Tranh cãi về biểu tượng của Jetstar Pacific
(Dân trí) - Sau gần 2 năm hoạt động, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines đang gặp rắc rối với biểu tượng hình ngôi sao cùng chữ Jet (được chuyển nhượng từ hãng hàng không Úc Jetstar Airway) khi các cơ quan công quyền đang có 2 luồng quan điểm về biểu tượng này.
Bộ GTVT đề nghị “đổi”
Tháng 5/2008, Pacific Airlines chính thức hoạt động dưới thương hiệu mới là Jetstar Pacific Airlines (JPA) sau khi đạt được thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu với Jetstar Airways (Úc) thuộc Tập đoàn Qantas.
Hãng hàng không JPA đã sử dụng hai biểu tượng là chữ Jetstar (hoặc chữ Jet) và ngôi sao màu vàng cam trên máy bay, phòng vé và trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm dịch vụ khác.
Tháng 6/2008, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo JPA không được bay với biểu tượng nói trên vì gây nhầm lẫn với hãng hàng không Jetstar Airways của Úc.
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Jetstar Airways không được cấp thương quyền nội địa và quốc tế tại Việt Nam, trừ các đường bay giữa Việt Nam và Úc mà Jetstar Airways được cấp trên cơ sở hiệp định hàng không song phương.
Trong bản báo cáo vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị việc yêu cầu hãng hàng không JPA xây dựng biểu tượng theo nguyên tắc là biểu tượng của riêng hãng và không thể hiện sự trùng lặp với biểu tượng của bất kỳ một hãng hàng không nào khác.
Bộ GTVT sẽ sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho JPA khi đã đáp ứng đầy đủ điều kiện về biểu tượng nêu trên.
Để giải thích cho kiến nghị kể trên, Bộ GTVT nêu các quan ngại: thị trường vận chuyển hàng không nội địa của Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không đã/đang tham gia vận chuyển. Nếu JPA sử dụng thương hiệu Jetstar hoặc chữ Jet và ngôi sao màu vàng cam thì các hãng hàng không Việt Nam khác sẽ hợp tác với hãng hàng không nước ngoài khác để tăng cường năng lực cạnh tranh, vốn và thương hiệu.
Trong trường hợp này, thị trường vận chuyển hàng không của Việt Nam đặc biệt là thị trường nội địa có nguy cơ chuyển thành thị trường vận chuyển hàng không chung cho các hãng hàng không nước ngoài.
Mặt khác, sự việc trên có thể đưa tới khả năng không thể phát triển Vietnam Airlines - nòng cốt của lực lượng vận tải hàng không quốc gia, trở thành hãng có tầm cỡ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về điều này, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương đã có ý kiến chính thức. Trong công văn gửi Bộ GTVT ngày 12/6/2009, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết việc Jetstar Airways chuyển giao 3 đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu Jetstar, Jet và hình ngôi sao Star Class) cho JPA chịu điều chỉnh của pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
Giữa Jetstar Pacific Airlines và Jetstar Airway (Úc) đã có hợp đồng chuyển nhượng thể hiện sự đồng thuận nên không phát sinh cạnh tranh không lành mạnh.
Về việc kinh doanh dịch vụ có điều kiện trong nhượng quyền thương mại, quan điểm của Bộ Công Thương là dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện. Do vậy, theo Điều 7, Nghị định 35/2006/NĐ-CP, JPA chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp giấy phép kinh doanh.
Trong văn bản gửi tới Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng JPA có quyền sử dụng 3 nhãn hiệu đăng ký theo quy định pháp luật về nhãn hiệu.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng 3 nhãn hiệu theo hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng của JPA phải tuân thủ pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về quyền kinh doanh.
Nếu JPA ghi rõ chỉ dẫn trên giấy tờ giao dịch, phương tiện cung cấp dịch vụ thì khả năng gây nhầm lẫn về tên thương mại, biểu tượng sẽ bị hạn chế hoặc loại bỏ. Việc sử dụng nhãn hiệu có thực sự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hay không phụ thuộc vào cách thức sử dụng và phải được đánh giá theo thực tế.
Bộ KHCN cho biết, quyền sử dụng nhãn hiệu theo pháp luật về nhãn hiệu không đồng nhất với quyền cung cấp dịch vụ theo sự cấp phép của Bộ GTVT. Văn bản của Bộ KHCN cũng khẳng định, việc kết luận rằng JPA không được sử dụng 3 nhãn hiệu kể trên trong kinh doanh hàng không là không phù hợp với pháp luật về nhãn hiệu.
Phúc Hưng