Hy vọng sau hàng thập kỷ "treo lơ lửng" của người dân ga Thủ Thiêm
(Dân trí) - Hơn 20 năm qua, những người dân ở dự án ga đường sắt Thủ Thiêm đang tạm bợ trong chính ngôi nhà của mình vì không thể sửa chữa, tách thửa, chuyển nhượng.
Nhà ông Nguyễn Văn Tư nằm cạnh ngay khu quy hoạch ga đường sắt Thủ Thiêm (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM). Hàng chục năm qua, ông Tư không thể tu sửa nhà cửa, tấm sổ đỏ cũng mất giá trị vì chẳng thể sang nhượng, tách thửa hay buôn bán.
Tương tự, các hộ dân khác sống trong khu quy hoạch ga đường sắt nhiều thế hệ trôi qua cũng rơi vào tình cảnh chật vật.
Sống "treo"
"Quy hoạch có từ lúc ông bà nội của tôi còn sống, rồi tới cha mẹ tôi, họ đều qua đời rồi. Giờ đến thế hệ tôi", ông Nguyễn Văn Tư nói trong lúc bận quét rửa nền nhà.
Ngoài tấm sổ đỏ thể hiện phần đất của gia đình thuộc khu quy hoạch được ông bà để lại, hơn 20 năm qua, ông Tư và người dân trong khu phố chưa thấy cán bộ về đo vẽ thêm lần nào nữa.
Song, những ngày qua, thông tin về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bỗng được báo đài cả nước nhắc đến dày đặc. Khu phố nơi ông Tư ở bắt đầu bàn tán huyên náo.
"Bây giờ biết chắc chắn là dự án sẽ triển khai, chỉ mong Nhà nước xây dựng nhà ga Thủ Thiêm sớm, người dân dọn đi nơi ở mới ổn định, thoát khỏi cảnh trần dột, sàn ngập mỗi khi mưa đổ lớn", ông Tư hy vọng.
Cũng như ông Tư, ông Lê Văn Chiến nghe về bản quy hoạch từ khi còn là một trung niên khỏe mạnh 40 tuổi. Ngày đó, ông Chiến là tổ trưởng tổ dân phố, đến nay, ông đã về hưu, những người con của ông cũng lập gia đình, sinh con nhưng ngôi nhà cấp 4 xây gần 20 năm vẫn chưa được sửa chữa.
Mái nhà bằng tôn gỉ sét khắp chỗ cũng chỉ vừa được làm chống dột sau khi ông Chiến lên xuống phường nhiều lần để làm đơn xin.
Năm ngoái, ông Chiến muốn sang tên một phần đất cho người em ruột nhưng vì ngôi nhà vướng quy hoạch treo nên không thể thực hiện. Thay vào đó, ông Chiến chỉ có thể nhờ bên công chứng xác nhận phần đất đúng theo bản đồ trong giấy tờ nhà.
"Cũng không hình dung được quy hoạch "treo lơ lửng" lâu đến như vậy, ai cũng thấp thỏm không biết là có xây dựng hay không, chúng tôi không được sửa sang nhà cửa, sống tạm bợ rất mệt mỏi", ông Chiến thở dài.
Không ai hình dung được quy hoạch "treo lơ lửng" lâu đến như vậy
Khi được hỏi sau nhiều năm như vậy, ông có vui khi nghe thông tin dự án sắp được triển khai chính thức hay không, ông Chiến lắc đầu.
"Không vui, cũng không sốt ruột, trải qua quá lâu để giữ cảm xúc đó. Bây giờ tôi chỉ mong thành phố có đơn giá bồi thường, chỗ ở tái định cư để yên ổn tuổi già sau này", người đàn ông 63 tuổi nói.
Tín hiệu mới
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được ấp ủ đã 2 thập kỷ. Đây được xác định là dự án chiến lược, kỳ vọng sẽ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam và tạo ra đột phá cho hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Tuyến đường sắt bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội) đi qua 20 tỉnh, thành và kết thúc tại ga đầu mối Thủ Thiêm (TPHCM).
Trái ngược với vị trí hầu hết nhà ga đường sắt tốc độ cao được bố trí ở vùng nông thôn ngoại ô, ga Thủ Thiêm nằm ngay lõi trung tâm TPHCM, tọa lạc giữa hai trục đường lớn là đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của (phường An Phú, TP Thủ Đức).
Ga đường sắt Thủ Thiêm là nhà ga duy nhất nằm ngay lõi trung tâm thành phố với vị trí đắc địa, kết nối các nhà ga, cảng hàng không (Đồ họa: Thư Trần - Ảnh: Nam Anh).
Đây là vị trí đắc địa khi nằm ngay đầu tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành và nút giao thông An Phú - một trong những điểm giao thông quan trọng của khu vực phía Đông TPHCM. Ga Thủ Thiêm còn đóng vai trò kết nối thông qua đường sắt đô thị từ ga Thủ Thiêm đến ga Bến Thành, ga Hòa Hưng và cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Không chỉ có lợi thế về giao thông, khu vực ga Thủ Thiêm còn nằm sát Khu đô thị Thủ Thiêm - một trong những khu đô thị hiện đại bậc nhất của TPHCM.
Cách đây một tuần, Chính phủ đã trình Quốc hội hồ sơ dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.
Trường hợp chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Bộ GTVT dự kiến đấu thầu, lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2025-2026. Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM vào năm 2027. Năm 2028-2029, khởi công dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đến ga đầu mối Thủ Thiêm (Đồ họa: Khương Hiền).
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và cần thiết.
Với quyết tâm cao nhất, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh cần sớm đầu tư dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.
Từ những tín hiệu khả quan này, các hộ dân tại khu quy hoạch ga đường sắt Thủ Thiêm tin rằng cuộc đợi chờ hàng thập kỷ của họ đã đến lúc được tháo gỡ để bắt đầu cuộc sống mới.
Để chuẩn bị cho dự án, trong nhiều năm qua các bộ ngành liên quan đã tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Dự án có chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm; tốc độ 350km/h, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM); trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tổng chi phí ước tính 67,34 tỷ USD.