Đến tháng 10, cả nước nghĩ về khuyến học

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 2/10 là “Ngày Khuyến học Việt Nam”, hàng năm nên tổ chức “Tuần lễ khuyến học Việt Nam” như ngày hội, để đến tuần đầu tháng 10, cả nước nghĩ về khuyến học.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ IV diễn ra ngày 29/9/2010 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sự đóng góp to lớn của Hội Khuyến học Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và bồi dưỡng nguồn lực nhân cho đất nước ta trong thời gian vừa qua: “Qua 5 năm số hội viên đã tăng từ 3,5 triệu lên 7,5 triệu. Các trung tâm giáo dục cộng đồng tiếp tục được phát triển nay đạt gần 10.000 trung tâm trên cả nước. Ba năm vừa qua, mỗi năm bình quân có trên 30.000.000 triệu lượt người được bồi dưỡng các chuyên đề do các trung tâm thực hiện. Hoạt động của Hội ở các địa phương góp phần chăm lo sự nghiệp giáo dục của cả nước tạo ra truyền thống hiếu học của người Việt Nam, góp phần đào tạo các trình độ cho đất nước. Với kết quả đó, tôi cảm ơn và chúc mừng thành tích của Hội trong 5 năm vừa qua”.

Đến tháng 10, cả nước nghĩ về khuyến học - 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ IV.

Hội Khuyến học Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã trải qua gần 15 năm phát triển và đã có những thành tích tự hào như có tới 7,5 triệu hội viên khuyến học với số tổ chức Hội ở cơ sở là 10.749; số chi hội ở bản, làng, phum, sóc, tổ dân số là 177.199; số tổ chức Hội trong trường học là 30.822. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học đã phát triển mạnh với hơn 3 triệu gia đình và hơn 40 nghìn dòng họ đạt danh hiệu. Đặc biệt, tổng hợp số tiền trong các loại quỹ khuyến học, tính đến đầu năm 2010, có trên dưới 684,908 tỷ đồng Việt Nam.

Bên cạnh việc việc lập Quỹ và vận động các lực lượng trong xã hội góp Quỹ bằng tiền, các tổ chức Hội còn nhận được sự đóng góp khác mà giá trị quy ra tiền rất lớn như chỉ tính riêng 5 năm qua, nhân dân đã hiến đất xây trường với diện tích là 810.318m2, tính ra có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Ở nhiều tỉnh, thành Hội còn có sáng kiến tạo ra các khoản tiền để đầu tư vào việc học hành của thế hệ trẻ như phong trào nuôi heo đất hoặc làm ống tiết kiệm, phong trào này có từ TPHCM, rồi đến Thanh Hóa, Ninh Bình và nay đang có xu thế mở rộng dần. Chỉ riêng phong trào nuôi heo đất ở TPHCM từ năm 2007 đến nay đã có 100.736 con với số tiền là 72 tỷ đồng.
 
Đến tháng 10, cả nước nghĩ về khuyến học - 2
Học sinh mổ heo đất..
 
Theo đánh giá của nhiều lãnh đạo thì ở đâu có dân, ở đó có khuyến học. Nhân dân trong cả nước có rất nhiều sáng kiến để phát triển các hình thức đầu tư cho khuyến học. Ở rất nhiều thôn xóm, bản làng, đều có thể bắt gặp những đàn gà khuyến học, hàng cây khuyến học, ao cá khuyến học, khu ruộng khuyến học, đàn ong khuyến học, tiếng kẻng khuyến học... Họ làm tất cả bằng khả năng, tâm huyết của mình, bằng mọi hình thức để tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học tập.
 
Đến tháng 10, cả nước nghĩ về khuyến học - 3
Tiếng kẻng khuyến học.

Cụ thể như “Tiếng kẻng học bài” ở xã vùng cao Ch’ơm, xã xa nhất trung tâm hành chính huyện Tây Giang, Quảng Nam nơi việc đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa, Hội Khuyến học xã đã kết hợp chặt chẽ với nhà trường tổ chức phát động phong trào “Tiếng kẻng học bài” hay như người dân ở các tổ dân phố 23, 24, 25 thuộc khu vực Quan Thành 4B (phường Hoà Khánh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã quen với tiếng kẻng khuyến học vang lên vào lúc 19 giờ mỗi tối. Tiếng kẻng được chính những người lớn trong khu phố đánh báo hiệu giờ tự học ở nhà của con em học sinh trong khu phố…

Phong trào nuôi ong khuyến học cũng đã lan rộng ra cả nước. Sau mỗi vụ thu hoặch mật, 42 hộ nuôi ong của xã Trường Xuân (Quảng Ninh - Quảng Bình), trích ra một phần để góp vào quỹ khuyến học của xã và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
 
Đến tháng 10, cả nước nghĩ về khuyến học - 4
Bác Trần Xuân Lập bên cạnh đàn ong khuyến học.

Người khởi đầu cho mô hình nuôi ong khuyến học là người thương binh 1/4 Trần Xuân Lập - chủ tịch Hội Khuyến học xã Trường Xuân. Ông Lập cho biết, mô hình này triển khai từ năm 2001 tại hai thôn Nam Kim Sen và Bắc Kim Sen với 10 đàn ong, hỗ trợ chủ yếu cho con em đồng bào Vân Kiều được đến trường. Mỗi thành viên trong hội đóng góp một đàn ong để làm quỹ hoạt động.

Qua 5 năm, Hội Khuyến học xã Trường Xuân đã thu nạp hơn 40 hộ nuôi ong tham gia và đóng góp gần 50 đàn ong cho chương trình đàn ong khuyến học. Trung bình mỗi năm, mỗi đàn ong cho 4 lần lấy mật từ 10-12 kg/năm thu về 1,5-2 triệu đồng/đàn. Ngoài tặng quà và trao các suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, hội còn trao thưởng cho những giáo viên có nhiều đóng góp cho bản làng.

Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 là mốc son trong lịch sử phát triển giáo dục

“Ngày Khuyến học Việt Nam” là một sự kiện lớn trong lịch sử phát triển giáo dục, nhất là giáo dục người lớn. Ngày khuyến học Việt Nam là kết quả hoạt động của toàn dân tham gia vào mọi hình thức phát triển giáo dục hướng vào mục tiêu “ai cũng tham gia học tập, ai cũng góp phần vào sự nghiệp giáo dục”, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và từng bước vững chắc trong hội nhập quốc tế.

Ngày Khuyến học Việt Nam là niềm tự hào của những người làm công tác khuyến học. Chính phủ chọn ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10) làm Ngày Khuyến học Việt Nam có hàm ý công nhận lực lượng tham gia khuyến học đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục để có ngày lịch sử này.

Hồng Hạnh (tổng hợp)