Hơn 2.000 người chết, Myanmar không kịp thu thập thi thể sau động đất
(Dân trí) - Myanmar đối mặt với hàng loạt khó khăn khi không có đủ lực lượng cứu hộ để thu thập thi thể sau trận động đất lịch sử.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể trong đống đổ nát sau trận động đất ở Myanmar (Ảnh: Reuters).
Sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3, quy mô tàn phá ở miền trung Myanmar là cảnh tượng mà lực lượng cứu hộ và nhân viên y tế chưa từng chứng kiến trước đây, ngay cả ở một quốc gia đã trải qua hơn 4 năm nội chiến.
Tại Sagaing, các tòa nhà đã sụp đổ ở hầu hết mọi nơi sau trận động đất. Trụ sở của lực lượng cứu hỏa tỉnh cũng nằm trong số những tòa nhà bị phá hủy, khiến toàn bộ máy móc và phương tiện cứu hộ bên trong bị hư hại.
Myanmar không có đủ đội cứu hộ để tìm kiếm và thu thập thi thể, cũng không có đủ thiết bị để đào bới đống đổ nát.
"Đã 2 ngày trôi qua và mùi tử khí bắt đầu bốc lên. Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào vì mất kết nối internet và điện thoại. Hiện tại, chỉ có người dân tham gia vào công tác cứu hộ và chúng tôi rất cần thêm nhân viên cứu hộ", Ma Ei, người tham gia hỗ trợ các hoạt động nhân đạo, cho biết.
Ma Ei nói rằng họ cũng cần thực phẩm khô, nước uống và thuốc men.
Bệnh viện Sagaing cũng bị hư hại, buộc bệnh nhân phải điều trị ngoài trời nắng nóng. Cho đến ngày 30/3, vẫn chưa có lều bạt nào che chắn cho họ khỏi ánh nắng mặt trời, Ma Ei cho biết thêm.
Ma Ei chứng kiến khoảng 200 bệnh nhân đến bệnh viện Sagaing ngay sau trận động đất. Hầu hết đều bị gãy chân tay và chấn thương đầu.
"Có thể còn nhiều bệnh nhân hơn. Một số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thậm chí còn đau khổ hơn", Ma Ei nói thêm.
Ko Doe, một thành viên của đội cứu hộ địa phương ở Sagaing, cho biết thiết bị đã bị hư hại trong trận động đất, nhưng nhóm cứu hộ của ông đã bắt đầu làm việc "ngay khi nhận được một số máy móc từ chính phủ và không dừng lại". Tuy nhiên, ngay cả khi có thiết bị được bổ sung, cả thị trấn chỉ có 4 cần cẩu.
Các đội cứu hộ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung thiết bị, mất điện, gián đoạn kết nối và đường sá bị hư hỏng.

Những ngôi chùa bị đổ sập sau động đất ở Myanmar (Ảnh: Reuters).
Những bệnh nhân ở Sagaing cần điều trị phức tạp hơn thường được chuyển đến Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, nơi có bệnh viện lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, đường sá và cầu cống đã bị hư hại nghiêm trọng, và ngay cả khi chúng được sửa chữa, bệnh viện đa khoa của thành phố đang trong tình trạng quá tải.
"Tôi đã ở độ tuổi trung niên và đã trải qua rất nhiều sự cố, nhưng chưa bao giờ bận rộn như thế này. Tình hình rất nghiêm trọng", một bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Mandalay cho biết.
Ông cũng nhớ lại cảnh tượng đứng ở trung tâm thành phố sau trận động đất: "Bất cứ nơi nào tôi có thể nhìn thấy, từ đông, tây, nam, bắc, tôi đều thấy những tòa nhà đổ sập và chỉ có bụi", ông nói.
Tất cả bệnh nhân tại bệnh viện Mandalay đã được sơ tán và đang được điều trị bên ngoài. Những người không chịu được sức nóng đã được đưa đến gần lối vào để có thể dễ dàng di chuyển.
Liên hợp quốc đã cảnh báo về "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế" bao gồm bộ dụng cụ chấn thương, túi máu, thuốc gây mê, thiết bị hỗ trợ, các loại thuốc thiết yếu và lều cho nhân viên y tế tại Myanmar.
Ở những khu vực bên ngoài các thành phố chính, tình hình có vẻ tệ hơn.

Đống đổ nát ở Myanmar sau động đất (Ảnh: Reuters).
Ko Doe cho biết nhóm cứu hộ của ông đã tìm thấy 190 thi thể cho đến nay, nhưng ông tin rằng vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt. Ông cho biết công việc vẫn tiếp tục khẩn trương.
Ông Ko nói rằng nhóm của ông sẽ đến một tu viện, một trường Phật giáo, một trường tư thục và một trường nữ tu, nơi vẫn còn nhiều thi thể bị mắc kẹt. Nhiều người trong số họ là trẻ em.
"Cơ hội sống sót là rất thấp", ông cho biết.
Theo Wall Street Journal, vào cuối ngày 30/3, chính quyền quân sự Myanmar thông báo ít nhất 2.028 người đã thiệt mạng trong trận động đất và 3.408 người bị thương.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết đội cứu hộ đã đưa một phụ nữ ra khỏi đống đổ nát của khách sạn Great Wall ở Mandalay gần 60 giờ sau trận động đất.
Liên hợp quốc thông báo đang gấp rút cung cấp hàng cứu trợ cho khoảng 23.000 người sống sót sau trận động đất ở miền trung Myanmar.
Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan nằm trong số các nước láng giềng của Myanmar đã gửi hàng hóa cứu trợ và đội cứu trợ, cùng với viện trợ và nhân sự từ Malaysia, Singapore và Nga. Mỹ đã cam kết viện trợ 2 triệu USD "thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar".