiệt hại về người.

Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh tính đến thời điểm này cho biết, số tàu thuyền đánh cá do tỉnh quản lý gồm 720 tàu thuyền (ra khơi) với 4.352 người đã vào nơi trú ẩn. Hiện Hà Tĩnh còn tàu HT 1065 do ông Nguyễn Trọng Thìn gồm 6 thuyền viên (Thạch Kim - Thạch Hà) chưa có liên lạc với đất liền.

Huyện Nghi Xuân là một trong những vị trí trọng yếu nhất mà cơn bão này có thể đổ bộ vào. Ngay từ sáng, lãnh đạo huyện cùng các ban ngành đã xuống tận địa bàn các xã có đê biển Hội Thống đi qua. Ông Hoàng Đình Hà - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: "Bên cạnh việc triển khai công tác chỉ đạo, Nghi Xuân đã huy động 8.400 m2 vải bạt, 3.000 bao tải, 200 m3 đá, 200 rọ thép... để giúp các địa phương ứng cứu đê biển.

Cho đến thời điểm này các xã Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội đã gần như hoàn thành công tác triển khai việc ứng cứu đê biển. Toàn huyện sẽ di dời khoảng 4.000 hộ dân ở vùng thấp và vùng ảnh hưởng của triều cường.

Ông Phan Trọng Tân - Bí thư xã Xuân Đan cho biết, "Phần đê biển đi qua xã Xuân Đan (1,7 km) đang được triển khai xây dựng do ảnh hưởng của 3 cơn bão năm 2005 là phần đáng lo nhất của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu với mức gió giật độ cấp 8 và triều cường bình thường thì vẫn có thể chịu đựng được". Ông Tân cho biết thêm, toàn xã có 700 hộ dân với 2.600 nhân khẩu. Để tránh thiệt hại người và của, xã đã triển khai các phương án di dời dân.

Huyện Cẩm Xuyên đã di dời 12 hộ dân gồm 60 người tại vùng Cồn Gò (xã Cẩm Nhượng).

Các huyện Thạch Hà, Kỳ Anh cũng đã chủ động các phương án di dời dân ở các vùng Cửa Sót, Cửa Khẩu - các địa bàn xung yếu có khả năng ngập lụt và triều cường.

Tại các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang - những địa phương có khả năng bị lũ quét, sạt lở đất, tỉnh cũng đã chỉ đạo dời dân đối phó, tránh thiệt hại về người.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ, trưa nay bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền thuộc khu vực từ Quảng Bình - Hà Tĩnh, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Thanh Hóa và phía nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

 

Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An sáng và trưa nay có gió bão mạnh 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật trên cấp 8. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lốc xoáy, lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh nước dâng do bão kết hợp với thủy triều có khả năng cao từ 2,0 - 2,5 mét. 

 

Hồi 10 giờ sáng nay (25/9), vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 106,7 độ kinh đông, trên vùng biển Quảng Bình - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An.

* Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật về tình hình bão lũ tại miền Trung.

Nhóm PV

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 2006