1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Khai mạc Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV

(Dân trí) - Sáng nay 29/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2010 - 2015. Về dự ĐH có hơn 600 đại biểu xuất sắc đại diện cho hơn 7,5 triệu hội viên khuyến học trong cả nước.

Khai mạc Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV - 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đến dự Đại hội

Tới dự và chỉ đạo Đại hội còn có sự hiện diện của ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông  Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo…

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, 14 năm xây dựng và phát triển, 14 năm phấn đấu không mệt mỏi với tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, Hội đã thực sự trở thành một tổ chức xã hội đặc thù, một tổ chức quần chúng sâu rộng có mặt tại 100% tỉnh, thành, huyện, thị, xã, phường và nhanh chóng lan tỏa xuống tận thôn, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... với hơn 200.000 chi hội và hàng nghìn cụm dân cư khuyến học. Tổng số hội viên hiện lên tới hơn 7,5 triệu người; 3,5 triệu gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học, khoảng 4 vạn dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học” và hàng vạn cụm dân cư khuyến học được xây dựng.
 
Đặc biệt, Hội đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng được hơn 9.600 Trung tâm Học tập cộng đồng, chiếm hơn 90% tổng số xã, phường trong cả nước - một thiết chế giáo dục cộng đồng, cơ sở học tập thường xuyên ngoài xã hội cho người lớn.
 
Khai mạc Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV - 2
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại lễ khai mạc
 
Những năm qua, Hội đã xây dựng và phát triển Quỹ khuyến học, tranh thủ sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, các doanh nhân, các đoàn thể, các tổ chức và lực lượng xã hội, các đơn vị lực lượng, vũ trang... mỗi năm cấp học bổng cho 2-2,5 triệu lượt học sinh nghèo.
 
Ngoài việc hỗ trợ bằng tiền, nhiều nhà hảo tâm còn ủng hộ bằng hiện vật, đặc biệt là đã hiến hàng ngàn mét vuông đất xây trường mầm non, trường nội trú, trường bán trú dân nuôi, trường phổ thông, tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện tổng số tiền trong các loại quỹ khuyến học, tính đến đầu năm 2010, có trên dưới 684,908 tỷ đồng Việt Nam.
 
Khai mạc Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV - 3
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội Khuyến học Việt Nam
 
Gắn khuyến học với khuyến tài, 5 năm qua Hội đã tổ chức cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã tổ chức đánh giá và trao giải thưởng cho những cá nhân và tập thể có những sáng tạo trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất và phục vụ đời sống.
 
Khai mạc Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV - 4
Các đại biểu đến dự Đại hội
 
TƯ Hội cũng đã xây dựng thành công Đề tài khoa học cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao về “Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam” được Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc.
 
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng: “Kết quả trên là sự gắn liền với truyền thống hiếu học của dân tộc, sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, của các cấp ủy Đảng và các cấp Chính quyền; sự động viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của các Bộ, ban, ngành ... đặc biệt là tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ cán bộ và hội viên khuyến học từ TƯ đến cơ sở; sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân do mục tiêu của phong trào đáp ứng nguyện vọng của từng gia đình, của mỗi người dân”.
 
Khai mạc Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ IV - 5
 
Đồng chí Huỳnh Văn Bình (áo đen), Phó Chủ tịch Hội KH Việt Nam cùng các đại biểu
 
Dân trí tiếp tục cập nhật thông tin diễn ra trong Đại hội. 

 

10 sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển khuyến học

1. Tổ chức của Hội đã được xây dựng trên khắp các địa bàn dân cư

2. Ngày 13/04/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chỉ thị 11/CT-TW đã thực sự đáp ứng nguyện vọng của toàn Hội, do đó, các cấp Hội đã đón chào Chỉ thị này như một sự kiện khuyến học lớn. Chỉ thị đã mở ra phương hướng mới cho phong trào khuyến học, khuyến tài.

3. Ngày khuyến học Việt Nam 2/10 là mốc son trong lịch sử phát triển giáo dục

Ngày Khuyến học Việt Nam là niềm tự hào của những người làm công tác khuyến học. Chính phủ chọn ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10) làm Ngày Khuyến học Việt Nam có hàm ý công nhận lực lượng tham gia khuyến học đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục để có ngày lịch sử này.

4. Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II

Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II là một sự kiện lớn, tổng kết 9 năm thi đua khuyến học với tư cách là một phong trào rộng lớn của nhân dân mà Hội Khuyến học có vai trò chủ trì trong việc tập hợp và biểu dương các thành tích khuyến học của các tổ chức xã hội, các lực lượng quần chúng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo.v.v...

5. Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học lần thứ II

Đại hội là một sự kiện mang tính động viên các gia đình và dòng họ trong toàn quốc tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài thông qua việc biểu dương và khen thưởng những gia đình và dòng họ tiêu biểu được lựa chọn lên từ cơ sở, phát huy truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc, qua đó xây dựng lực lượng nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân học tập, học tập thường xuyên gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội trên mọi địa bàn dân cư.

6. Cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” tôn vinh tài năng và động viên triển khai, ứng dụng CNTT vào cuộc sống

Kể từ năm 2005, cứ đến ngày 20/11, cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã tổ chức đánh giá và trao giải thưởng cho những cá nhân và tập thể có những sáng tạo trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)vào sản xuất và phục vụ đời sống. Phạm vi ứng dụng CNTT đang mở rộng dần tới những lĩnh vực hoạt động của nhiều ngành trong nền kinh tế quốc dân.

7. Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở” được hoàn thành tốt đẹp

Đây là một sự kiện lớn bởi là kết quả hoạt động khoa học của một tổ chức xã hội, có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn trong việc thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ IX và X của Đảng, là công trình tập thể gồm 63 Tỉnh, Thành Hội thực hiện dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội.

8. Bảo vệ thành công xuất sắc Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam” của Trung ương Hội và triển khai hàng loạt đề tài xây dựng mô hình xã hội học tập ở địa phương.

9. Báo điện tử Dân trí trở thành một thương hiệu nổi tiếng, đứng hàng đầu trong các báo điện tử của cả nước

Tờ Dân trí điện tử đã đạt con số người truy cập là 10.000.000/ngày, trở thành báo điện tử có bạn đọc đông nhất nhì trong nước, so với các báo điện tử khác. Trên cơ sở phát triển của báo Dân trí điện tử, tờ Điện tử Dân trí Tiếng Anh (DTi news) đã ra đời và nhanh chóng phát huy tác dụng đến các cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

10. Sự lớn mạnh của Quỹ Khuyến học Việt Nam: Xuất trên 1000 tỷ đồng cho hơn 10.000.000 học bổng và phần thưởng

Trong 5 năm (2006 - 2010), các loại quỹ khuyến học, khuyến tài trong toàn quốc luôn chi ra trên dưới 250 tỷ/năm làm học bổng hàng năm cho trên 2.000.000 học sinh, sinh viên nghèo và phần thưởng cho học sinh, sinh viên giỏi. Đó là chưa kể các khoản tiền hỗ trợ những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Những số liệu trên đây đã nói lên rằng, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc động viên thế hệ trẻ tích cực học tập, chống lưu ban, bỏ học hoặc tránh được nguy cơ bỏ học.

 

 
Bài: Hồng Hạnh
Ảnh: Quốc Long