Khởi tố, bắt tạm giam ông Mạc Kim Tôn:
Kết cục của vòng xoáy tình-tiền-tội?
(Dân trí) - Ngày 21/7, công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Mạc Kim Tôn về tội “Lợi dụng quyền hạn, chức vụ trong thi hành công vụ”. Trước đó, ông Tôn cũng đã bị đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội. Nhân dân Thái Bình cho rằng đây là kết cục tất yếu của vòng xoáy tình-tiền-tội-tù.
“Người đàn bà sau lưng quan tham”
Từ lúc nghe quyết định khởi tố và bắt tạm giam cho đến khi bị dẫn lên xe đặc chủng đưa về trại tạm giam, ông Mạc Kim Tôn vẫn một mực cho rằng mình bị oan. Trước đó, trong báo cáo giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng, ông Tôn cho rằng vì mình đã quá “nhẹ dạ cả tin” nên bị lừa!
Tuy nhiên, lời giải thích của ông Tôn không những không thuyết phục được cơ quan chức năng mà còn gây thêm sự phẫn nộ trong dư luận tỉnh Thái Bình. Bởi tất cả những gì diễn ra trong thực tế đều là bằng chứng chống lại ông Tôn.
Trong vụ việc liên quan đến Trần Thị Ánh và vụ lừa đảo trên 4,1 tỉ đồng (cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với thị Ánh), dư luận Thái Bình cho rằng cần phải làm rõ mối quan hệ giữa ông Tôn và “nữ quái” Ánh. Đó là mối quan hệ “thầy trò” rồi lợi dụng nhau, bắt tay nhau để “đi đêm” hay còn có những uẩn khúc nào khác?
Người ta thừa hiểu rằng, nếu “bắt tay đi đêm” để chia chác hoa hồng, không dại gì ông Mạc Kim Tôn lại đánh cược cả sự nghiệp, quyền lực đỉnh cao của mình để đổi lấy một vài trăm triệu đồng.
Trước khi vụ lừa đảo bị bại lộ, dư luận Thái Bình đã đàm tiếu không ít về thói trăng hoa của ông Mạc Kim Tôn. Rất có thể trong vụ này, ông Tôn cũng đã bị “dắt mũi” vì chính tật xấu này của mình.
Riêng về Trần Thị Ánh, trước khi quan hệ với Mạc Kim Tôn, thị đã nổi danh với nhiều tai tiếng, đặc biệt là trong việc làm ăn. Đơn cử, có lần Ánh đã đến Sở Y tế Thái Bình để giới thiệu một dự án “ma” nhưng trước sự cảnh giác của lãnh đạo Sở này, âm mưu đó không thành.
Sau đó, người ta thấy thị nhận là “học trò cũ” của “thầy” Tôn. Từ khi “nhận mặt thầy trò”, Ánh luôn chung tay sát cánh cùng ông Tôn trong vụ làm ăn “đặc biệt quan trọng”. Hậu quả của những lần “sát cánh”, “hỗ trợ” ấy là phi vụ “siêu lừa đảo” và cả hai “thầy trò” vào vào trại giam.
Có thể nói, thị Ánh chính là “người đàn bà sau lưng quan tham” Mạc Kim Tôn.
Lợi nước hay lợi nhà?
Trong vụ việc liên quan đến Trần Thị Ánh, ông Tôn lý giải như sau: “Sở không có ngân sách trang bị máy tính đến các trường, được nhận tài trợ thì tốt quá, tôi tin tưởng là mình đã làm được việc có lợi cho ngành”.
| |
Đông đảo nhân dân và báo chí đến chứng kiến buổi khám xét, bắt giam ông Tôn.
|
Tổng cộng đã có 41 trường học, đơn vị trong tỉnh được lắp đặt máy phải chi ra số tiền phí giao dịch, tiền công vận chuyển, mua và ghi hóa đơn khống để chuyển tiền cho “thầy trò” ông Tôn. Riêng 11 trường học được lắp đặt máy vi tính đã phải chi cho ông Tôn gần 87 triệu đồng, chi cho thị Ánh 97 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Tôn chỉ thừa nhận số tiền là 63 triệu đồng và giải thích đó là… quà biếu cảm ơn.
Một điều ngạc nhiên khác là “dự án ma” mà ông Tôn và thị Ánh thực hiện không chỉ triển khai trong ngành Giáo dục mà với danh nghĩa cá nhân, còn lắp máy tính cho cả Trạm Y tế phường Kỳ Bá và UBND xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương, quê ông Tôn). “Dự án” này còn mở rộng tại huyện Vũ Thư với việc trang bị 9 máy tính xách tay cho lãnh đạo huyện!
“Chu đáo” hơn, ông Mạc Kim Tôn còn làm lợi nhà bằng việc nhận của thị Ánh nhiều vật dụng có giá trị trên 60 triệu đồng bao gồm máy tính xách tay, điện thoại di động, máy hút bụi...
Khai nhận về những vật dụng này trước cơ quan điều tra, ông Tôn khăng khăng mình không có nhu cầu, không nhờ Thị Ánh mua và đã thanh toán tiền cho Ánh đầy đủ. Tuy nhiên, ông Tôn không chứng minh được việc đã hoàn trả tiền mua đồ cho Ánh.
Vòng xoáy nghiệt ngã
Rất đông đảo người dân Thái Bình đã đến chứng kiến cảnh khởi tố bắt tạm giam ông Giám đốc Sở GD&ĐT Mạc Kim Tôn. Đoạn đường trước nơi làm việc và tư dinh ông Giám đốc nhiều lần bị tắc nghẽn. Cũng trong ngày ông Mạc Kim Tôn bị khởi tố, tại buổi bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh, đã có nhiều đại biểu chất vấn về những tiêu cực của ngành Giáo dục và cá nhân ông giám đốc Sở.
Ông Bùi Tiến Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND - đã bày tỏ quan điểm của tỉnh sẽ xử kiến quyết những đơn vị, cá nhân có sai phạm. Đối với trường hợp ông Mạc Kim Tôn, tỉnh đã giao cơ quan điều tra tiến hành các pháp lý cần thiết để xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Dung - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - cho biết: “Chúng tôi đã có buổi làm việc để lắng nghe ý kiến giải trình của ông Mạc Kim Tôn trước khi Ủy ban Thường Vụ Quốc hội ra Nghị quyết đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội của ông Tôn. Bản giải trình của ông Tôn chưa nói rõ được bản chất của những vấn đề liên quan đến cá nhân ông Tôn và vụ án lừa đảo của Trần Thị Ánh. Là một đại biểu, Tỉnh Ủy viên, ông Tôn lấy lý do rằng mình bị lừa là chưa thuyết phục. Chúng tôi đã góp ý để ông Tôn có báo cáo trung thực, thành khẩn và hợp tác với cơ quan điều tra”.
Thái Sơn - Trần Đức