DNews

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ánh sáng văn hóa lan tỏa bằng ngòi bút chính trực

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chia sẻ, ánh sáng văn hóa chỉ có thể lan tỏa sáng bằng những ngòi bút chính trực, nhân văn của người làm báo có đạo đức.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ánh sáng văn hóa lan tỏa bằng ngòi bút chính trực

Gần một thế kỷ trôi qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, tiến những bước vững chắc trên hành trình vẻ vang của mình.

Những đóng góp quan trọng, những thành tích nổi bật của đội ngũ những người làm báo trong 99 năm qua đã làm ngời sáng truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng.

Ðó là tinh thần đoàn kết, là sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, trung thành tuyệt đối với Ðảng, Tổ quốc và dân tộc, luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết bảo vệ công lý, lẽ phải.

Chính trị phải ăn sâu vào đời sống thực tế

Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024) phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam để hiểu rõ hơn về câu chuyện nghề báo.

Đối với Nhà báo Hồ Quang Lợi, ngòi bút phải luôn giữ được lửa chiến đấu, tính nhân văn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Thưa Nhà báo, vấn đề chính trị đối với người làm báo là rất quan trọng, xin ông cho biết những lưu ý chính trị đối với báo chí hiện nay?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam hiện nay, dù là hệ thống báo Đảng, báo của lực lượng vũ trang, của các bộ ngành, của đoàn thể xã hội,... đều nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Do đó, tính chính trị của báo chí Việt Nam rất cao và nhiệm vụ của người làm báo rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Mỗi cơ quan báo chí có tôn chỉ mục đích, có đối tượng bạn đọc khác nhau, nên các tòa soạn phải triển khai nhiệm vụ chính trị cho phù hợp với độc giả của mình.

Điều này phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo, bám vào tôn chỉ mục đích của từng tờ báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tôi lấy ví dụ như báo Dân trí, lúc đầu chỉ là một tờ báo của Hội Khuyến học, nhưng giờ đã trở thành một cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trở thành một trong những tờ báo quan trọng, có vị trí vững chắc trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo Dân trí là một trong ba tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất, có sức sống mạnh nhất.

Đây là một thành công rất nổi bật của báo Dân Trí mà khởi sự của thành công này là Nhà báo Phạm Huy Hoàn, nguyên Tổng Biên tập báo Dân trí - một người tuổi tuy cao nhưng năng lượng làm báo rất mạnh mẽ, dồi dào, từ đó cùng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên xây dựng nên tờ báo Dân trí như ngày hôm nay.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ánh sáng văn hóa lan tỏa bằng ngòi bút chính trực - 1

Nhà báo Hồ Quang Lợi đã viết hàng nghìn bài bình luận đăng trên các báo và xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị (Ảnh: Nguyễn Hải).

Thưa ông, bản lĩnh chính trị của người làm báo được thể hiện như thế nào?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Bản lĩnh chính trị của người làm báo không phải một điều gì quá xa vời, cao siêu. Như tôi hiểu, bản lĩnh chính trị của người làm báo chính là thái độ trước những vấn đề của cuộc sống, thấy vấn đề đó đúng hay sai, thấy đúng có bảo vệ không, thấy sai có chống lại không, có làm nghề vì lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân hay không?

Chính trị là thái độ đúng đắn của người làm báo trước các vấn đề của xã hội. Chính trị là những điều thiết thực nhất của đời sống mà người dân cần nhất, doanh nghiệp cần nhất, xã hội cần nhất thì báo chí lên tiếng để bảo vệ, hỗ trợ, đấu tranh chống lại những thứ cản trở sự phát triển của đất nước, vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Chính trị không phải là quan điểm cứng nhắc, cực đoan mà nó phải ăn sâu vào trong thực tế đời sống. Như thế, chính trị mới thực sự là phục vụ đời sống và gắn kết với cuộc sống của người dân. Chính trị là giải quyết những vấn đề nóng, cơ bản, trọng yếu của đất nước và của từng người dân.

Người dân, xã hội chúng ta ngày càng tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, đó là do chính trị phục vụ được đời sống, đáp ứng được những lợi ích tối cao của đất nước, của người dân. Vì vậy, báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ánh sáng văn hóa lan tỏa bằng ngòi bút chính trực - 2

Nhà báo Hồ Quang Lợi trong một lần được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Nhà báo Hồ Quang Lợi).

Xa rời đạo đức báo chí sẽ chệch hướng

Thưa ông, giữa chính trị và đạo đức có mối quan hệ như thế nào?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Giữa chính trị và đạo đức có một nền tảng rất cơ bản, đó là văn hóa, đan hòa vào nhau nên người làm báo cần bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ ngày càng cao. Đặc biệt, người làm báo cần phải nêu cao đạo đức, bởi đạo đức là cốt lõi của hoạt động báo chí. Nếu chúng ta xa rời đạo đức báo chí sẽ chệch hướng và gây hại.

Do đó, một nền báo chí chuẩn mực, giàu tính chiến đấu và tính nhân văn phải góp phần xây đắp nền tảng tinh thần, đạo đức của xã hội, góp phần lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc. Giữa chính trị và đạo đức luôn phải gắn kết với nhau. 

Thời gian qua xảy ra một số hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật, ông đánh giá điều này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động báo chí?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi:  Số lượng người vi phạm cũng như các vụ vi phạm chỉ là số ít, nhỏ lẻ nhưng tác hại của nó lại rất nghiêm trọng.

Trong xã hội đâu đó xuất hiện tâm lý không ưa nhà báo, thiếu thiện cảm, thậm chí xa lánh người làm báo.

Tôi nhấn mạnh, số người vi phạm đạo đức là số ít nhưng làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí với xã hội, làm tổn hại thanh danh và lòng tự trọng của những người làm báo chân chính.

Do đó, chúng ta phải khắc phục, chống lại những biểu hiện sai lệch về đạo đức, không nên để sai phạm của một bộ phận nhỏ làm cho xã hội nhìn nhận sai, đánh giá không đúng mực về giới báo chí, về vai trò của báo chí cũng như đóng góp của những người làm báo.

Trong những ngày này, chúng ta đang sống trong không khí kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Dù là ở lứa tuổi nào khi đã làm nghề này, đứng trong đội ngũ này, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào một cách sâu sắc về đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam trong suốt 99 năm qua, nhất là qua các thời kì tham gia vào chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, rồi những năm đầu đổi mới và đến bây giờ là hội nhập quốc tế, báo chí của chúng ta luôn ở trên tuyến đầu của mọi lĩnh vực đời sống đất nước.

Và những người làm báo đã thể hiện tinh thần dấn thân, cống hiến cho xã hội, cho đất nước hết sức đáng quý.

Ở thế hệ nào, dù trong chiến tranh hay trong xây dựng, đổi mới chúng ta đều có những thế hệ người làm báo tài năng và mẫu mực.

Họ là những tấm gương không chỉ thuộc lớp nhà báo lão thành, mà ngay cả lớp trẻ bây giờ cũng xuất hiện những gương mặt rất sáng cả về nghề nghiệp và đạo đức.

Đối với những điều tốt đẹp, chúng ta phải vun vén, xây đắp, cổ vũ để nó trở thành một luồng năng lượng tích cực trong hoạt động báo chí và trong xã hội, còn những gì không tốt phải đấu tranh để ngăn chặn, loại trừ.

Việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã đến mức báo động, những vi phạm này lại gây hậu quả rất nghiêm trọng trong thời đại công nghệ số, có lúc như lũ, như lửa, rất nguy hại.

Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành quy định 10 điều đạo đức nghề nghiệp, cùng với đó Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam để khích lệ tinh thần cống hiến, hành nghề đúng đắn, ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức.

 Ánh sáng văn hóa chỉ có thể tỏa sáng bằng những ngọn bút chính trực, nhân văn của người làm báo có đạo đức.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ánh sáng văn hóa lan tỏa bằng ngòi bút chính trực - 3

Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng

 Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặc biệt là gần đây còn có trí tuệ nhân tạo, ông suy nghĩ như thế nào về việc báo chí có thể bị nhấn chìm trong những "dòng thác" công nghệ?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đã có những cảnh báo ở tầm quốc tế về sự tồn tại của báo chí trong thời đại số và thời đại công nghệ. Đó cũng là một vấn đề rất nóng với báo chí Việt Nam.

Nhưng tôi nghĩ rằng đối với báo chí Việt Nam, nếu chỉ tìm giải pháp bằng công nghệ là không đủ, mặc dù công nghệ rất quan trọng.

Đối với báo chí, dù truyền thống hay hiện đại, cốt lõi nhất vẫn là nội dung. Nội dung là trái tim của báo chí.

Có người nói nội dung là vua, nếu nội dung là vua thì công nghệ là nữ hoàng. Công nghệ và nội dung phải gắn kết với nhau.

Bên cạnh vòng xoáy công nghệ, chúng ta cũng chịu một vòng xoáy nữa là báo chí trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề đặt ra với báo chí hiện nay là tự chủ về tài chính như thế nào?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tự chủ tài chính trong báo chí ở Việt Nam không phải cơ quan báo chí nào cũng giống nhau.

Các cơ quan báo chí chủ lực được Nhà nước cấp một phần kinh phí để duy trì hoạt động thì không quá căng thẳng về vấn đề cân đối thu chi.

Nhưng với những cơ quan báo chí thuộc về các hiệp hội, có nhiều nơi đang gặp khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động.

Có nơi nợ lương, nợ nhuận bút, nợ công in, thậm chí nợ cả bảo hiểm xã hội và đời sống người lao động rất khó khăn.

Từ chuyện cơm áo gạo tiền trở thành vấn đề nóng nên ở một số nơi và một số người làm báo, cây bút đã không còn "ngay thẳng".

Thay vì đi thực tế để sáng tạo tác phẩm báo chí có chất lượng, chính trực, khách quan, công tâm thì lại lấy việc đi làm kinh tế, đưa doanh thu về tòa soạn là quan trọng hơn.

Có những tòa soạn khoán doanh thu cho phóng viên và phóng viên rất căng thẳng để đạt được doanh thu đó.

Không thể lấy khó khăn về thu nhập, về đời sống để bào chữa cho những vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn thực trạng để có những giải pháp giúp báo chí tháo gỡ các khó khăn.

Để báo chí vật lộn gay go với "cơm áo gạo tiền" sẽ khó để giữ được tâm thế cho người làm báo, khó giữ được lòng trong, bút sắc, mà lòng không trong thì tai hại vô cùng.

Để giải quyết vấn đề thu chi và đời sống của những người làm báo, tôi nghĩ đến một đề án tổng thể về kinh tế báo chí ở tầm quốc gia.

Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí, Nhà nước cần dành ra một phần ngân sách cần thiết để hỗ trợ báo chí làm nhiệm vụ chính trị.

Ngoài những cơ quan báo chí chủ lực đã được nhận ngân sách, những cơ quan báo chí khác cũng cần nhận được kinh phí phù hợp để làm nhiệm vụ chính trị.

Báo chí là một loại lao động đặc biệt, vì thế sản phẩm báo chí cũng là sản phẩm đặc biệt, vì nó tác động trực tiếp đến phản ứng, nhận thức, tâm lý của xã hội ngay lập tức. Tôi nghĩ, không thể tính hiệu quả trong hoạt động báo chí chỉ đơn thuần bằng lỗ lãi tiền nong.

Lãi lớn nhất mà báo chí đem lại cho xã hội chính là những thông tin chính xác, bổ ích, tạo đồng thuận xã hội vào mục đích chung.

Vì thế, nhà báo phải được tạo điều kiện cần thiết, trong đó có việc ổn định tài chính.

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ điều gì với những người làm báo, nhất là những người làm báo trẻ trong thời đại công nghệ số? 

- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi chúc những người đồng nghiệp ở báo Dân trí nói riêng và những đồng nghiệp yêu quý trên khắp cả nước nói chung có thật nhiều năng lượng sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay trong vòng xoáy của công nghệ, kinh tế thị trường, có nhiều niềm vui, thành công mới trong nghề báo và hạnh phúc trong cuộc sống.

Tôi tin những khó khăn, thách thức này, nếu chúng ta biết cách, có những biện pháp phù hợp sẽ biến thành cơ hội, động lực để phát triển mạnh mẽ hơn.

Tôi có một niềm tin vững chắc vào sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong những năm tới. Trong thời đại công nghệ số, báo chí càng có vai trò quan trọng, không thể thay thế được. Vì thế mà nhiệm vụ của người làm báo là rất cao cả.

Xin cảm ơn Nhà báo Hồ Quang Lợi với những chia sẻ rất ý nghĩa này!

Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh ra ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, từng giữ cương vị Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Tổng biên tập Hà Nội Mới, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam.

Ông hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Rumani, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

Ông Hồ Quang Lợi đã được trao 9 giải báo chí quốc gia và toàn quốc (trong đó có 5 Giải A).

Ông đã viết hàng nghìn bài bình luận đăng trên các báo và xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị như: Cuộc bứt phá toàn cầu (NXB Quân đội nhân dân, 1997); Ẩn số thời cuộc (NXB Quân đội nhân dân, 2004); Xung chấn kỷ nguyên đột biến (NXB Quân đội nhân dân, 2011); Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc (NXB Quân đội nhân dân, 2012),...