1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Hơn 50% nhân viên du lịch không biết ngoại ngữ

Trong báo cáo sáng 6/12 của Tổng cục Du lịch, 32% lao động phục vụ trực tiếp biết tiếng Anh. Trung Quốc, thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, nhưng số người biết ngoại ngữ này chỉ có 3,6%. Chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành rào cản của ngành "công nghiệp không khói".

Hội thảo phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, sáng nay, là cơ hội để các nhà quản lý du lịch và công ty lữ hành, khách sạn hàng đầu ngồi lại, tìm lời giải cho bài toán yếu ngoại ngữ, hạn chế chuyên môn của đội ngũ làm du lịch.

 

Theo Phó thủ tướng Vũ Khoan, trong cuộc canh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, 3 yêu cầu hàng đầu đặt ra với những người làm du lịch Việt Nam là tri thức, tính chuyên nghiệp và cách ứng xử văn hóa. Những người làm du lịch không chỉ cần hiểu rõ tình hình xã hội, văn hoá đất nước mình mà còn phải hiểu phong tục tập quán của các nước bạn.

 

Là người thường xuyên công tác nước ngoài, Phó thủ tướng lấy dẫn chứng cụ thể về việc thích ăn đồ sống của người Nhật Bản. "Đó không chỉ là thói quen mà còn triết lý sống thiên nhiên là hoàn hảo của người dân xứ sở mặt trời mọc. Trong khi, người Trung Quốc lại thích những món ăn chế biến công phu theo quan niệm con người cải tạo thiên nhiên. Nếu hiểu được suy nghĩ của du khách, người làm du lịch sẽ để lại những ấn tượng đẹp, cuốn hút họ quay lại Việt Nam", Phó thủ tướng lưu ý.

 

Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu nhất

 

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, chỉ có 32% lao động phục vụ trực tiếp biết tiếng Anh ở mức độ khác nhau. Số người biết tiếng Pháp chiếm 3,2%. Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam nhưng số nhân viên du lịch biết ngoại ngữ này chỉ có 3,6%.

 

Trong 3 năm gần đây, lượng khách Nhật Bản và Hàn Quốc đến Việt Nam đã tăng vọt. Mặc dù báo cáo của Tổng cục Du lịch không đề cập đến số hướng dẫn viên biết 2 ngoại ngữ này nhưng theo một số chuyên gia du lịch, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 5%. Tình trạng thiếu hướng dẫn viên Hàn Quốc, Nhật nghiêm trọng đến mức một số hãng lữ hành đã phải sử dụng những người Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc tại Việt Nam làm hướng dẫn viên. 

 

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ - Tổng cục Du lịch, ngay cả giáo viên tại các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay cũng chỉ có 22% sử dụng thông thạo một ngoại ngữ. Số giáo viên thông thạo hai ngoại ngữ chỉ có 4%.

 

10 nhân viên du lịch, 1 người qua đào tạo

 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng chương trình nhân lực du lịch, số lao động du lịch VN hiện có trên 230.000 người. Thực trạng của nguồn nhân lực này là tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu lao động có chuyên môn, yếu kém về ngoại ngữ. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng lao động du lịch chưa qua đào tạo tại doanh nghiệp nhà nước là 50%. Với khối tư nhân, cứ 10 người thì có 1-2 người qua đào tạo.

 

Năm 2005, Việt Nam dự kiến sẽ đón 3,2 triệu khách quốc tế. Lượng khách quốc tế dự báo sẽ tăng gấp đôi vào 2006. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng sẽ phải tăng khoảng 50%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhân viên phục vụ trong nhà hàng, khách sạn. Ông Đính cho rằng, nếu không sớm giải quyết bài toán về nhân lực, thì đây sẽ là rào cản hạn chế sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói". Bi kịch khách du lịch đến một lần rồi không quay trở lại sẽ còn tái diễn.

 

Theo Việt Anh
VnExpress