Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5
(Dân trí) - Trưa 24/9, <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/9/142817.vip"> áp thấp nhiệt đới</a> đã mạnh lên thành cơn bão số 5. Từ đêm nay, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Hà Tĩnh gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật trên cấp 7.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Thanh Hóa (bao gồm cả vùng biển phía nam Vịnh Bắc Bộ) có gió xoáy mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lốc xoáy, lũ quét và sạt lở đất.
Hồi 13 giờ chiều 24/9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Hà Tĩnh khoảng 320 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.
Nghệ An: Hơn 3 ngàn tàu thuyền đã cập bến an toàn
Trao đổi với Dân trí lúc 20 giờ tối 24/9, ông Hà Huy Thông - Chi cục trưởng Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh có hơn 4 ngàn tàu tàu thuyền đành bắt xa bờ. Hiện đã có hơn 3 ngàn tàu thuyền đã cập bến an toàn, còn khoảng 1 ngàn chiếc đang ở ngoài khơi.
Ông Thông cho biết thêm: Hiện Nghệ An có hơn 450km đê các loại. Hầu hết những đê này được thiết kế có khả năng “chọi” được với bão cấp 9 nên đối với cơn bão số 5 (chỉ mạnh cấp 8, giật cấp 8) thì không hề hấn gì. Tuy nhiên những đê trên đều rơi vào khu vực các huyện ven biển như Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Cửa Lò… - đây là những huyện mà hàng năm có sự thiệt hại về người và của sau bão lớn nhất. Mặt khác, đây là những đê có “cấu tạo” chủ yếu là đất cát nên khả năng bị sóng nước đánh bay là rất lớn…
Một thông tin nữa khiến nhiều người lo lắng cho tính mạng của hàng trăm hộ dân rơi vào vùng “cực kỳ nguy hiểm” cần phải di dời, sơ tán là đến thời điểm này Nghệ An vẫn chưa có phương án di dời dân.
Tuy nhiên, đến 5 giờ chiều 24/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn gửi các ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, huyện ven biển chỉ đạo phương án chuẩn bị chống bão số 5. Theo đó thì các huyện nhanh chóng triển khai công tác kiểm tra hệ thống đê điều. Trong đó chủ yếu là các cống tiêu, chủ động tiêu nước ngay từ ban đầu… |
Hiền Linh - Đặng Nguyên Nghĩa