1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Huyền thoại anh hùng Cơtu Alăng Bảy (kỳ 2)

(Dân trí) - Chiến tranh qua đi, Alăng Bảy lại trở về với cuộc sống bình thường của một cựu chiến binh. Nhưng tinh thần của người lính lại thôi thúc ông tiếp tục cống hiến, trở thành một nông dân sản xuất giỏi và góp phần bảo tồn văn hoá Cơtu.

Giữ hồn văn hoá Cơtu

Huyền thoại anh hùng Cơtu Alăng Bảy (kỳ 2) - 1
Những lúc buồn nhớ đồng đội xưa, Alăng Bảy cùng vợ bà Bríu Thị Lee chồng đàn vợ hát những làn điệu dân ca Cơtu.
 
Trong căn nhà nhỏ của mình ở thôn BhHôồng, xã Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam), những lúc nhớ lại những năm tháng hào hùng, già làng Alăng Bảy lại đem những tấm huy chương ra cần mẫn lau chùi, rồi lấy đàn Aber ra độc tấu những bản nhạc truyền thống của dân tộc mình.
 
Bên bếp lửa rực hồng của đêm vùng cao, những câu chuyện về chiến tranh, làm kinh tế, về việc xây dựng bản làng văn hoá được già làng say sưa kể lại.
 
Năm 1995, Alăng Bảy nghỉ hưu nhưng vẫn được được tín nhiệm làm chức Chủ tịch Hội Nông dân, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Kôn. Cho mãi đến năm 2005 ông mới về nghỉ hẳn.
 
Được nghỉ hưu, ông cùng vợ (bà Bríu Thị Lee, cũng là cựu chiến binh) bắt tay vào xây dựng kinh tế gia đình, cần cù khai phá đầm lầy làm ruộng lúa nước, đào ao nuôi cá. Với hơn 5 ha rừng trồng, kết hợp chăn nuôi bò, gia đình Alăng Bảy trở thành hộ dân có kinh tế khá giả trong làng và được nhận giấy khen của huyện về Nông dân sản xuất giỏi.
 
Đất nước đổi mới, cuộc sống người dân Cơtu khá lên nhưng những nét văn hoá truyền thống của dân tộc lại ngày càng bị xem nhẹ. Điều đó lại trở thành nỗi trăn trở không nguôi trong lòng già làng Alăng Bảy. Thế là ông cùng với các già làng trong thôn đi đến từng nhà dân vận động xây dựng thôn văn hoá.
 
Giờ đây thôn Bhơ Hôồng quê ông đã được công nhận thôn văn hoá cấp tỉnh. Già làng Alăng Bảy tâm sự : “Thôn mình được công nhận là thôn văn hoá cấp tỉnh mình mừng lắm!
 
Nhưng chưa hết lo mô, thanh niên bây giờ không thích nghe hát lí, không rành đánh cồng chiêng, mặc trang phục truyền thống trong lễ hội mà còn xấu hổ…Mình phải khuyên bảo nhỏ to, rồi dạy cho chúng yêu thích và biết đánh cồng chiêng, thổi khèn, đánh đàn Aber…Mình già rồi làm gì được cho dân làng thì cố làm thôi…”.
 
Người Cơtu có 7 loại nhạc cụ truyền thống, thì già Bảy biết sử dụng thành thạo đến 5 loại. Tại Đại hội VH-TT huyện Đông Giang lần thứ V, già làng Alăng Bảy nhận giải nhất Biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
 
Người anh hùng của người Cơtu
 
Từ năm 1959 - 1975, Alăng Bảy tham gia trên 90 trận đánh lớn nhỏ, diệt tổng cộng 100 tên giặc, bắt sống 8 tên, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, thu hàng trăm vũ khí, quân dụng của địch. Vậy mà hồ sơ phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) có xác nhận của các cấp hẳn hoi gửi đi đã 5 năm  nay vẫn “bặt vô âm tín”.
 
Ông Bríu Brăm, nguyên Bí thư huyện Tây Giang kể lại, Alăng Bảy được nhân dân và đồng đội mến mộ gọi là Anh hùng Cơtu. Thời đó trên vùng biên giới Việt - Lào chiến tranh ác liệt lắm nhưng nơi nào có Bảy thì nơi đó người dân an tâm, tin tưởng , chiến trường nào có Bảy thì hầu như chiến thắng. Alăng Bảy cùng Bhnướch Tâm, Clâu Nâm, Zơrâm Nướl hợp thành 4 cái tên huyền thoại “Bảy - Nâm - Tâm - Nướl”.
 
Năm 1963, Alăng Bảy đã từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhưng chiến tranh ác liệt quá nên Quân khu 5 không liên lạc được để trao và cũng không ai đi nhận được.
 
Trong cuốn Sự kiện lịch sử Đảng bộ huyện Hiên (Tên huyện Đông Giang trước đây), giai đoạn 1945-1975 tên của Alăng Bảy và chiến công của anh cũng được nhắc đến. Và cũng theo ý kiến của ông Bríu Brăm: “Alăng Bảy rất xứng đáng để được Phong tặng danh hiệu Anh hùng nhưng không biết do vướng mắc gì mà đến nay vẫn chưa được công nhận”.
 
Khi hỏi về hồ sơ của người hùng Alăng Bảy, bà Bríu Thị Lee lôi từ trong chiếc ché ra một đống giấy tờ đã úa vàng. Trong đó có bảng khai thành tích, giấy xác nhận chiến công của huyện Tây Giang nơi mà Alăng Bảy trực tiếp chiến đấu, ngoài ra còn có cả 3 - 4 lá đơn xin hỏi vì sao chưa được công nhận của Alăng Bảy.
 
5 năm rồi, những đồng đội của ông ở huyện Tây Giang đã được công nhận nhưng ông thì chưa. Đồng đội của ông - ông Clâu Nâm ở xã Lăng (Tây Giang) vừa được công nhận Anh hùng LLVT ngày 15/6/2010, tâm sự: “Già được công nhận Anh hùng, già mừng lắm nhưng trong bụng vẫn còn buồn vì những đồng đội của mình cũng rất xứng đáng nhưng vẫn chưa được công nhận như Alăng Bảy, Clâu Nhất, Clâu Liên…”.
 
Nhìn vẻ mặt đượm buồn của già làng Alăng Bảy, tôi hiểu, không phải ông đòi hỏi gì quá lớn cho mình. Đã một thời vào sinh ra tử chiến đấu vì mảnh đất quê hương, giờ đây ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” thì danh hiệu lớn nhất trong lòng ông chính danh tiếng một thời vẫn còn vang vọng trong lòng người dân nơi ông từng chiến đấu và trong lòng những đồng đội đã từng vào sinh ra tử với ông. Thế là ông đã mãn nguyện lắm rồi.
 
Chia tay ông khi ánh chiều ngã bóng, thôn văn hoá Bhơ Hôồng soi bóng xuống dòng sông Kôn, hình ảnh của người Anh hùng một thời Alăng Bảy với xấp hồ sơ úa vàng và đôi mắt đượm buồn làm chúng tôi không khỏi bùi ngùi.
 
Nguyễn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm