2/10 - Ngày Khuyến học Việt Nam:
Nên tổ chức "Tuần lễ khuyến học Việt Nam"
(Dân trí) - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ IV diễn ra ngày 29/9/2010 tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 2/10 là "Ngày Khuyến học Việt Nam", phải chăng hàng năm nên tổ chức "Tuần lễ khuyến học Việt Nam" ở các địa phương như một ngày hội, nhân dịp này, biểu dương những người làm tốt công tác khuyến học, các doanh nghiệp quan tâm tới khuyến học.
Mô hình độc đáo
Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sự đóng góp to lớn của Hội Khuyến học Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và bồi dưỡng nguồn lực cho đất nước ta trong thời gian vừa qua. Hoạt động của Hội ở các địa phương góp phần chăm lo sự nghiệp giáo dục của cả nước tạo ra truyền thống hiếu học của người Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Phó Thủ tướng chia sẻ: "Tôi đi ra nước ngoài nhiều, thấy nước nào cũng quan tâm tới giáo dục nhưng chưa nước nào có tổ chức khuyến học như ở Việt Nam, từ trung ương tới cơ sở. Trong nhiều dịp tiếp khách quốc tế, khi nói đến giáo dục Việt Nam họ đều rất khâm phục sự ra đời và phát triển mạnh mẽ tổ chức giáo dục ngoài nhà trường này. Trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai một số công việc và trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai để hỗ trợ Hội Khuyến học Việt Nam. Năm 2005, Thủ tướng đã có Quyết định 112, Xây dựng Xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, trong đó giao cho Hội Khuyến học Việt Nam và các ban, ngành thực hiện. Trong năm nay, Hội Khuyến học và ngành giáo dục sẽ tổng kết hoạt động này. Năm 2008, Thủ tướng còn ban hành Chỉ thị "Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập". Có thể nói đây là nhắc nhở giữa kỳ với các ban, ngành.
Sẽ có Điều lệ Hội mới
Năm 2008, Thủ tướng quyết định lấy ngày 2/10 là "Ngày Khuyến học Việt Nam" để hội tụ những thành tựu của Hội Khuyến học và biểu dương công tác khuyến học cả nước.
Cùng đó, Thủ tướng đã có quyết định ban hành Điều lệ hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên phạm vi cả nước. Mỗi trung tâm có cơ chế hoạt động, phối hợp các ban, ngành để hình thành bộ máy quản lý trung tâm toàn quốc.
Bộ Nội vụ chuẩn bị ban hành Điều lệ mới của Hội để đáp ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT là cơ quan chuyên trách Nhà nước về giáo dục đào tạo đã có phối hợp hàng năm, thông qua ký kết với Hội Khuyến học Việt Nam để triển khai công việc. Đặc biệt là ký Chương trình hợp tác 5 năm để thực hiện các phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực hàng năm.
Chính phủ đã ban hành chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, từ nay đến năm 2020, mỗi năm bình quân dạy 1 triệu lao động; hỗ trợ tài chính cho người học, người dạy và chương trình; hình thành các cơ sở dạy nghề nông thôn có chất lượng cao, phù hợp với các khu vực.
Mở rộng Giải thưởng Nhân tài đất Việt
Phó Thủ tướng cũng nhất trí cao với báo cáo của Đại hội khuyến học Việt Nam lần thứ IV và chia sẻ các nhiệm vụ như xã, phường tập trung hoạt động tốt các TTHTCĐ, trong đó gắn với phong trào xây dựng gia đình hiếu học; Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi trong đó giai đoạn 2015 - 2020 tập trung vào bậc mầm non; Đẩy mạnh hoạt động TTHTCĐ gắn với trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương; các hoạt động của Hội nên tăng cường năng lực học nghề, đặc biệt ở khu vực miền núi. Nên chăng phối hợp với ngành nông nghiệp hình thành trang web nhà nông mới và trang web gia đình Việt Nam.
Hội cùng với ngành giáo dục, ngành lao động và thương binh xã hội hình thành các trung tâm tư vấn về học nghề, học đại học, du học... vì học sinh ở nông thôn rất lúng túng khi chọn học gì, làm gì. Làm thế nào để mỗi trung tâm tư vấn của Hội là địa chỉ tin cậy, tư vấn chính xác, hiệu quả.
Hội tiếp tục phát huy tốt giải thưởng "Nhân tài đất Việt", ngoài giải này nên có thêm giải khác nữa để khuyến khích nỗ lực vươn lên của các nhân tài đất nước.
Hồng Hạnh (ghi)