1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Kỳ 1:

Huyền thoại anh hùng Cơtu Alăng Bảy

(Dân trí) - Dòng sông Kôn bao đời xanh mát, ôm ấp bản làng Cơtu, nơi đó có một già làng mà tên ông gắn liền với những chiến công hiển hách, là niềm tin, niềm kiêu hãnh của lớp lớp con em người dân tộc Cơtu.

Huyền thoại anh hùng Cơtu Alăng Bảy  - 1
Anh hùng của Đại ngàn Trường Sơn - Alăng Bảy.
 
Đó là già làng Alăng Bảy ở thôn Văn hoá BhHôồng, xã Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam) - một trong “tứ đại anh hùng” của Trường Sơn đại ngàn thời chống Mỹ cứu nước.
 
Kỳ tích nơi Trường Sơn đại ngàn
 
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng trông ông quắc thước, minh mẫn lắm. Khi nhắc về những chiến công nơi đại ngàn năm xưa, mắt ông sáng lên và ký ức một thời oanh liệt lại hiện về gần như nguyên vẹn.
 
Alăng Bảy sinh năm 1930 tại xã Atiêng, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang, Quảng Nam) trong một gia đình Cơtu nghèo khó. Chiến tranh đã tàn sát bản làng, giết hại bao nhiêu người vô tội. Không đành lòng để bản làng xác xơ vì giặc, năm 1958 ông thoát li theo cách mạng.
 
Ông nhớ lại : “Hồi nớ không chịu được cái cảnh làng mạc bị giặc tàn phá, dân mình bị đàn áp, một mình không thể chống lại, rứa là tao xung phong đi Việt Minh”.
 
Đến năm 1960, ông được kết nạp vào Đảng. Năm 1963 chiến tranh ác liệt xảy ra dọc dãy Trường Sơn nên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh điều ông về tăng cường cho Huyện đội Tây Giang và giữ chức vụ trợ lý tác chiến cho Huyện đội.
 
Khi đó khu vực 3 xã: Lăng, Atiêng, Anông là ngã 3 trung tâm Nam Bắc Việt - Lào trên tuyến đường Trường Sơn, là nơi có cơ quan trại giam 150 của Bộ, là khu vực trọng yếu của chiến trường Khu 5.
 
Vì thế Ban chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang tiếp tục điều ông về khu vực này. Ông giữ chức vụ Chính trị viên (cấp bậc Đại uý) kiêm Xã đội trưởng đồng thời là chủ tịch UBND xã Atiêng, rồi Bí thư xã Atiêng từ 1968 - 1975.
 
Chính trong thời gian này Alăng Bảy đã góp phần rất lớn để viết nên trang sử vẻ vang thời chống Mỹ nơi đại ngàn Trường Sơn. Năm 1995 ông về hưu vẫn còn mang trên người 4 vết thương chiến tranh, một mảnh lựu đạn còn nằm bên trong đùi phải.
 
Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: 3 năm liền chiến sỹ thi đua, 2 lần đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ; 5 Huân chương chiến công, 3 Huân chương chiến sỹ vẻ vang, 2 Huân chương chiến sỹ diệt Mỹ, 2 Huân chương chiến thắng và quyết thắng hạng nhất và nhiều bằng khen, giấy khen các loại.
 
Bắn rơi 5 chiếc máy bay Mỹ bằng súng trường
 
Nhắc lại kì tích bắn rơi máy bay Mỹ, già làng Alăng Bảy hào hứng, đôi mắt già nua bỗng rực lên như thời trai trẻ. Hớp ngụm trà đã nguội, già Bảy tự hào kể lại: “Hồi đó mình tinh thần lắm, không sợ hi sinh là gì, nơi nào có địch, nơi nào dân làng bị đàn áp là anh em mình xung phong đi chiến đấu. Còn nhớ trận phục kích giặc nơi biên giới Việt - Lào, 12 anh em nhịn đói đúng 1 tuần để chiến đấu với một tốp biệt kích Mỹ mà chiến thắng vẫn thuộc về quân mình”.
 
Già Alăng Bảy kể: Năm 1962, tại đồi Ahu, xã Atiêng (Tây Giang), ông cùng các chiến sĩ đang mai phục địch tại đây, bỗng một chiếc máy bay trinh sát của Mỹ HU 1A quần sát đồi và chuẩn bị hạ cánh.
 
Ông cùng 2 chiến sỹ bò lên sát đỉnh đồi chọn một chỗ ẩn nấp và chờ đợi. Chiếc HU 1A vừa hạ độ cao ngay nơi mình ẩn nấp, Alăng Bảy nã một phát, chiếc máy bay bốc cháy ngùn ngụt chao đảo và cắm đầu xuống khe núi Ahu.
 
Sau lần đầu tiên bắn được máy bay Mỹ chỉ với một khẩu súng trường, ông và đồng đội lại có thêm kinh nghiệm để lập thêm nhiều chiến công hiển hách.
 
Mùa thu 1963, tại sân bay dã chiến trên đồn Aró (xã Lăng), Alăng Bảy cùng với Bnướch Tâm chỉ huy tiểu đội 10 người, 3h sáng bí mật lẻn vào sân bay phục kích đợi thời cơ. Đến 4h sáng, trời vừa rạng sáng, Bảy ra lệnh nổ súng diệt được 43 tên địch và bắn cháy 2 máy bay trực thăng Mỹ.
 
Sau đó bị địch phát hiện bao vây phải mở đường máu thoát thân, đến hơn 7h đội quân của Alăng Bảy mới trở về đơn vị an toàn, chỉ duy nhất đồng chí Alăng Cưa bị thương.
 
Alăng Bảy nhớ lại: “Bị bao vây mà mình chỉ có 10 người, Bảy phải đánh lạc hướng địch. Mình vừa chạy vừa hét to “Tiểu đội 1 bên phải, tiểu đội 2 bên trái, tất cả còn lại xông thẳng lên, Bảy nổ súng chạy trước dẫn đường, men theo vách đá, chạy vào rừng… Địch sợ bị chông và bẫy thò có thuốc độc lắm nên không dám đuổi theo”.
 
Cuối tháng 5/1968, Bảy cùng 4 du kích địa phương phục kích trên một ngọn núi (Thôn Za rươt, xã Atiêng). Bất ngờ 1 chiếc trực thăng chở biệt kích hạ cánh xuống ngay nơi ẩn náu. Alăng Bảy nổ súng chiếc máy bay chao đảo không bay được bắt buộc phải hạ. Bảy cùng đồng đội ập đến tiêu diệt 5 tên (2 giặc lái) thu 4 khẩu súng và “bắt sống” cả chiếc máy bay.
 
Còn một tên thoát thân chạy qua xã Lăng cũng bị mắc bẫy. Ta không giết mà phục kích xung quanh. Như dự kiến, nó dùng bộ đàm để gọi cứu viện và một chiếc trực thăng khác bay đến cứu giúp cũng bị ta tiêu diệt nốt.
 
Cái tên Alăng Bảy được người già vùng cao kể lại như một vị anh hùng của đại ngàn Trường Sơn. Sau những chiến công ấy ông cùng đồng đội nhận hàng loạt những bằng khen của quân khu, của Đảng và Nhà nước trao tặng.
 
Nguyễn Cường
(Còn nữa)