1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bí thư TPHCM chỉ đạo khẩn vụ nhà vệ sinh công cộng xếp hạng 67/69

Hoàng Chung

(Dân trí) - Sáng 19/3, tại buổi làm việc với UBND quận 1, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - yêu cầu các đơn vị trước ngày 30/4 phải làm chuyển biến căn bản nhà vệ sinh công cộng.

Công trình phụ chứ không phải yêu cầu phụ

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, những ngày gần đây xã hội, báo chí rất quan tâm tới việc TPHCM bị bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia đánh giá chất lượng nhà vệ sinh công cộng của thành phố xếp thứ 67/69 thành phố du lịch trên thế giới.

Bí thư TPHCM chỉ đạo khẩn vụ nhà vệ sinh công cộng xếp hạng 67/69 - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Hoàng Chung).

Nhận thấy xếp hạng có những phản ánh đúng thì thành phố phải khắc phục, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và cần hành động quyết liệt, nhanh nhất có thể.

Ông đặt bài toán cho các đơn vị, tới 30/4, phải làm chuyển biến căn bản nhà vệ sinh công cộng. Theo ông Nên, việc này không có gì ghê gớm, chỉ là chưa quan tâm đúng mức. Trước đó, TPHCM cũng bàn nhiều phương án nhưng do chưa đúng mức nên hiệu quả chưa cao.

"Nhà vệ sinh là công trình phụ chứ không phải yêu cầu phụ, là nhu cầu sống của con người. Nếu sơ ý sẽ để lại hệ quả không như ý muốn", Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Ông Nên cho rằng giải quyết vấn đề này để phục vụ người dân, để lại ấn tượng đẹp cho khách đến chứ không phải vì xếp hạng, vì được đánh giá.

Người đứng đầu Thành ủy TPHCM đặt vấn đề vị trí đặt nhà vệ sinh phải thiết thực, không chỉ đặt vì số lượng. Việc kêu gọi xã hội hóa cũng có phương án để đáp ứng hai bên cùng có lợi. Xã hội hóa nhưng không để doanh nghiệp chịu thiệt.

Sẽ chấm điểm nhà vệ sinh

Bí thư TPHCM chỉ đạo khẩn vụ nhà vệ sinh công cộng xếp hạng 67/69 - 2

Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, đề xuất thực hiện đánh giá, chấm điểm nhà vệ sinh đối với các cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn (Ảnh: Hoàng Chung).

Tại buổi họp, ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND quận 1 - cho biết, hiện nay trên địa bàn quận 1 có 18 khu vệ sinh công cộng đang hoạt động tại 13 địa điểm công cộng gồm 4 chợ, 7 công viên, 1 trạm xe bus và 1 khu dân cư.

Theo ông Thanh, khó khăn hiện nay là quận 1 không có quỹ đất công cộng để bố trí nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, bến xe bus trên địa bàn.

Từ năm 2017, UBND quận 1 đã chỉ đạo UBND 10 phường vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch sử dụng miễn phí nhà vệ sinh.

Tuy nhiên, có tình trạng một số nhà vệ sinh này không được đảm bảo vệ sinh, đồng thời, người dân còn tâm lý ngần ngại khi cần sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp.

Cùng với đó, một số đề xuất đầu tư xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng trước đây của một số doanh nghiệp chưa hài hòa giữa vị trí nhà đầu tư mong muốn và vị trí cần thiết lắp đặt để phục vụ người dân… Song song, ý thức người sử dụng chưa cao, còn tình trạng người sử dụng tận dụng tắm giặt, lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh.

UBND quận 1 đã đề xuất 3 giải pháp. Giải pháp 1, vận động các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, khách sạn,... trên địa bàn hỗ trợ, tạo điều kiện người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Đến nay đã có 100 đơn vị tham gia vào phong trào này.

Quận 1 đề xuất tổ chức thực hiện việc đánh giá, chấm điểm nhà vệ sinh đối với các cửa hàng, quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn với tiêu chí nhà vệ sinh sạch.

Lập mạng lưới các địa điểm nhà vệ sinh trên địa bàn quận 1 để phục vụ cho công tác quản lý và đánh giá chất lượng. Phổ biến, thông tin rộng rãi về các mạng lưới này bằng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi người dễ dàng nhận biết, tiếp cận sử dụng.

Giải pháp 2 là nâng cấp, cải tạo và nâng cao chất lượng phục vụ các nhà vệ sinh công cộng hiện hữu. Giải pháp 3 là đầu tư xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng tại các khu đất trống chưa thực hiện dự án.

Báo cáo bổ sung, Phó Chủ tịch quận 1 Nguyễn Vũ Quang Vinh, cho biết, trong 18 khu vệ sinh công cộng chỉ có 5 nhà vệ sinh thu phí. Khó khăn lớn nhất của nhà đầu tư khi xây dựng nhà vệ sinh là địa điểm xây dựng; kinh phí đầu tư ban đầu; chi phí vận hành.

Bí thư TPHCM chỉ đạo khẩn vụ nhà vệ sinh công cộng xếp hạng 67/69 - 3

Ông Nguyễn Toàn Thắng nêu phương án hợp tác với nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà vệ sinh công cộng (Ảnh: Hoàng Chung).

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở đã phối hợp với quận 1 để làm việc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư cho biết phải mất 3 năm hoạt động mới có thể đủ chi phí đầu tư ban đầu và còn 10 chi phí khác trong quá trình hoạt động của nhà vệ sinh. Nguồn thu có thể lấy từ quảng cáo và kinh doanh cửa hàng tiện ích. Hiện vẫn còn những khó khăn nhất định cần bàn thảo với nhà đầu tư.

"Nếu thực hiện việc này thì thành phố không phải bỏ tiền ngân sách nhưng quan trọng là phương thức và cách giám sát. Việc tham gia của các tổ chức nhà vệ sinh có năng lực, chuyên môn đề xuất phương án hoàn toàn khả quan và có thể làm được", ông Thắng nói.

"Tuyệt đối không được xấu hơn"

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên hoan nghênh quận 1 đã có những sáng kiến mang tính chất vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Ông giao nhiệm vụ với quận trung tâm tiếp tục thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị thành phố, trong đó đặt nhà vệ sinh công cộng lên là nhu cầu thiết yếu, quan trọng để quan tâm, đầu tư quản lý đúng với mục tiêu xây dựng thành phố văn minh.

Về lâu dài, tiếp tục rà soát tính đồng bộ từ khoa học, thực tiễn trên địa bàn về quy hoạch, xây dựng, môi trường, giao thông, văn hóa. Từ đó đưa ra quy định, quy chế có liên quan.

Trước mắt, ông chỉ đạo chia ra từng giai đoạn để triển khai, có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, thực hiện các kế hoạch một cách quyết liệt, cụ thể, linh hoạt. Từ nay cho tới 30/4, vận động doanh nghiệp, cửa hàng tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch sử dụng miễn phí nhà vệ sinh theo kế hoạch của quận 1, sau đó dần trở thành nề nếp.

Ông Nên nhấn mạnh việc thực hiện vận động nhưng phải tổ chức sao cho phù hợp, có kiểm tra để cuộc vận động có giá trị. Đồng thời, các đơn vị cần rà soát, kiểm tra lại trường học, bệnh viện, chợ, công sở, công viên, UBND phường, khu phố, các tổ chức chính trị xã hội... cùng tham gia cho người dân và khách du lịch sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Đây không chỉ là vận động mà còn là trách nhiệm của các cơ quan trên.

Song song đó, các đơn vị tổ chức rà soát thật nhanh toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh công cộng, tiến hành tu sửa, đưa vào hoạt động những nơi đã có nhưng bây giờ không hoạt động. Về vướng mắc, điều nào trong thẩm quyền của TP thì tìm cách triển khai, ngoài thẩm quyền của TP thì đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Bí thư Nên nhấn mạnh cần dứt điểm tháo gỡ chứ không phải vì khó mà dừng lại.

"Tinh thần là làm sao để mỗi ngày một tốt hơn, tuyệt đối không được xấu hơn", ông Nên nhấn mạnh.

Trước đó, báo Dân trí đã đăng tải loạt bài phản ánh thực trạng nhiều nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu người dân, khách du lịch và gây phản cảm ở một số nơi. Nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến và hiến kế để giải quyết việc này.

Ngay sau đó, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội ngày 3/3, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nhắc nhở các đơn vị liên quan triển khai và giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM.

Theo Chủ tịch TP, không thể chấp nhận việc một đô thị lớn lại để xảy ra tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, gây bức xúc dư luận. Do đó, ông Mãi đề nghị các quận, huyện rà soát, công bố rõ các nhà vệ sinh công cộng và kiểm tra thường xuyên.

Ông Phan Văn Mãi cũng lưu ý, cần triển khai ngay chương trình nhà vệ lưu động. "Không lấy lý do chưa có trong quy hoạch mà không triển khai, vì đây là hình thức lưu động. Những nơi có nhu cầu cao như khu vực trung tâm càng phải làm ngay", ông Mãi nói.