Chính thức đưa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ra Quốc hội

Ngọc Tân

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký Tờ trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Ngày 19/10, Chính phủ đã trình Quốc hội hồ sơ dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Đây là một dự án chiến lược, được kỳ vọng sẽ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam và tạo ra đột phá cho hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Chính thức đưa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ra Quốc hội - 1

Dự kiến hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Đồ họa: Khương Hiền).

Theo Tờ trình, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Tuyến đường sắt sẽ được xây mới với quy mô đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; trên tuyến có 23 ga khách, 5 ga hàng với công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.

Ước tính tổng mức đầu tư dự án là 67,34 tỷ USD, triển khai theo hình thức đầu tư công. Nguồn vốn chuẩn bị cho dự án gồm vốn ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc...

Trong quá trình xây dựng và vận hành, các doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Về tiến độ thực hiện, Chính phủ đề xuất lập báo cáo khả thi trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.

Trước đó, hồ sơ báo cáo tiền khả thi dự án do Bộ GTVT phụ trách lập đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa. Bộ GTVT đã tiếp thu góp ý của Hội đồng Thẩm định và hứa hẹn nhiều nội dung sẽ được "tính đúng, tính đủ" và làm rõ hơn ở bước lập báo cáo khả thi.