Kế hoạch cụ thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương
(Dân trí) - Để cải cách tiền lương, Thủ tướng yêu cầu báo cáo quản lý biên chế thông qua danh mục vị trí việc làm trong quý I; hướng dẫn vị trí việc làm trong tổ chức chính trị - xã hội trước 31/3…
Những nhiệm vụ quan trọng để chuẩn bị cho cải cách chính sách tiền lương được đề ra trong Quyết định số 135 của Thủ tướng về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trong kế hoạch này, Thủ tướng yêu cầu báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Hướng dẫn thực hiện vị trí việc làm trong tổ chức chính trị - xã hội trước 31/3
Để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong lực lượng vũ trang.
Trong xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Thủ tướng đề ra kế hoạch xây dựng 3 bảng lương và phụ cấp đối với lực lượng vũ trang; hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
Cùng với đó, cần xây dựng Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; xây dựng quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp.
Giao nhiệm vụ chung cho các bộ ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu xây dựng và phê duyệt Danh mục vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý trước 31/3; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương chủ trì báo cáo về quản lý biên chế của hệ thống chính trị thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã trong quý I.
Việc hướng dẫn thực hiện vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị trước 31/3.
Cùng với đó, cần xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị về các nội dung của chế độ tiền lương mới.
Thủ tướng đề nghị Ban Công tác Đại biểu chủ trì xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, các chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị về các nội dung của chế độ tiền lương mới.
Trình Bộ Chính trị các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới
Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan xây dựng Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng giao các cơ quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị về các nội dung của chế độ tiền lương mới.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được giao xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu xây dựng các văn bản quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
Trong khi đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn tính toán, cân đối các nguồn kinh phí để thực hiện cải cách chính sách tiền lương; rà soát, đề xuất việc hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
Với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang.