Kế hoạch xây mới nhiều nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM
(Dân trí) - Sở GTVT TPHCM lên kế hoạch xây mới hàng loạt nhà vệ sinh công cộng tại các cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến xe, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển xe buýt trong thành phố.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM có kế hoạch rà soát và đầu tư xây dựng, cải tạo các nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhằm phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân, khách tham quan đến nơi công cộng và sử dụng phương tiện vận tải.
Theo thống kê, 5 bến xe liên tỉnh của thành phố hiện có 100 NVSCC, phục vụ bình quân hơn 44.000 lượt khách mỗi ngày.
Trong đó, 8 điểm ở Bến xe miền Tây, 4 điểm ở Bến xe An Sương và 5 điểm ở Bến xe Ngã Tư Ga đều đang hoạt động tốt.
Riêng tại Bến xe miền Đông cũ có 13 nhà vệ sinh bị hành khách đánh giá chưa tốt về chất lượng phục vụ. Bến xe miền Đông mới bố trí 70 nhà vệ sinh ở 15 vị trí được thiết kế hiện đại.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Trung tâm GTCC) đang quản lý 23 nhà vệ sinh tại 16 bến bãi xe buýt, trạm trung chuyển xe buýt. Tuy nhiên có 7 vị trí đang hoạt động tốt, còn lại đã cũ, hư hỏng. Khu vực trung tâm quận 1 có 6 NVSCC, nhưng chỉ có 2 vị trí hiện hoạt động tốt, còn lại đã xuống cấp.
Các NVSCC chưa hoạt động tốt, xuống cấp đang được Trung tâm GTCC lên kế hoạch duy tu, sửa chữa.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong việc quản lý là một số người dân thiếu ý thức khi sử dụng NVSCC gây tình trạng mất vệ sinh môi trường, lãng phí nước trong nhà vệ sinh.
Đặc biệt là tại các nhà vệ sinh theo hình thức tự phục vụ chưa được tổ chức dọn rửa định kỳ, không có nhân sự vận hành và thu phí, dẫn đến chất lượng vệ sinh chưa đảm bảo, chất lượng phục vụ chưa đạt yêu cầu.
Tại các bến thủy nội địa đã có 64/94 bến có nhà vệ sinh. Trung tâm GTCC đề nghị xây mới nhà vệ sinh ở 30 bến còn lại, song đang khó khăn về mặt pháp lý để thực hiện bằng nguồn ngân sách, do quy định quy hoạch bến thủy nội địa, phân loại quy định đối với bến khách ngang sông không yêu cầu có nhà vệ sinh, yêu cầu các chủ bến tự đầu tư.
Về kế hoạch cải tạo NVSCC hiện hữu, Trung tâm GTCC tiếp tục sửa chữa nhà vệ sinh tại các bến bãi xe buýt từ ngân sách thành phố: 12 điểm với kinh phí 4.200 triệu đồng trong năm 2023; 4 điểm với kinh phí 1.200 triệu đồng trong năm 2024.
Về kế hoạch triển khai NVSCC tại trung tâm quận 1, hiện có 5 điểm trong kế hoạch đầu tư, trong đó 4 nhà vệ sinh hiện đại đã chính thức hoạt động tại các khu đất: số 8-12 đường Lê Duẩn, số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, số 8 Nguyễn Trung Trực, số 135 đường Nguyễn Huệ.
Dân số TPHCM hiện là 10 triệu người nhưng chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng. Tính trung bình, 50.000 người dân mới có một nhà vệ sinh công cộng để sử dụng, chưa kể nhu cầu của hàng chục triệu du khách trong và ngoài nước đến với TPHCM hàng năm.
Ý kiến trên được đánh giá bởi ông Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu - TP Đà Nẵng, là "cha đẻ" của mô hình nhà vệ sinh cộng đồng "Thoải mái như ở nhà - Comfort as home".