1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lâm Đồng:

Kẹt mũi khoan trên đỉnh đồi, nước trong hầm lại có dấu hiệu tăng

(Dân trí) - Nhằm tiếp cận các nạn nhân nhanh nhất có thể, lực lượng cứu hộ đang tiến hành đào 2 ngách hầm ở hai bên hầm chính. Mũi khoan trên đỉnh đồi cũng được thực hiện khẩn trương nhưng đi được hơn 40m thì kẹt lại. Tối nay nước trong hầm lại có dấu hiệu tăng đều.

21h, Thông tin từ Ban chỉ huy công trường thuộc Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, hiện mực nước trong hầm lại có dấu hiệu tăng đều, gây lo lắng cho nạn nhân và lực lượng cứu hộ. Trước đó, 3 mũi khoan từ cửa hầm chính được phân bố 1 ống truyền thức ăn, 1 ống luồn dây thắp sáng nguồn điện trong khu vực hầm sập và 1 ống hút nước ra ngoài. Tuy nhiên trước thực tế nước lại đang tăng lên, lực lượng cứu hộ quyết định cắt nguồn dẫn điện, ưu tiên cho việc hút nước.

Nước từ khu vực hầm sập được hút ra ngoài. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Nước từ khu vực hầm sập được hút ra ngoài. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Về sức khỏe các nạn nhân, tối nay họ đã được truyền cháo và nước. Cái đói không đáng ngại nhưng nhiệt độ trong hầm hiện rất lạnh, trong khi quần áo không thể chuyển vào. 

Thông tin thêm về điểm hầm sập, vị trí sập cách cửa hầm 500m và đoạn sập là 34m. Hiện toàn bộ khu vực bị sập được để nguyên, không đào bới vì địa chất trong hầm toàn bùn nhão, có thể gây sập thêm, đe dọa tính mạng các công nhân đang mắc kẹt. 

Công nhân sẵn sàng cho công việc cứu hộ xuyên đêm 18/12 (Ảnh: Viết Hảo)
Công nhân sẵn sàng cho công việc cứu hộ xuyên đêm 18/12 (Ảnh: Viết Hảo)

Các máy khoan hoạt động hết công suất ở cả 3 phía. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Các máy khoan hoạt động hết công suất ở cả 3 phía. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

19h, các lực lượng cứu nạn tại chỗ đã hoàn tất việc ăn tối để tiếp tục triển khai công việc đào 2 đường hầm ở 2 bên hông vị trí bị sập. Công việc đang được triển khai hết sức khẩn trương để đảm bảo đúng tiến độ, tiếp cận 12 công nhân sớm nhất có thể.

Công nhân sẵn sàng cho công việc cứu hộ xuyên đêm 18/12 (Ảnh: Viết Hảo)
Lực lượng chức năng giải phóng mặt bằng để triển khai khoan mũi khoan khác từ đỉnh hầm do mũi khoan cũ bị kẹt, phải bỏ cả cần lẫn mũi khoan dưới độ sâu 40m dưới lòng đất. (Ảnh: Viết Hảo)

17h50, mũi khoan trên đỉnh đồi bị kẹt ở độ sâu 40m. Lực lượng chức năng đang dọn dẹp, giải phóng hiện trường để khoan mũi khoan khác thay thế mũi khoan bị kẹt. Nguyên nhân kẹt là do mũi khoan gặp phải đá cứng. Như vậy hướng tiếp cận từ đỉnh đồi sau một ngày nỗ lực lại phải bắt đầu lại từ đầu; mũi khoan mới cách vị trí cũ khoảng 8m.

17h15, thêm một trại dã chiến được dựng trước cửa hầm chính, trại dã chiến này chứa được khoảng 20 người. Lực lượng hậu cần lúc này đang chuyển lương thực gồm sữa, bánh mỳ, nước khoáng, nước lọc... tới cung cấp cho tất cả những người có mặt tại hiện trường. 

Các lực lượng điện lực, công binh, cơ động công an tỉnh, công nhân công ty Sông Đà,... đang tranh thủ ăn nhanh trước khi tiếp tục việc tìm kiếm đêm nay.

Chuyển thức ăn đặc biệt từ TPHCM giúp nạn nhân đảm bảo sức khỏe
Từ vị trí sát điểm hầm sập, cơ quan chức năng đang cho đào hai ngách hầm hai bên nhằm tiếp cận giải thoát các nạn nhân. (Ảnh: Viết Hảo) 

15h35, sau cuộc họp với Ban chỉ huy cứu nạn và trực tiếp đi khảo sát công tác cứu hộ tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí. Phó Thủ tướng thông tin, hiện các lực lượng đang tham gia cứu hộ cứu nạn tại hiện trường gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh, Công an TPHCM, Công an Lâm Đồng, đội cứu hộ cứu nạn thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Tất cả các lực lượng đều đang nỗ lực triển khai các phương án cứu hộ tích cực và nhịp nhàng.

Về hai ngách hầm đang triển khai đồng thời hai bên vách hầm chính, Phó Thủ tướng nhận định đây là hai hướng chính để đưa các công nhân mắc kẹt ra ngoài, và hiện đang được đánh giá là phương án tối ưu. Việc tiến hành đào song song hai ngách hầm để giảm thiểu tối đa những rủi ro trong quá trình đào hầm cứu hộ. Nếu ngách bên này gặp sự cố đã có ngách bên kia tiếp tục tiếp cận nạn nhân.

Phó Thủ tướng trực tiếp họp bàn phương án và kiểm tra công tác cứu hộ
Phó Thủ tướng trực tiếp họp bàn phương án và kiểm tra công tác cứu hộ.

Phó Thủ tướng đánh giá việc đào ngách hầm bên phải đang gặp nhiều khó khăn do vùng địa chất ở đây rất yếu, nếu không tính toán kỹ trong quá trình đào có thể gây sạt lở, nguy hiểm cho các lực lượng đào hầm cũng như cho chính 12 công nhân đang mắc kẹt phía trong.

Với tốc độ đào và điều kiện địa chất hiện tại, dự kiến mỗi ngày chỉ có thể đào được 8m hầm, như vậy dự tính phải mất 3 ngày đường hầm này mới tiếp cận được khu vực nạn nhân mắc kẹt.

Hiện sức khỏe 12 công nhân đều ổn định nhưng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nhiệt độ trong hầm rất lạnh. Tối nay, một loại dung dịch đặc biệt sẽ được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về để dùng thay cho sữa, giúp các nạn nhân tăng cường sức khỏe, tăng khả năng cầm cự trong thời gian chờ được giải cứu.

Về mũi khoan trên đỉnh đồi, Phó Thủ tướng dự tính khoảng đêm nay sẽ hoàn thành. Khi đó quần áo ấm sẽ được chuyển xuống, giải quyết được vấn đề giữ ấm cơ thể của nạn nhân.



15h, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác vẫn đang họp chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm phương án cứu hộ tối ưu nhất. Cuộc họp kín diễn ra trong lán của Ban chỉ huy cứu nạn. 

14h35, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi khoan trên đỉnh đồi xuống bằng đường ống 110, các lực lượng sẽ đưa quần áo xuống cho các nạn nhân. Hiện đã khoan được 40m/khoảng 70m... Sức khỏe của các công nhân vẫn đảm bảo, nhưng đang bị lạnh.

Các hướng tiếp cận 12 nạn nhân vụ sập hầm. (Đồ họa: Ngọc Diệp)


Các hướng tiếp cận 12 nạn nhân vụ sập hầm. (Đồ họa: Ngọc Diệp)

13h35, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp đến hiện trường, cùng các lực lượng tại chỗ chỉ huy công tác cứu hộ 12 công nhận bị nạn. Sau khi vào hiện trường, Phó Thủ tướng đã có buổi làm việc khẩn với các bên liên quan tại Ban chỉ huy cứu nạn đóng trước cửa hầm thủy điện. 

Mở ống thông hơi thứ 3, khẩn trương đào ngách hầm giải thoát 12 nạn nhân

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào lán của Ban chỉ huy cứu nạn, trực tiếp bàn phương án ứng cứu. (Ảnh: Ngọc Hà)

Đại tá Du Trường Giang, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện lực lượng công binh đang tiến hành đào một ngách hầm bên trái. Đường hầm này được đào đồng thời với đường ngách bên phải. Phụ trách công việc đào ngách hầm thứ hai là lực lượng công binh.

12h45, ông Phạm Đình Hiếu, Chỉ huy trưởng công trường Thủy điện Đạ Dâng Đạ Chomo cho biết, hầm ngách để giải cứu các nạn nhân dự kiến dài khoảng 20m, hiện đã đào được 4m. Đường ngách này có kết cấu hình thang, cao 1,2m, rộng (đáy) 60cm, đủ cho một người bò ra ngoài theo thứ tự.

11h40, phương án đào ngách hầm cụ thể như sau: triển khai 2 phương án nổ mìn và khoan thủy lực. Theo Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, nếu trong quá trình khoan gặp phải đá, lực lượng cứu hộ sẽ khoan một lỗ vào đá, cho lượng mìn khoảng 0,06kg vào nổ làm mềm đá; hoặc sử dụng phương pháp khoan thủy lực. 

Mở ống thông hơi thứ 3, khẩn trương đào ngách hầm giải thoát 12 nạn nhân

Một đường ngách hầm đang được đào hết sức khẩn trương để giải thoát các nạn nhân. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Về ống thông hút nước, hiện mỗi giờ lực lượng cứu hộ hút được 3m3 nước. Mức nước trong hầm đang giảm dần khiến các nạn nhân rất phấn khởi.   

Để hỗ trợ công tác cứu hộ, Bộ Quốc phòng đã tăng cường thêm 40 người, 19 thợ mỏ tinh nhuệ của lực lượng Cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cũng đang tích cực triển khai đào đường ngách hầm để tiếp cận các nạn nhân. Lực lượng công binh của Bộ Quốc phòng cũng chi viện thêm 40 chiến sĩ. Sáng nay, lực lượng Cảnh sát PCCC của thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 50 người) cũng đã tới hiện trường thực hiện nhiệm vụ cứu người. 

11h07, đại diện Bộ Xây dựng có mặt tại hiện trường cho biết, lực lượng cứu hộ vừa mở được ống thông hơi thứ 3 cho khoang hầm. Ống thông hơi này nằm ở phía cửa hầm chính. 

10h30, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn thông tin, Ban chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn đã thống nhất dùng phương án bắn mìn để làm nhuyễn đá tảng trong quá trình đào ngách hầm thoát hiểm. Ngách hầm này rộng 1,5m, dài khoảng 40m. Nếu không gặp trở ngại thì ngách hầm sẽ hoàn thành trong đêm nay.

Nước trong hầm đang giảm, 12 công nhân ổn định sức khỏe

Sang đến ngày thứ 3, công tác cứu hộ được tiến hành hết sức khẩn trương để chạy đua với thời gian (Ảnh: Viết Hảo)



10h05, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng - cho biết, sáng nay sau khi sữa giàu dinh dưỡng và thuốc tăng canxi được chuyển vào, các công nhân bị mắc kẹt đã khắc phục được tình trạng tụt canxi máu. Cũng theo Thiếu tướng Sơn, mức nước trong khu vực hầm sập đang giảm, chỉ còn khoảng 30-40cm. 

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn trao đổi với các phóng viên trước cửa hầm (Ảnh: Viết Hảo)
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn trao đổi với các phóng viên trước cửa hầm (Ảnh: Viết Hảo)

Mũi khoan thông hơi trên đỉnh đồi đã khoan sâu được 30m. Lực lượng công nhân đang nỗ lực hết sức để hoàn thành sớm nhất có thể, nhằm giúp các công nhân mắc kẹt được lấy không khí tự nhiên từ bên ngoài, đồng thời chuyển quần áo ấm cho các nạn nhân. 

Đào đường hầm mới tiếp cận khu vực hầm sập
Mũi khoan trên đỉnh đồi đã "đi" được gần 30m. Mũi khoan này nhằm tạo lối để chuyển quần áo ấm cho các nạn nhân mắc kẹt. (Ảnh: Viết Hảo)

9h30, Ban chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn họp khẩn bàn phương án khả thi nhất để cứu 12 công nhân mắc kẹt. 

Về ngách hầm "thoát hiểm", ông Nguyễn Thế Phụng - chuyên gia công trình hầm - cho biết đường ngách đã đi được 4m. Phương thức đào vẫn là đào thủ công, duy trì phương án cổ điển là đào hố chống hông. 

Ghi nhận tại hiện trường, phía lực lượng quân đội có 100 chiến sĩ, phía công an và lực lượng địa phương có 300 người; 400 người này sẽ luôn luôn túc trực, thay phiên nhau đào hầm tiếp cận vị trí người mắc kẹt; cứ 2 tiếng lại thay ca một lần.

Ban chỉ đạo đang bàn đến phương án bắn mìn (sử dụng một lượng thuốc nổ nhỏ để cho nổ trong phạm vi hẹp, phá những tảng đá lớn cản trở việc khoan đào). Tuy nhiên phương án này chưa được thống nhất sử dụng.

9h10, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết lực lượng cứu hộ vừa chuyển vào một bình sữa giàu dinh dưỡng và thuốc tăng canxi để hỗ trợ dinh dưỡng, sức khỏe cho các nạn nhân mắc kẹt. 

Trước đó, từ khoảng 2h rạng sáng nay, một bóng đèn nhỏ đã được luồn vào qua ống thông, giúp chiếu sáng cho khu vực hầm sập, động viên tinh thần cho các nạn nhân. 

Một tin đáng mừng khác là đã khống chế được mức nước trong hầm. 

Về ngách hầm đào mới, ông Kỳ giải thích nó giống như một ngách thoát hiểm, điểm miệng ngách ở phía cửa hầm chính, gần vị trí bị sập, đi theo hình vòng cung và dự kiến sẽ gặp khu vực các nạn nhân mắc kẹt sau 2-3 ngày nữa.  

Trước đó vào lúc 9h, lực lượng cứu hộ cứu nạn Cảnh sát PCCC TPHCM đã có mặt, sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ cứu nạn.

8h, Tổ cứu nạn của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đang tiến hành đào 1 đường ngách hầm mới ngay trong đường hầm bị sập. Hiện có 12 công nhân đang tham gia đào ngách hầm và dự kiến trong ngày hôm nay sẽ tăng thêm lực lượng. Đây là một phương án mới nằm trong nỗ lực tiếp cận những người bị nạn từ mọi hướng. Theo một công nhân tham gia đào hầm, dự kiến 2-3 ngày, ngách hầm này sẽ tiếp cận được vị trí hầm sập có 12 công nhân mắc kẹt.

Ông Hoàng Công Thảo - Trưởng Ban Chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường, cho biết, thời điểm này các đơn vị chức năng đang tiến hành họp giao ban bàn về công tác cứu hộ, các hướng sẽ triển khai trong ngày. Buổi họp chưa kết thúc nên chưa thống nhất được phương án cuối cùng.

Hai lán trại dã chiến được dựng tại hiện trường

Hai lán trại dã chiến được dựng tại hiện trường

7h40, có mặt tại điểm thực hiện mũi khoan trên đỉnh đồi, phóng viên Dân trí ghi nhận có 4 kỹ sư, 7 công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505 đang khoan thông hơi. Theo 1 chuyên gia, với điều kiện thường mũi khoan thông hơi có thể khoan sâu 7m trong vòng 20 phút, nhưng ở điều kiện địa chất như ở đây, 20 phút chỉ khoan sâu được 20cm. Việc khoan rất khó khăn do bị cản trở bởi nhiều đá.

7h20, Lữ đoàn công binh 293 thuộc Bộ Tư lệnh công binh đóng tại Cam Ranh, Khánh Hòa điều 55 chiến sĩ tới hỗ trợ công cuộc cứu hộ cứu nạn.

7h, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch huyện Lạc Dương cho biết, cơ quan chức năng đang thực hiện 5 mũi khoan gồm 3 mũi khoan phía cửa hầm chính, 1 mũi khoan phía cửa phụ (sau) đã sâu 40m và một mũi trên đỉnh đồi sâu 27m. Hiện mũi khoan ở cửa chính đã thành công nhưng chưa đặt được ông thông do còn phải bóc tách mũi khoan ra.

6h30, lực lượng chức năn điều một xe tải và một xe cẩu tập kết trước cửa hầm để vận chuyển lượng bùn nhão được đưa từ trong hầm ra.

Từ sáng sớm một máy xúc tới cửa hầm để vận chuyển bùn nhão (Ảnh: Viết Hảo)

Từ sáng sớm một máy xúc tới cửa hầm để vận chuyển bùn nhão (Ảnh: Viết Hảo)

Các công nhân, kỹ sư làm việc từ suốt đêm qua đến sáng nay (Ảnh: Viết Hảo)

Các công nhân, kỹ sư làm việc từ suốt đêm qua đến sáng nay (Ảnh: Viết Hảo)

6h ngày 18/12, ghi nhận của PV Dân trí, thời tiết tại khu vực sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo khô ráo, không có mưa nhưng khá lạnh.

Từ đầu giờ sáng, lực lượng chức năng đã ứng trực quân số bên ngoài để vận chuyển các phương tiện vào bên trong phục vụ việc khơi thông đoạn hầm bị sập. 

Nhiệm vụ gấp gáp cần làm ngay trong sáng nay là cơ quan chức năng sẽ bơm sữa giàu dinh dưỡng, giàu canxi vào bên trong để hỗ trợ 12 công nhân đang có dấu hiệu tụt canxi máu.

Sáng 18/12, công việc triển khai rất khẩn trương (Ảnh: Viết Hảo)
Ngày cứu hộ thứ 3, đã có nhiều dấu hiệu khả quan khi có 2 ống thông được "bắc" vào vùng hầm sập và đã khoan hút được nước ra. (Ảnh: Viết Hảo)

Tiếp tục cập nhật…

Viết Hảo - Ngọc Hà