1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Jetstar Pacific Airlines phải xây dựng biểu tượng mới

(Dân trí) - Đây là kết luận của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng đưa ra sau buổi làm việc ngày 2/11 với hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines về vấn đề hãng sử dụng thương hiệu nhượng quyền hiện nay.

Theo đó, Bộ trưởng GTVT chỉ đạo hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) phải xây dựng biểu tượng riêng, không được dùng hai biểu tượng chữ Jet có hình ngôi sao và Jetstar.com như hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways của Úc để quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình.
 
Đây được coi là một trong những điều kiện để Bộ GTVT xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung giấy phép vận chuyển hàng không cho JPA vào tháng 10/2010, khi giấy phép của hãng này hết hiệu lực.
 
JPA là tên gọi mới của hãng hàng không Pacific Airlines sau khi hãng này tái cấu trúc và có được sự góp vốn của Tập đoàn Qantas (Úc) vào tháng 5/2008. JPA phải trả tiền để được quyền kinh doanh dưới thương hiệu và theo tiêu chuẩn của Jetstar Airways.
 
Jetstar Pacific Airlines phải xây dựng biểu tượng mới - 1
Máy bay của JPA tại sân bay Nội Bài (ảnh: Phúc Hưng).
 
Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã bày tỏ nhiều ý kiến khác biệt về biểu tượng mới của JPA. Ngày 30/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5159/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải như sau: Bộ GTVT thực hiện việc cấp phép cho JPA theo đúng quy định tại Nghị định 76/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Việc sử dụng biểu tượng của JPA phải phù hợp với luật hiện hành về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
 
Về điều này, trong công văn gửi Bộ GTVT ngày 12/6/2009, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết việc Jetstar Airways chuyển giao 3 đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu Jetstar, Jet và hình ngôi sao Star Class) cho JPA chịu điều chỉnh của pháp luật về Sở hữu trí tuệ. Giữa JPA và Jetstar Airway đã có hợp đồng chuyển nhượng thể hiện sự đồng thuận nên không phát sinh cạnh tranh không lành mạnh.
 
Còn trong văn bản gửi tới Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng JPA có quyền sử dụng 3 nhãn hiệu đăng ký theo quy định pháp luật về nhãn hiệu.
 
Tuy nhiên tháng 10/2009, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục có văn bản nêu về biểu tượng của JPA. Theo Cục này, mặc dù chưa được đăng ký chính thức vào Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ GTVT cấp, hiện nay JPA đang sử dụng tràn lan biểu tượng “Jetstar”, “Jet và hình ngôi sao” cho việc cung cấp dịch vụ của mình. JPA quảng cáo cho dịch vụ của mình không khác gì quảng cáo cho dịch vụ của Jetstar Airways.
 
Hãng bay JPA khẳng định có quyền tiến hành kinh doanh vận chuyển hàng không hoàn toàn dưới các thương hiệu, nhãn hiệu của Jetstar Airways với lý do là đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ Công thương về nhượng quyền thương hiệu và nhượng quyền thương mại.
 
Về điều này, Cục Hàng không Việt Nam nêu ý kiến, những giấy chứng nhận do Bộ Công thương và Cục Sở hữu trí tuệ cấp phù hợp với quy định của pháp luật về thương mại và sở hữu trí tuệ.
 
Tuy nhiên pháp luật về thương mại và sở hữu trí tuệ không thay thế cho các pháp luật chuyên ngành khác mà JPA có nghĩa vụ phải tuân thủ. JPA không thể dùng các giấy chứng nhận đó để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trái với quy định của pháp luật về hàng không dân dụng. Việc JPA và Jetstar Airways xin đăng ký nhượng quyền “xây dựng và vận hành một mô hình hãng hàng không” là vượt qua luật.
 
 Phúc Hưng